Sáng 23/8, trời Bình Dương âm u. Người phụ nữ giết chồng Hàng Thị Hồng Diễm (33 tuổi, quê Hậu Giang) mặc áo sơ mi kẻ caro nhiều màu, tóc đen dài ngang lưng buộc gọn gàng, được cảnh sát đưa đến tòa.
Sát hại người chồng từng 15 năm "đầu ấp tay gối" với mình bằng thủ đoạn man rợ nhưng Diễm tỏ ra bình thản.
Khi ghen tuông biến thành hận thù
"Tại sao có mâu thuẫn không chịu giải quyết hay khuyên can mà để 3 năm?”, chủ tọa hỏi Diễm.
“Bị cáo muốn tự giải quyết chứ không muốn để người thân lo lắng. Nói với người ngoài thì sợ bị chê cười”, Diễm trả lời.
Thay vì có thể chọn cách ly hôn để chấm dứt cuộc hôn nhân mệt mỏi thì Diễm lại cứ âm thầm chịu đựng. Nhìn thấy chồng đem tiền đi tiêu xài bên ngoài, có "bồ" và không giúp vợ chăm sóc con nên sự ghen tuông lâu ngày của người vợ đã biến thành thù hận.
Diễm tỏ ra bình thản suốt phiên tòa. Ảnh: Ngọc An. |
Đêm 15/12/2017, Diễm cướp đi sinh mạng anh Trần Thanh Tú, đến nay vẫn chưa tìm lại hết các phần thi thể.
Lúc đó, người chồng về phòng trọ trong hơi men. Từ những câu càm ràm quen thuộc của Diễm như: "Đi đâu giờ này mới về", "Có vợ con rồi mà còn con này con khác", "Muốn gì cũng được"... và bi kịch đã ập đến.
Tú dùng dao uy hiếp Diễm. Diễm đoạt lại được giao, giằng co và đâm chết chồng.
Khủng khiếp hơn, Diễm còn dùng 2 con dao phân xác Tú thành nhiều phần, bỏ vào các túi nylon đem đi phi tang ở nhiều nơi.
Từng hành vi được Diễm mô tả lại cụ thể, rõ ràng khi trả lời các câu hỏi của HĐXX. Những chi tiết được kể làm người nghe giật mình, khiếp sợ.
Lúc này, tôi quay xuống hàng ghế phía sau mình, một cậu bé khoảng 9-10 tuổi, mặc áo thun xanh, gầy còm đứng nép vào chân của một người phụ nữ. Loáng thoáng nghe ai đó bảo là con của bị cáo.
Không biết bằng cách nào mà đứa bé lại chen vào được phòng xử án. Ai cũng thật tâm mong rằng bé chỉ đứng đó một chút và không chăm chú lắng nghe phiên tòa như những người lớn dự khán.
Diễm vẫn đứng đó, quay lưng, giọng nhỏ, rặc miền Tây. Cách trả lời ráo hoảnh, không quanh co. Không một ai có thể giải thích được tại sao một người phụ nữ yếu ớt lại có thể sát hại người đàn ông theo cách dã man như vậy, mà nạn nhân lại chính là chồng của bị cáo.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm từng nói về vụ án này rằng để đi đến quyết định sát hại chồng thì chắc chắn người vợ phải chịu một sức ép nào đó cực lớn. Áp lực này có thể do chính nạn nhân hoặc người thứ ba. Hoặc do bộc phát vô ý dẫn đến cái chết của chồng nhưng vì sợ bị trừng phạt nên có thể dẫn đến hành vi phân xác để phi tang.
Tôi nghĩ điều mà vị chuyên gia nói rất đúng với Diễm. Vì những mối quan hệ "ngoài luồng" của Tú và khi lỡ tay giết chồng nên người vợ hoảng sợ. "Lúc đó bị cáo chỉ làm thôi chứ không suy nghĩ gì hết", Diễm nói với HĐXX đến 3 lần.
Khoảnh khắc khiến khán phòng lắng đọng, không còn những lời bàn tán xôn xao khi VKS hỏi lại tình tiết bị cáo tháo chiếc nhẫn trên tay của Tú trong khi dùng dao phân thi thể chồng.
