Các cuộc gặp tại Na Uy trong tuần qua đang tìm cách “xây dựng lộ trình hòa bình” cho đất nước Nam Mỹ, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết ngày 17/5.
Bộ Ngoại giao Na Uy, với nhiều kinh nghiệm hòa giải xung đột, cho biết đối thoại đang trong "giai đoạn thăm dò".
Các đại diện của chính phủ Venezuela và phe đối lập đã gặp riêng các chuyên gia trung gian hòa giải của Na Uy, nhưng họ không gặp nhau. Hiện chưa rõ hai bên có tiếp tục đàm phán hay không, theo Reuters.
Venezuela rơi vào tình trạng căng thẳng từ tháng một khi ông Juan Guaido, lãnh đạo Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, tự xưng là tổng thống lâm thời, và lập luận rằng việc ông Maduro tái đắc cử năm 2018 là trái luật.
Ông Guaido, lãnh đạo Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, tự mình tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời tháng 1/2019. Ảnh: Getty Images. |
Đỉnh điểm của căng thẳng là ngày 30/4 khi ông Guaido kêu gọi quân đội lật đổ Tổng thống Venezuela Maduro, nhưng không được quân đội hưởng ứng.
Cho đến nay, hàng chục người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ Maduro. Khủng hoảng kinh tế đã khiến hơn 3 triệu người rời bỏ đất nước vốn đang chịu cảnh khan hiếm lương thực, thuốc men và siêu lạm phát.
Đảng xã hội chủ nghĩa cầm quyền, vốn luôn khẳng định sẵn sàng đối thoại, đang ủng hộ khả năng đàm phán. Tuy nhiên, phe đối lập vẫn hoài nghi, cho rằng ông Maduro từng dùng đàm phán làm cớ để trì hoãn, củng cố quyền lực.
Mỹ và một số nước châu Âu công nhận ông Guaido là lãnh đạo của Venezuela trong khi ông Maduro vẫn nắm trong tay bộ máy nhà nước cùng sự ủng hộ của các quan chức cao cấp, cũng như các đồng minh như Nga, Cuba và Trung Quốc.
Phát biểu trước quân đội, ông Maduro cho biết đại diện của ông "đã tới Na Uy... bắt đầu thăm dò khả năng đối thoại với phe đối lập Venezuela để xây dựng lộ trình hòa bình cho đất nước".