Trong căn nhà nhỏ trên mặt phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội), người thợ kim hoàn sinh năm 1950 ngồi cần mẫn hàng giờ liền bên những đồ trang sức long lanh, đủ hình thù, kích cỡ..., mặc cho thời gian lặng lẽ trôi.
Ông là Nguyễn Chí Thành - nghệ nhân kim hoàn thủ công cuối cùng của phố Hàng Bạc.
Nghệ nhân kim hoàn Nguyễn Chí Thành đang chế tác chiếc nhẫn bạc cho khách bằng các dụng cụ thủ công. |
Nghệ nhân Chí Thành chia sẻ, gia đình ông vốn gốc làng Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, làng nghề nức tiếng cả nước về nghề kim hoàn. Các sản phẩm do ông chế tác đều làm thủ công qua 3 khâu kỹ thuật là: chạm, đậu và trơn.
Nghệ nhân sinh năm 1950 giải thích: “Chạm tức là chạm trổ các hình vẽ, hoa văn, hoạ tiết trên mặt các đồ trang sức hay các đồ bằng vàng, bạc. Đồ chạm ngày trước thường là các loại khánh, vòng, kiềng…
Đậu tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành những sợi nhỏ như chỉ hoặc tóc. Trong nghề người ta gọi là se chỉ. Từ những sợi chỉ này uốn lại thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức.
Trơn là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, trơn”.
Theo ông, thợ kim hoàn giỏi thì bắt buộc phải làm được cả 3 kỹ thuật đó, đồng thời phải biết cả thuật luyện kim cổ điển.
Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành cho hay, để chế tác 1 sản phẩm trang sức thường phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau như nấu vàng, bạc, mài giũa, uốn…
Sau khi những đồ vật đã được tạo hình thì đưa đi đánh bóng. Nếu là đồ bằng bạc sẽ dùng cát xoa rồi trải lên trên một dung dịch rồi hơ trên lửa. Khi đã nguội, đồ trang sức đó được ngâm vào dung dịch phèn đun sôi rồi lại dùng cát cọ lên một lần nữa và cuối cùng dùng mảnh chai cọ.
Đồ dùng bằng vàng thì được chải bằng một chất lỏng sánh gồm gạch giã với muối nước, hơ qua lửa rồi làm sạch. Sau đó người ta lại ngâm đồ vật vào một dung dịch có quả tai chua đun sôi, rồi cuối cùng cũng cọ bằng cát và bằng mảnh chai.
Giọng trầm ngâm ông kể: “Ngày nhỏ tôi thường nghe cha nói chuyện, những năm 1930, nghề đúc bạc, chế tác kim hoàn ở đây đã rất phát triển.
Ngày đó, khách của cha tôi chủ yếu là các gia đình quyền quý, giàu có. Vào dịp đầy tháng hoặc sinh nhật con, cháu, họ thường đặt làm những chiếc lắc, khánh bằng vàng.
Trên đó khắc tên đứa trẻ kèm theo chữ ‘Phúc’ hoặc chữ ‘Bản mệnh trường sinh’ mang hàm ý mong đứa trẻ đó gặp nhiều may mắn, khỏe mạnh trong cuộc sống.
Các gia đình bình dân hơn thì hay làm lắc đính quả bí bạc, nhỉnh hơn đầu ngón tay cái 1 chút, đeo lủng lẳng chứ không làm quả nhạc kêu leng keng như ngày nay. Quả bí bạc này đề phòng trẻ có nghịch, ngậm vào miệng cũng không nuốt được, còn quả chuông nhỏ chỉ sơ sẩy là chui tọt vào họng rất nguy hiểm”.
Theo ông Thành, trong cuộc đời làm bạn với vàng, bạc, đá quý, cha ông có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt với khách hàng. Cha ông thường kể lại các câu chuyện đó như một sự giáo dục các con phải sống thật thà và tự hào về nghề của tổ tiên.
Ông nói: “Thời cha tôi làm nghề, trên con phố Hàng Bạc sầm uất, cơ sở của nhà tôi vẫn được nhiều khách lui tới.
Khoảng năm 1940, một người đàn ông trông vẻ ngoài rất sang trọng, đi chiếc xe hơi đen, bóng loáng, tay cầm gậy batoong bước vào. Người này nhờ cha tôi đúc giúp 1 chiếc bát ăn cơm khoảng 3 cây vàng, trên chiếc bát chạm trổ thêm hoa văn để tặng con gái mới sinh.