Lúc tháo khớp tay của chồng để cho vào bịch nylon, Diễm tháo chiếc nhẫn trên tay phải của anh rồi "treo lên kệ dép để giữ kỷ vật hai vợ chồng”. Chiếc nhẫn này sau đó được bị cáo mang gửi cho mẹ ruột.
Nghe tình tiết này, người dự khán có thể thốt lên ngạc nhiên trước sự bình tĩnh đến đáng sợ của người vợ.
Nước mắt con trẻ
Lần duy nhất trong suốt phiên tòa kéo dài nhiều giờ, tôi nghe giọng Diễm chùng xuống, nghẹn lại như sắp bật khóc. Đó là lúc khai về lý do cắt bộ phận sinh dục và ngực của anh Tú.
Diễm trước đó vẫn luôn cho rằng lúc thực hiện hành vi phân xác chồng là chỉ làm chứ không suy nghĩ. Luật sư bào chữa cho bị cáo vẫn không giải thích được hành vi man rợ của Diễm. Nhưng đến chi tiết này, Diễm nghẹn ngào, đứt quãng: “Lúc đó không biết sao bị cáo nghĩ anh Tú có 2 trái tim. Bị cáo hận…".
Thời điểm đó, những người đàn ông ngồi sau lưng tôi bàn tán nhiều hơn. Có lời trách móc, có lời cảm thông.
Nghe về những hành vi của người vợ, cũng chính là cô em dâu 15 năm của gia đình, anh và chị của Tú đều không thể tha thứ cho tội ác của Diễm. Đó là lý do họ đã rút lại đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Có lẽ không một lời giải thích nào có thể làm vơi đi nỗi đau của gia đình Tú khi đến nay, thi thể của anh vẫn không được tìm về đầy đủ.
Song song với chiếc bàn của anh, chị nạn nhân ngồi trong phòng xử án là chiếc bàn dành cho gia đình bị cáo. Mẹ ruột của Diễm có gương mặt khắc khổ, trả lời chân chất, liên tục nhờ HĐXX nhắc lại câu hỏi.
Bà quê Hậu Giang chăm sóc 2 con của Diễm, nên không biết mâu thuẫn của vợ chồng anh Tú. Mắt nhòe nước, bà xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho con gái mình.
"Mẹ mày chắc thoát chết rồi đó", bà hy vọng nói với đứa bé cũng chính là đứa trẻ tôi thấy trong phiên tòa khi dẫn nó ra căn tin mua nước. Cậu bé không nói gì, tay vội cầm lon nước ngọt, chỉ thấy đôi mắt của em ánh lên niềm vui.
Khi HĐXX tuyên án, Diễm đứng không vững, bị cáo ngồi sụp xuống ghế, tay đưa lên ngực. Nghỉ một lát, Diễm lại đứng lên nghe.
Bản án tù chung thân tòa tuyên không ngoài dự đoán của nhiều người, vì Diễm còn có 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, cô cũng là lao động chính trong gia đình.
Phiên tòa kết thúc, Diễm được dẫn đi, gương mặt không bộc lộ cảm xúc. Trong suốt thời gian phiên tòa diễn ra và cả lúc này, ánh mắt Diễm vẫn nhìn thẳng, vô hồn, không dáo dác tìm kiếm ai. Không biết Diễm có biết 2 đứa con của mình cũng có mặt tại tòa hay không. Sự bình thản của người phụ nữ này làm mọi người thấy xót xa.
Mọi người lẳng lặng rời phòng xử, không ai còn bàn tán. Tôi không kịp nhìn thấy 2 đứa con Diễm, chỉ được nghe kể lại cậu bé nhỏ đã chạy với theo gọi mẹ, khóc òa khi Diễm lên xe chở phạm.
Nhìn thấy con khóc, chắc không người mẹ nào không thấy xót và đau...
Rời tòa, tôi nghĩ đến cảnh người bà dắt tay 2 đứa cháu về quê, làm thay vai trò của cả cha và mẹ chúng. Chắc chắn sẽ rất khó khăn khi không còn cha mẹ bọn trẻ gửi tiền về.
Rồi tôi nhớ lại lời của một vị hội thẩm: “Hành vi man rợ của bị cáo ngoài việc khiến bị cáo sẽ ám ảnh trong nhận thức còn có ảnh hưởng đến con của bị cáo. Mẹ hành xử với ba như vậy, khi con trưởng thành sẽ rất khó chấp nhận”.