"Bổ nhiệm người nhà" gây bức xúc dư luận
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017, trong đó khi nhấn mạnh vấn đề còn tồn tại về kỷ luật kỷ cương, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, Phó Thủ tướng nêu rõ: ”Vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém; kỷ luật, kỷ cương trong nhiều cơ quan, đơn vị và trong xã hội còn chưa tốt. Tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra". Dẫn chứng phụ lục vấn đề này nêu rõ: "Tính đến ngày 01/4/2017, trên cơ sở đề nghị của Bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế năm 2015, năm 2016 và đầu năm 2017 với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là trên 22,7 nghìn người”.
Để dẫn chứng phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực về vấn đề công tác cán bộ vẫn còn những yếu kém; một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Phụ lục báo cáo chỉ rõ: "Trong đó, có 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm; hiện tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng và đang được kiểm tra, làm rõ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa có 8 phó giám đốc; Sở Tài nguyên môi trường Bình Định có 6 Phó giám đốc Sở. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo”.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017. Ảnh Quochoi.vn. |
12 dự án thất thoát, thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh, việc xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn cũng làm chậm tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp liên quan.
"Đối với 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, xác định, đánh giá, kiểm tra thực địa; đề ra nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể", Phó Thủ tướng cho biết.
Trong mục phụ lục báo cáo nêu rõ: "Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43,6 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 22,56%; vốn vay chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16,1 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là gần 4 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 dự án là 57,7 nghìn tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 03 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8,6 nghìn tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13 nghìn tỷ đồng".
"Đến nay, một số dự án bước đầu đã có chuyển biến như các nhà máy sản xuất phân bón và Nhà máy thép tại Lào Cai", Phó Thủ tướng Thường trực cho biết.
“Kiện toàn bộ máy quản lý, nhất là đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả”, Phó Thủ tướng cho hay.
“Đối với những dự án thất thoát, thua lỗ lớn, yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ NSNN; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài. Đối với các dự án phục hồi được, phải đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Có cơ chế chính sách phù hợp đối với từng trường hợp.Đồng thời, xác định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tổng nợ xấu nội bảng hệ thống các tổ chức tín dụng trên 160 nghìn tỷ đồng
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được kết quả bước đầu, giữ vững an toàn hệ thống. Tuy nhiên, việc triển khai phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC còn nhiều khó khăn; năng lực quản trị điều hành của một số tổ chức tín dụng còn yếu, năng lực cạnh tranh thấp.
Trong giai đoạn 2012 - 2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 610 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm trên 56%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm gần 44%. Tính đến 31/3/2017, tổng nợ xấu nội bảng hệ thống các tổ chức tín dụng trên 160 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,56% tổng dư nợ tín dụng.
"Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và đang chỉ đạo kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Căn cứ Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; hoàn thiện các phương án xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường, trên nguyên tắc khẩn trương, quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả kinh tế, an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền. Củng cố, chấn chỉnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân; xử lý dứt điểm các quỹ yếu kém.Khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”, Phó Thủ tướng cho biết.
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông
Báo cáo về vấn đề quốc phòng, an ninh, đối ngoại, theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; tăng cường năng lực và nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm và các sự kiện chính trị quan trọng. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trên các địa bàn chiến lược. Bảo vệ an toàn cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển. Tham gia có hiệu quả công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh.
Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Làm tốt công tác phân tích, dự báo để chủ động có đối sách phù hợp, kịp thời. Tổ chức tốt hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Tăng cường quan hệ với các nước, các đối tác, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Phát huy hơn nữa vai trò và đóng góp của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, Tiểu vùng Mê Công. Tổ chức thành công Năm APEC 2017 tại Việt Nam.
Kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật Biển 1982. Chủ động, tích cực cùng ASEAN và các bên liên quan thực hiện đầy đủ DOC, phấn đấu sớm hoàn tất COC.