“Chiến lược đại dương xanh” (tựa gốc: Blue Ocean Strategy) là một cuốn sách nổi tiếng được viết bởi W. Chan Kim và Renée Mauborgne, xuất bản lần đầu vào năm 2005.
Trong cuốn sách này, Kim và Mauborgne đã đưa ra hai khái niệm mô tả chiến lược kinh doanh là “đại dương xanh” và “đại dương đỏ”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ phát triển, thị trường kinh doanh ngày càng trở nên khốc liệt với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Hầu hết các công ty đều cạnh tranh với nhau để giành giật khách hàng, thị phần trong những ngành công nghiệp đã bão hòa. Điều này dẫn đến việc giảm lợi nhuận, gia tăng chi phí và tạo ra một môi trường kinh doanh đầy căng thẳng, mà Kim và Mauborgne gọi là "đại dương đỏ".
Sách “Chiến lược đại dương xanh”. Ảnh: Tủ sách CEO. |
“Đại dương đỏ” đại diện cho những ngành công nghiệp hiện tại, nơi có nhiều đối thủ cạnh tranh, và các doanh nghiệp phải đấu tranh gay gắt để giành giật từng phần thị phần. Những chiến lược này, theo tác giả, chỉ đem lại sự giằng co, tốn kém, và dần đẩy doanh nghiệp vào ngõ cụt. Sự cạnh tranh khiến cho lợi nhuận giảm sút, thị trường dần bão hòa, và cuối cùng dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn lực.
Ngược lại, “đại dương xanh” là các không gian thị trường chưa được khai thác, nơi các doanh nghiệp có thể tạo ra và nắm bắt cơ hội mà không cần phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Trong đại dương xanh, doanh nghiệp không cần phải chạy đua với đối thủ mà có thể tự mình phát triển, tập trung vào đổi mới giá trị, cung cấp những sản phẩm hoặc dịch vụ mới mà chưa ai nghĩ đến.
Cốt lõi của “chiến lược đại dương xanh” là khái niệm đổi mới giá trị. Đây là sự kết hợp giữa việc nâng cao giá trị mà sản phẩm mang lại cho khách hàng và giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Đổi mới giá trị không chỉ đơn thuần là cải tiến sản phẩm hay dịch vụ hiện tại mà còn là việc tạo ra những yếu tố hoàn toàn mới để làm thay đổi cấu trúc thị trường. Khi doanh nghiệp tạo ra một sự khác biệt vượt trội mà khách hàng thực sự đánh giá cao, họ sẽ có khả năng mở ra thị trường mới và thoát khỏi áp lực cạnh tranh.
Kim và Mauborgne đã chỉ ra 6 cách cụ thể để giúp các công ty xây dựng “Chiến lược đại dương xanh”. Đó là:
1. Vạch lại ranh giới thị trường. Khảo sát các đối thủ cạnh tranh chủ yếu trong ngành của bạn.
2. Tập trung vào bức tranh lớn, chứ không vào các chi tiết cụ thể. Xem xét môi trường cạnh tranh thông qua việc đánh giá của khách hàng để bạn biết cần chú trọng những điểm gì là quan trọng đối với họ.
3. Vượt trên mức nhu cầu hiện tại. Đừng tập trung vào khách hàng hiện nay, mà hãy tìm kiếm các khách hàng tiềm năng.
4. Thiết lập trật tự ưu tiên về chiến lược. Những cải tiến về mặt công nghệ không đảm bảo thành công về thị trường mà công nghệ phải phù hợp với khách hàng và tạo ra giá trị gia tăng.
5. Vượt qua những những trở ngại trong nội bộ tổ chức.
6. Đưa việc điều hành thành chiến lược. Liên kết các cam kết, giải thích, kỳ vọng với sự phát triển thực tế của chiến lược. Vịêc thực thi chiến lược đại dương xanh đòi hỏi sự đồng thuận của cả nhóm.
“Chiến lược đại dương xanh” là cuốn sách giúp thay đổi tư duy chiến lược cho các giám đốc, nhà lãnh đạo doanh nghiệp với một chiến lược đơn giản: hãy bơi trong luồng nước rộng. Các công ty đang phải vật lộn cạnh tranh trong đại dương đỏ hẳn sẽ làm tốt hơn nếu học hỏi và làm theo 'chiến lược đại dương xanh'.
Đây là cuốn sách viết ra nhằm thay đổi tư duy chiến lược cho các giám đốc, nhà lãnh đạo doanh nghiệp với một chiến lược đơn giản: hãy bơi trong luồng nước rộng. Các công ty đang phải vật lộn cạnh tranh trong đại dương đỏ hẳn sẽ làm tốt hơn nếu học hỏi và làm theo 'chiến lược đại dương xanh'.
Từ khi ra mắt, “Chiến lược đại dương xanh” đã trở thành một trong những cuốn sách kinh doanh bán chạy nhất, được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Không chỉ các tập đoàn lớn, mà cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể áp dụng tư duy này để tìm kiếm cơ hội phát triển trong các thị trường mới.
Cuốn sách cung cấp một cái nhìn sâu sắc và hệ thống về cách doanh nghiệp có thể định hình lại thị trường, đồng thời nhấn mạnh rằng đổi mới không nhất thiết phải đến từ công nghệ hay các yếu tố kỹ thuật phức tạp mà có thể xuất phát từ việc hiểu rõ nhu cầu chưa được đáp ứng của khách hàng.
Đây là một trong những cuốn sách kinh điển về chiến lược kinh doanh hiện đại, với thông điệp rõ ràng về tầm quan trọng của việc đổi mới giá trị và tạo ra không gian thị trường mới. Nó không chỉ giúp các doanh nghiệp thoát khỏi sự cạnh tranh khốc liệt mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và dài hạn.