Số lượng khách đi lại bằng máy bay ngày càng tăng, tần suất bay vượt công suất thiết kế nhiều lần khiến một số đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Q.Định |
Tuy nhiên, việc sửa chữa các đường băng này đang gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế về bố trí nguồn vốn, chưa kể việc sửa chữa sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động bay tại các cảng hàng không này.
Đường băng phụt bùn vào mùa mưa
Một lãnh đạo ACV cho biết đường băng 25R/07L của cảng hàng không Tân Sơn Nhất được sửa chữa và đưa vào sử dụng tháng 6-2013, đảm bảo tiêu chuẩn khai thác máy bay B777 - 300 ER hoặc tương đương với tần suất hoạt động 55.100 lần cất/hạ cánh trong 10 năm.
Tuy nhiên, đến hết tháng 4-2018, dù chỉ mới được 5 năm nhưng tần suất khai thác của đường băng này đã đạt 126.000 lần cất/hạ cánh, vượt nhiều lần so với thiết kế.
Tương tự, đường băng 1B của cảng hàng không Nội Bài được đưa vào khai thác năm 2003 với thiết kế đảm bảo khai thác máy bay B747-400 với khoảng 10.500 lượt hạ/cất cánh trong 20 năm.
Nhưng đến hết tháng 4-2018, tổng số lần cất hạ cánh trên đường 1B Nội Bài đã đạt 284.200 lần. Với tần suất khai thác vượt xa thiết kế, cả 2 đường băng này đều bị hư hỏng, mặt đường băng thường xuyên bị bong bật, nứt vỡ.
"Trong đó, đường băng 1B của Nội Bài có một số vị trí bị phụt bùn vào mùa mưa. Nếu không sớm cải tạo, hai đường băng trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay.
Trường hợp xấu nhất có thể phải đóng cửa, không khai thác hai đường băng trên làm tăng thêm áp lực khai thác cho đường băng còn lại của hai sân bay", vị này lo lắng
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một hãng hàng không cho rằng đường cất/hạ cánh ở sân bay vô cùng quan trọng đến chuyến bay, sơ suất bong tróc phần nhỏ của đường băng sẽ ảnh hưởng đến việc hạ/cất cánh, đe dọa an toàn của chuyến bay.
Với hơn 70% lịch khai thác mỗi ngày của hãng đều tập trung ở sân bay Tân Sơn Nhất, vị này bày tỏ lo ngại rằng trong trường hợp xấu, chất lượng đường băng không đảm bảo và phải đóng cửa sửa chữa, hãng này sẽ phải giảm tần suất bay.
Lịch bay đi/đến sẽ bị đảo lộn và cắt giảm chuyến bay ở hai sân bay này...
"Cuối tháng 4-2018, sân bay Đà Nẵng chỉ đóng cửa trong vòng 30 phút vào buổi sáng để sửa chữa đường băng do bêtông bị nứt cũng đã khiến hàng chục chuyến bay bị chậm giờ", vị này nói.
Đường băng sân bay Tân Sơn Nhất |
Thời gian qua, theo một cán bộ của Cục Hàng không VN, đường băng thường được sửa chữa theo hướng hỏng chỗ nào sửa chữa chỗ đó khi tần suất bay không cao.
Việc trám, vá vẫn đảm bảo cho hoạt động khai thác nhưng chỉ ở giai đoạn trước mắt, về lâu dài nếu sửa quá nhiều sẽ khiến đường băng ngày càng xuống cấp.
Và nhằm đảm bảo an toàn bay, các đường băng này thường được kiểm tra với tần suất từ 1-2 lần/ngày tùy từng cảng...
"Với tần suất bay hiện nay, trong tương lai gần không thể sửa chữa tạm bợ mà phải tính đến việc sửa chữa lớn" - vị này nói, đồng thời cho rằng muốn sửa chữa lớn phải tính đến chuyện đóng cửa dài hạn, giống như trước đây đóng ở Tân Sơn Nhất trong mấy tháng.
Tuy nhiên, ông Đỗ Tất Bình - phó tổng giám đốc ACV - khẳng định việc sửa chữa sẽ được thực hiện lần lượt chứ không làm cùng một lúc tại hai sân bay, nhưng chỉ khi nào có kế hoạch và chốt được nguồn vốn mới nghiên cứu về thời gian tiến hành thi công.
Theo ông Bình, ACV đang giữ hộ ngân sách nguồn thu từ phí cất, hạ cánh tại cảng hàng không, tích lũy từ năm 2018, mỗi năm hơn 1.000 tỉ đồng.
Nhưng khoản thu này cũng không đủ để đầu tư nâng cấp đường cất/hạ cánh Tân Sơn Nhất và Nội Bài, do số vốn cần phải có hơn 4.200 tỉ đồng.
Cũng theo ông Bình, khu bay là tài sản của Nhà nước nên về nguyên tắc, việc sửa chữa này phải đầu tư bằng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ ai quản lý khu bay và Bộ GTVT xử lý như thế nào về nguồn vốn đầu tư sửa chữa hai đường băng này.
"Chúng tôi vẫn chờ cơ chế, xem ai quản lý khu bay", ông Bình nói, đồng thời cho biết nếu được giao quản lý khai thác hạ tầng khu bay, ACV có thể dùng quỹ đầu tư phát triển của mình để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các đường băng này.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu ACV nghiên cứu và đề xuất phương án vốn để sửa chữa đường băng.
Trong thời gian chưa bố trí kịp thời vốn để đầu tư, ACV có trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng những hư hỏng tại đường cất/hạ cánh và đường lăn, đảm bảo khai thác an toàn tuyệt đối.