Lai lịch của chiếc Y và chiếc Sam này chính là một truyền kỳ trong dân gian.
Vốn dĩ, “Ổ Tam Quý” - người đã uống rượu ở quán rượu Long Trung, chính là do một con rùa núi lớn ở dưới sông Tương Thủy Hà biến hóa ra, gọi là “Tương Thủy Sơn Quy”.
Hơn ba trăm năm trước, vào một hôm, Sơn Quy tắm ở sông Tương Hà, lên bãi cát nằm phơi nắng, đột nhiên nghe thấy bờ bên kia có tiếng kêu gọi, bèn nghển cổ lên xem, trông thấy một con hạc và một con chim ưng, liền vội vã chui “tọt” sang bên đấy, cõng bọn họ qua sông.
Gia Cát Lượng. Ảnh: Sohu. |
Hỏi ra mới biết là “Nam Dương Tiên Hạc” đã tu luyện ngàn năm và ca ca của nó là “Đại Bằng Ưng Tử”, vì để tu luyện mà phải bay đến ruộng nương này ăn mầm lúa mạch, bị người ta bắn thọ thương.
Máu của Tương Thủy Sơn Quy có thể trị được vết thương do tên bắn, nó bèn cắn rách chân trước, để trị thương cho chúng; đồng thời khuyên nhủ cả hai đừng ăn mùa màng của người dân nữa, nguy hại đến bách tính.
Anh em chim ưng và chim hạc đều nghe lời và hứa sau này sẽ ăn lúa mạch dại, trái cây trên núi để thay cho mùa màng của nhân dân. Sau đó, Nam Dương Tiên Hạc bèn hóa thành “Hoàng Nhị Hạc”, mở một quán rượu ở Long Trung.
Để thể hiện lòng đáp tạ, Hạc Lão Nhị bèn mời ca ca cùng với Sơn Quy cứ đến quán mà uống rượu. Từ đó, Tương Thủy Sơn Quy và anh em Ưng, Hạc trở thành “Nam Dương Tam Hữu”.
Nhưng, vì Đại Bằng Ưng Tử muốn mau chóng thành tiên, nên đã nuốt lời hứa, không nghe theo lời khuyên nhủ, năm nào cũng vẫn cứ làm nguy hại đến mầm xanh trong chu vi trăm dặm, khiến cho bách tính phải chịu đói chịu khát.
Sơn Quy nhiều lần khuyên bảo, cũng vẫn chứng nào tật nấy. Sơn Quy hết sức tức giận và muộn phiền. Sau khi quen biết Gia Cát Lượng, nhìn thấy được chàng trai trẻ với khí phách bất phàm này, ngày sau ắt làm nên nghiệp lớn.
Hôm ấy, uống rượu ở trong căn gác nhỏ, chim ưng và chim hạc đã uống say đến không còn biết trời trăng mây đất là gì, bèn thổ lộ chân tình, Sơn Quy mới rõ: không những chỉ mỗi Ưng Tử Điểu mới làm điều sai trái tác oai tác quái, làm khổ cho bá tánh, mà Hạc Lão Nhị cũng làm loạn đạo phép, lấy trộm lương thực, cất rượu mưu lợi.
Sơn Quy cả giận, ngay tức khắc hất đổ bàn tiệc, rồi bỏ đi. Trên đường đi thì gặp Gia Cát Lượng hỏi hắn chuyện “Kim Đại Bằng” nhả hồng bảo châu, Sơn Quy càng tin chắc rằng Gia Cát Lượng tuyệt không phải là hạng phàm phu tục tử, ấy thế mới hạ quyết tâm, để cho Gia Cát Lượng đi lấy bảo châu, nhổ lông vũ, khiến cho Ưng Tử Điểu hóa thành núi đá.
Hôm ấy, Hạc Lão Nhị nghe thấy một tiếng kêu thảm thiết, biết rằng Ưng ca đã bị hại, khóc riết không thôi. Hắn nghĩ đi nghĩ lại, chắc chắn rằng chỉ có Tương Thủy Sơn Quy mới biết tường tận việc này, và cũng chỉ có người này mới hại được ca ca của hắn. Thế là, thừa dịp Sơn Quy không phòng bị, Hạc Lão Nhị đã hạ độc thủ đối với Sơn Quy.
Tương Thủy Sơn Quy nhẫn nhịn chịu đau đớn, tìm đến gặp Gia Cát Lượng, nói rõ đầu đuôi câu chuyện. Gia Cát Lượng vô cùng hốt hoảng, nhanh chóng điều trị vết thương cho Ổ Tam Quý. Nhưng Ổ Tam Quý lại nói với chàng: “Đã không còn kịp nữa rồi!”
Nói xong, bèn lấy chiếc “Bát Quái Y” đã tu luyện hai trăm năm trên người trao tặng cho Gia Cát Lượng và nói rằng: “Sau này nếu gặp phải chinh chiến, đao thương không thể nào xâm nhập được, cũng cy cũng chẳng phụ ngươi đã một lần đối đãi tốt với ta”. Đồng thời mách cho Gia Cát Lượng diệu kế đoạt được chiếc áo khoác của Tiên Hạc.
Nói xong, Tương Thủy Sơn Quy bèn đi về phía Nam, vốn dĩ là muốn nhanh chóng trở về quê nhà ở sông Tương Thủy Hà, nhưng cuối cùng, ông chỉ có thể đi đến nơi giáp ranh giữa Chi Giang và Nghi Đô, thì gục ngã.
Đến nay, nơi ấy vẫn còn có một địa danh gọi là Ô Quy Bao, một ngọn đá vuông trơn tru sáng láng, không có cây cũng không có cỏ nào mọc lên, truyền thuyết kể rằng đó là do Tương Thủy Sơn Quy biến hóa thành.
Về sau, khi Gia Cát Lượng đã làm đến chức thừa tướng của Thục Hán, bèn cho dựng chùa chiền, đào ao trì nuôi rùa, nghe nói là để tưởng nhớ Tương Thủy Sơn Quy.
Lại nói về Gia Cát Lượng, sau khi gặp Tương Thủy Sơn Quy liền ra ngoài nhặt chiếc mai rùa mà Sơn Quy đã cởi ra để lại trên mặt đất. Thật không ngờ, trong tức khắc chiếc mai rùa này biến thành một chiếc đạo bào lấp lánh ánh vàng, trên đó điểm xuyến hình của một chiếc bát quái đồ.
Theo lời chỉ điểm của Sơn Quy, sau canh ba, chàng đến quán rượu Long Trung, xông vào căn gác nhỏ ở phía Đông, quả nhiên trông thấy Hạc Lão Nhị uống say như bùn nhão, bên người khoác một chiếc Tiên Hạc Bảo Sam.
Gia Cát Lượng lấy chiếc áo và mặc lên người mình, Hạc Lão Nhị chực choàng tỉnh dậy, trông thấy Hạc Xưởng Sam bị người ta lấy mất, phép lực tan biến, hiện nguyên hình là con chim hoàng hạc, nó vội vã tung cánh bay thẳng về hướng Đông Nam.
Từ đó, Gia Cát Lượng có được hai chiếc áo quý. Vào lúc chinh chiến, lúc nào chàng cũng mặc chiếc “Bát Quái Y”, điều binh khiển tướng chắc như đinh; còn trong những dịp tiếp khách và thương nghị quốc sự, thì chàng mặc chiếc “Hạc Xưởng Sam”, đối sách lưu loát.