Thấy vị khách đưa yêu cầu khá đặc biệt nên cha tôi chú ý đến nhưng lại khéo léo từ chối do ngày hôm đó cha tôi đang nhiều hàng, sợ nhận thêm sẽ không làm kịp tiến độ giao cho khách”.
Vẫn theo lời nghệ nhân Thành, vị khách cho biết, mình làm nghề buôn bán vải vóc và thầu khoán xây dựng. Ông ta và người vợ lấy nhau được 10 năm nhưng chẳng may hiếm muộn, mãi không sinh được mụn con.
Chạy chữa khắp nơi, mòn mỏi thèm được nghe tiếng con trẻ thì vợ ông ta cũng mang thai, sinh được cô con gái đầu lòng. Vị thương gia quyết định làm chiếc bát vàng tặng con với hi vọng con sẽ có cuộc đời giàu sang, phú quý.
Sau một hồi thuyết phục, cuối cùng cha ông nhận lời làm giúp chiếc bát vàng đó trong 2 ngày. Khi tác phẩm hoàn thành, người khách vô cùng cảm kích, nhìn ngắm chiếc bát không rời mắt”.
Từ đó, vị khách giàu có trở thành khách quen của cha nghệ nhân Nguyễn Chí Thành. Mỗi dịp lễ đặc biệt đều cho người mang quà đến biếu như tỏ lòng tri ân.
Đặc biệt hơn, sau này khi con gái người khách đó đến tuổi lấy chồng, chính cha ông Thành là người đã đúc đôi nhẫn cưới cho cô.
“Cha tôi vẫn nhắc các con làm nghề này đòi hỏi phải thật thà, giữ chứ tín làm đầu mới có thể tồn tại được. Khách đưa mình bao nhiêu vàng thì phải làm đủ số lượng, không được phép pha tạp hay bớt xén” - ông Thành chia sẻ.
Trở lại câu chuyện về nghề kim hoàn cổ, nghệ nhân 70 tuổi kể tiếp: “Ngày xưa mỗi sản phẩm trang sức đều có tên gọi riêng rất đặc biệt. Ví dụ nhẫn thì có kiểu vòng cầu sa hạt, chỉ se dóc lòng tôm tức là hai sợi bạc được se lại mảnh như cuộn chỉ sau đó tạo hình hoa... Đây chính là kỹ thuật đậu". Ông Thành chia sẻ thêm, thời trước, các tiểu thư, con gái nhà giàu thường thích đeo xuyến, kiềng.
Phụ nữ có gia đình và lớn tuổi thích đeo vòng hạt. Vàng mang đúc thành từng hạt tròn nhỏ hơn hạt tiêu sọ 1 chút rồi xâu lại. Mỗi chuỗi vòng có khoảng 600 đến 800 hạt, quấn quanh cổ. Để làm được chiếc vòng này đòi hỏi thợ phải có kỹ thuật điêu luyện, khéo léo.
Ông nói: “Một trang sức nữa không thể thiếu với phụ nữ đó là đôi bông tai. Mẫu bông tai cổ điển mà người Hà Nội xưa hay đeo nhất có lẽ phải kể đến đôi có hình giống cọng giá. Người ta hay gọi là đôi cuống giá. Tùy vào sở thích, thị hiếu người làm to, làm nhỏ khác nhau. Người thì thích đính thêm hạt ngọc, người thì để trơn”.
Đôi bông tai cuống giá ông Thành làm theo đơn đặt hàng của một Việt kiều ở Mỹ sinh năm 1950, bà vốn là người Hà Nội gốc. Khi về thăm quê bà đã tìm đến nhờ ông làm giúp. |
Tiếp nối nghề của cha, đến nay trải qua hơn 60 năm, nghệ nhân Nguyễn Chí Thành tiếp tục truyền nghề lại cho hai người con trai của mình.
Nhiều khách Việt kiều nghe đến tiếng ông, hễ cứ về Hà Nội du lịch họ đều dành thời gian ghé thăm, đặt ông làm đồ trang sức cho mình.
Một số vị khách lâu năm thì mỗi dịp Tết đến lại chu đáo tặng quà cho người nghệ nhân già để tỏ lòng quý mến.
"Nghề này tuy không giàu nhưng cũng mang lại cuộc sống đủ đầy cho tôi và gia đình. Mặc dù các con khuyên tôi nên nghỉ ngơi nhưng nghề ăn sâu vào máu thịt từ bé, tôi không dễ gì bỏ được. Chỉ cần nhìn thấy khách hàng vui vẻ, đeo đồ trang sức do mình làm ra là tôi thấy hạnh phúc lắm" - ông Thành bộc bạch.