Quân đội Đức quốc xã (Wehrmacht, từ 1935-1945) được đánh giá là đội quân chuyên nghiệp, tinh nhuệ nhất thời hiện đại. Nhưng nếu ai nghĩ rằng bất cứ sĩ quan nào mặc quân phục vạch đỏ (dấu hiệu nhận biết thành viên Bộ tổng tham mưu Đức) sẽ không bao giờ mắc sai lầm, thì họ nên để mắt tới chiến dịch nhảy dù của Đức xuống đảo Crete ở Địa Trung Hải tháng 5/1941, bởi những hậu quả của nó đã khiến Hitler “cạch” không bao giờ dám tấn công theo cách đó nữa.
Kỳ 1: Bối cảnh chiến dịch
Chiến dịch nhảy dù xuống đảo Crete là sự phát triển đến đỉnh điểm của hai diễn biến, một dài hạn và một ngắn hạn. Về dài hạn, đó là sự nổi lên của nhánh không vận trước chiến tranh. Hầu hết các quân đội trên thế giới đều sử dụng lính dù và lính tàu lượn trong thập niên 1920-1930. Trong thời đại mà giới chiến lược gia quân sự luôn trăn trở việc khôi phục tính cơ động trong các chiến dịch thì lính dù được xem như một giải pháp tối ưu, giúp tác chiến linh hoạt và tránh bế tắc nơi chiến hào. Ở Đức, các nhà hoạch địch sách lược coi lính dù như một thứ vũ khí nữa để theo đuổi mô hình lý tưởng của chiến tranh cơ động và tránh kiểu chiến tranh chiến hào từng làm tê liệt quân đội Đức trong Chiến tranh thế giới thứ 1.
Lính Đức nhảy dù xuống đảo Crete từ máy bay vận tải Junkers 52. |
Trong những chiến dịch mở màn của Chiến tranh thế giới thứ 2, lính dù đã giúp quân đội Đức đạt được các mục tiêu này dù vẫn phải trả những cái giá nhất định. Ví dụ, lực lượng không vận đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc xâm lược Đan Mạch và Na Uy vào tháng 4/1940. Hai đại đội đã chiếm được pháo đài Vordingborg của Đan Mạch và kiểm soát cây cầu dài nối bến phà Gedser với Copenhagen. Đó là một cuộc đổ bộ hoàn hảo, giúp hạ căn cứ nhỏ bảo vệ cây cầu mà không phải nổ một phát súng nào.
Một đại đội khác đáp xuống Aalborg, cách xa bán đảo Jutland về phía bắc, chiếm hai sân bay chủ chốt ở đó để làm bàn đạp xâm lược Na Uy. Tuy nhiên, một lực lượng cỡ đại đội nhảy dù xuống Dombas ở Na Uy đã gặp phải kết cục bi thảm, khi lính dù đáp thẳng xuống một thành trì kiên cố bảo vệ ga đường sắt đầu mối dẫn đến Andalsnes và Trondheim. Đơn vị này đã hứng chịu tổn thất nặng nề trên không, bị lính Na Uy bao vây hoặc phải đầu hàng sau bốn ngày.
Tướng Kurt Student, chỉ huy nhánh không vận của Đức. |
Trong chiến dịch năm 1940 ở phía tây (Chiến dịch Màu vàng), lực lượng không vận lại đóng một vai trò thiết yếu. Lính dù đi tiên phong trong cuộc tấn công Hà Lan của Cụm tập đoàn quân B do Tướng Fedor von Bock chỉ huy. Mặc dù phá vỡ hàng rào phòng ngự của Hà Lan song một lần nữa rắc rối lại nảy sinh. Các cuộc thả quân xung quanh La Hay nhằm kiểm soát ba sân bay đã vấp phải cơn bão hỏa lực phòng không của người Hà Lan. Tuy chiếm được nhưng người Đức không thể bảo vệ được các mục tiêu của mình. Trong chiến dịch chớp nhoáng này, Hà Lan đã bắt giữ 1.200 lính Đức. Đó là mới chỉ xét trên phương diện tù nhân chiến tranh.
Về ngắn hạn, nhân tố dẫn đến cuộc nhảy dù xuống đảo Crete là chiến dịch nằm ngoài dự kiến ở Balkans vào tháng 4-5/1941. Chiến dịch này bắt nguồn từ quyết định tai hại của Benito Mussolini xâm lược Hy Lạp trong tháng 10/1940, buộc Đức quốc xã phải vào cuộc để cứu lấy đồng minh. Tiến hành đồng thời hai chiến dịch, gồm Chiến dịch 25 nhằm vào Nam Tư và Chiến dịch Marita nhằm vào Hy Lạp, Wehrmacht đã đè bẹp mọi cứ điểm phòng thủ trên đường tiến quân. Bị bao vây thậm chí trước khi nổ phát súng đầu tiên, Nam Tư không thể tổ chức kháng cự và con số thương vong bên phía Đức trong cả chiến dịch chỉ là vài trăm. Còn Hy Lạp thì càng không có gì đáng kể, bất chấp sự can thiệp của Anh.
Lính sơn cước của Đức, lần đầu tiên được vận chuyển bằng đường không. |
Wehrmacht đánh chiếm Hy Lạp chóng vánh đến nỗi các kế hoạch của lực lượng không vận Đức hầu như đều bị phá sản. Tướng Kurt Student, chỉ huy nhánh không vận Đức, chỉ có đúng một lần có thể công phá mục tiêu. Ngày 26/4, hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn dù số 2 nhảy dù xuống Eo đất Corinth. Họ đã chiếm được cây cầu trên Kênh Corinth trước khi người Anh có thể phá hủy nó. Trớ trêu thay, một phát đạn của pháo phòng không Anh đã vô tình châm ngòi cho khối thuốc nổ gài trên cầu. Vụ nổ sau đó đã làm sập cây cầu và khiến hầu hết lính dù Đức đang qua cầu thiệt mạng.
Thảm họa này đã đặt Wehrmacht vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hải quân Đức đã quá căng trải, trong khi đồng minh Italy ngày càng nao núng khi tiến ra những vùng biển nguy hiểm, thậm chí cả những vùng biển vốn là sân sau của họ. Các lực lượng mặt đất của Đức thì dường như đã tự lâm vào bế tắc, nhưng không phải là lần cuối cùng trong cuộc chiến này.
Tuy nhiên, không giống với khoảng thời gian tạm lắng sau Trận Dunkirk (26/5-4/6/1940), người Đức đã quyết định tiến tới, bởi vẫn còn một lực lượng có thể duy trì cuộc tấn công và truy kích các lực lượng Anh và Khối Thịnh vượng chung vừa thất bại ở Hy Lạp và sơ tán sang đảo Crete. Tướng Student nay có cả một quân đoàn không vận trong tay (Quân đoàn Không vận số 11), cùng với một sư đoàn dù nguyên vẹn (Sư đoàn dù số 7) và một sư đoàn “đổ bộ đường không” (Sư đoàn đổ bộ số 22), được điều chỉnh để vận chuyển bằng đường không và sẵn sàng đáp xuống một sân bay đã được lính dù kiểm soát.
Đón đọc kỳ tới: Những toan tính sai lầm