Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho hay, tại phiên chất vấn sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời nhiều vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội về phiên chất vấn sáng 6/6. |
Kỳ vọng của cử tri, Nhân dân, đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng sẽ đưa ra được những giải pháp trước mắt và lâu dài để sớm giải quyết được những vướng mắc. Tuy nhiên, đại biểu đánh giá các câu trả lời của Bộ trưởng mới chỉ tập trung vào giải pháp lâu dài, còn giải pháp trước mắt nhằm tháo gỡ ngay thì chưa nêu bật được, dù biết khó khăn.
Bộ trưởng chưa đưa ra giải pháp ngăn chặn công ty “ma”
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận có tình trạng người lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động.
Bộ trưởng cũng có nêu dẫn chứng, đối với những trung tâm đưa người đi lao động xuất khẩu được cấp phép thì việc lừa đảo xảy ra rất ít, phần lớn việc lừa đảo diễn ra tại các trung tâm hoạt động chui của những công ty “ma”.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng Bộ trưởng chưa giải thích được cần phải làm như thế nào để ngăn chặn tình trạng này. Trách nhiệm thuộc về nhiều bộ, ngành nhưng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chính trong việc này.
Lý do, theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga là vì người lao động thường thiếu thông tin, đa phần họ là những người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Do đó, người dân tại những khu vực này tiếp cận thông tin rất khó khăn.
Vậy, cần phải làm như thế nào để họ biết được công ty do Nhà nước thành lập, công ty có tư cách pháp nhân và uy tín đưa người đi xuất khẩu lao động? Người lao động tìm đến những công ty uy tín này qua kênh truyền thông nào?
“Tôi cho rằng, trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc này là phải tăng cường, đẩy mạnh, tuyên truyền đến người dân để họ có thể nắm bắt được thông tin. Vì khi có thông tin thì người lao động sẽ không bị lừa. Thực tế, các thông tin “ma” thường luôn chủ động tìm đến những người lao động thiếu thông tin”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.
Nói về giải pháp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng đã khá rõ ràng, đó là minh bạch thông tin, minh bạch thị trường lao động thì khi đó sẽ hạn chế được tình trạng này. Tuy nhiên, Bộ trưởng mới chỉ trả lời được đối với những trung tâm có uy tín và được cấp phép thì không có chuyện lừa đảo hoặc lừa đảo xảy ra rất ít. Nhưng làm như thế nào để ngăn chặn, bảo vệ được quyền lợi người lao động đây mới là việc cử tri trông chờ vào Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra giải pháp.
Khi không còn nguồn thu nhập, sẽ rút BHXH như “của để dành”
Về tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần gây “nóng” trong phiên chất vấn hôm nay, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, giải pháp về vấn đề này vẫn còn đang “loay hoay”, ngoài tăng cường truyền thông thì vẫn chưa có giải pháp nào hợp lý, có hiệu quả.
Bởi theo luật, người lao động được quyền rút bảo hiểm xã hội một lần. Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân vì sao họ lại rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến trong phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH. |
“Theo tôi, ở đây thường là những đối tượng công nhân, người nghèo bị mất việc khi họ không còn bất cứ một nguồn thu nhập nào khác, không còn bất cứ một khoản tiền nào lo cho cuộc sống, thì buộc phải tính đến “của để dành” là khoản tiền bảo hiểm”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Mặc dù, về lâu dài người lao động cũng có nhận thức được sẽ thiệt thòi. Nhưng họ buộc phải giải quyết tình trạng trước mắt như ăn, mặc để tồn tại. Đây là con đường duy nhất của nhiều người lao động nghèo để được một khoản tiền trước mắt.
Nêu giải pháp, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cùng với việc rà soát lại các quy định, thì điều quan trọng nhất là phải quan tâm đến cuộc sống hiện tại của người lao động. Nguyên nhân chính để người lao động rút bảo hiểm một lần là do mất việc làm, sự hỗ trợ từ Nhà nước cũng chỉ như “muối bỏ bể”.
Phải có được có chính sách hỗ trợ ngay trước mắt những đối tượng này. Đặc biệt, những người rút bảo hiểm một lần phải làm đơn, thủ tục, sẽ nắm được thông tin rà soát để hỗ trợ đúng đối tượng.
Xử lý việc chậm, không đóng bảo hiểm xã hội như “bắt cóc bỏ đĩa”
Về vấn đề chậm đóng bảo hiểm xã hội, không đóng bảo hiểm cho người lao động không chỉ nhức nhối trong thời điểm này. Sáng nay, các câu trả lời của Bộ trưởng mới đưa ra những giải pháp chung chung, ví dụ như tăng cường thanh tra kiểm tra, giám sát…
Tuy nhiên, bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn nói đến việc này mà nợ đọng bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra. Điều đáng nói là người lao động không kiểm tra, giám sát được rằng công ty có đóng bảo hiểm cho họ hay không. Về giải pháp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ LĐTB&XH, hoàn toàn có thể theo dõi, đôn đốc được việc này. Nhất là khi trong thời đại ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay.
Theo đại biểu đoàn Hải Dương, việc xử lý hiện nay cũng chỉ như ‘bắt cóc bỏ đĩa”. Thực trạng này kéo dài có một số nguyên nhân.
Tại thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất nặng nề từ đại dịch Covid-19, doanh nghiệp bị “khánh kiệt” nên cũng không còn kinh phí. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đã được xem xét hỗ trợ, trong đó có giải pháp hoãn nộp bảo hiểm bắt buộc.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp gặp khó khăn chỉ là nguyên nhân tại điểm này, còn sâu xa là việc các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động thì doanh nghiệp đỡ tốn một khoản tiền, nên họ cứ dây dưa được ngày nào có lợi ngày đó.
“Theo tôi, chúng ta phải có biện pháp hết sức quyết liệt. Phải mạnh tay trong công tác thanh tra kiểm tra, nâng chế tài xử phạt. Vì tình trạng này tác động tiêu cực đến cuộc sống người lao động, nhất là với công nhân nghèo, và có tác động xã hội rất xấu, dẫn tới hệ lụy người lao động mất niềm tin vào bảo hiểm xã hội vì họ không biết được nguyên nhân do đâu”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến.
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện: