Mùa hè năm 1980, tàu sân bay Minsk đã ghé vào quân cảng Cam Ranh (Việt Nam) trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu trên vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tàu Minsk thuộc lớp Kiev Project 1143 Krechyet được đưa vào hoạt động năm 1978. Điểm thiết kế làm nên sự độc đáo của lớp tàu này chính là thiết kế kết hợp vai trò giữa một tuần dương hạm hạng nặng và một tàu sân bay hạng trung. Theo cách gọi của Hải quân Liên Xô, Kiev không phải là một tàu sân bay mà được gọi là tuần dương hạm hàng không hạng nặng.
Để đảm nhiệm vai trò vừa tàu tuần dương hạm vừa tàu sân bay, boong tàu được thiết kế với 2 phần riêng biệt. 2/3 chiều dài boong dọc theo thân tàu bên mạn trái kéo dài hết về phía sau đuôi tàu được thiết kế làm mặt boong cho các máy bay chiến đấu hoạt động. Cấu trúc thượng tầng dạng “hòn đảo nổi” được bố trí phía bên mạn phải.
Phần boong tàu phía trước được trang bị các loại vũ khí hạng nặng để đảm đương vai trò tuần dương hạm. Nhìn từ phía trước Kiev giống một tuần dương hạm, nhìn từ phía sau lại giống một tàu sân bay. Trên thế giới không có loại tàu chiến nào được thiết kế với vai trò tương tự.
Tàu tuần dương hàng không Minsk. |
Chương trình tuần dương hạm hàng không lớp Kiev được xem là một giải pháp tình thế nhằm đối phó với tàu sân bay lớp Kitty Hawk của Hải quân Mỹ. Nhiệm vụ của lớp tàu này là hỗ trợ cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu mặt nước, hỗ trợ hàng không hải quân cũng như tham gia tác chiến chống tàu mặt nước, tàu ngầm.
Để thực hiện vai trò của một tuần dương hạm, phần boong trước của tàu được trang bị 4 cặp tên lửa chống tàu hạng nặng P-500 Bazalt với tầm bắn lên đến 550km. P-500 được trang bị đầu đạn nặng 1.000kg hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật cỡ 350 kiloton. Tên lửa này được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay Mỹ”.
Các hệ thống vũ khí khác gồm: 2 bệ phóng tên lửa phòng không với 2 tên lửa/bệ sử dụng đạn M-11 Storm đạt tầm bắn 30km (cơ số 72 quả); 2 tháp pháo nòng kép 76mm; 8 pháo cao tốc AK-630; 10 ống phóng ngư lôi 533mm và giàn phóng rocket chống tàu ngầm.
Về vai trò tàu sân bay, phần boong tàu phía sau và nhà chứa máy bay có khả năng mang theo từ 26-30 máy bay các loại (gồm 12-13 tiêm kích Yak-38 và 14-17 trực thăng chống ngầm Ka-25/27).
Trong đó, Yak-38 là tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng do Cục thiết kế Yakovlev phát triển. Yak-38 được trang bị 3 động cơ khác nhau, một ở phía trước sau buồng lái phi công dùng để cất, hạ cánh và 2 ở phía sau hỗ trợ hạ cánh và để hành trình. F-35B của Mỹ cũng có kiểu bố trí động cơ tương tự với 1 ở phía trước và 1 ở phía sau.
Trực thăng và tiêm kích hạm Yak-38 trên boong phóng máy bay tàu Minsk. |
Không giống các tàu sân bay của Mỹ cần phải có đội tàu hộ tống theo hỗ trợ, tàu tuần dương hàng không Kiev có thể tác chiến một cách độc lập mà không cần sự hỗ trợ của các tàu hộ tống bởi bản thân nó đã có khả năng tấn công và phòng ngự mạnh mẽ.
Tàu có chiều dài 273m, chiều rộng phần lớn nhất 53m, mớn nước 10m, lượng giãn nước toàn tải 45.500 tấn. Thủy thủ đoàn 1.600 người bao gồm cả phi hành đoàn và đội kỹ thuật.
Về hệ thống động lực, tàu tuần dương hàng không lớp Kiev được trang bị 8 nồi hơi sử dụng để làm quay 4 tuabin hơi nước 4 trục với tổng công suất 200.000 mã lực. Hệ thống động lực này giúp tàu đạt tốc độ tối đa 59km/h.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, do những khó khăn về kinh tế, hải quân các nước cộng hòa thuộc liên bang không đủ sức vận hành và lần lượt cho toàn bộ tàu sân bay Kiev (gồm cả tàu Minsk) về hưu. Sau này, Trung Quốc đã mua 2 tàu Kiev và Minsk về để làm khu giải trí nổi. Chiếc thứ 3 được bán cho Hàn Quốc làm sắt vụn. Và chiếc cuối cùng được Ấn Độ mua lại để cải tiến thành tàu sân bay mang tên INS Vikramaditya.
Mặc dù có khoảng thời gian phục vụ khá ngắn ngủi 18 năm kéo dài từ năm 1975-1993 song chương trình tàu tuần dương hàng không lớp Kiev đã để lại nhiều ấn tượng về một thiết kế “2 trong 1” độc đáo.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: