Mùa lạnh đã đến, nhu cầu sử dụng bình nước nóng của các gia đình lại tăng cao đây cũng là lúc nhiều gia đình chóng mặt với hóa đơn tiền điện mỗi tháng. Nhiều người xót ruột nhưng cũng chẳng biết phải làm sao bởi nếu thay bình nóng lạnh bằng ấm siêu tốc thì vừa mất nhiều thời gian lại tốn công mà điện thì chẳng giảm được bao nhiêu.
Nếu cũng đang gặp tình trạng này, bạn có thể thử ngay 5 cách làm này để tiết kiệm điện tới tối đa.
Ảnh minh họa. |
1. Không bật bình nóng lạnh 24/24
Nhiều người nghĩ rằng việc bật bình nóng lạnh 24/24 sẽ không gây tiêu tốn nhiều điện năng bởi khi nước đã đủ nóng thì thiết bị này sẽ tự ngắt điện và nước bên trong có thể giữ nguyên nhiệt độ sau cả ngày.
Tuy nhiên, sau thời gian dài thì nước trong bình sẽ bị nguội dần và khi đó bình nóng lạnh nếu không được sập cầu giao sẽ tự động bật lên để đun nóng nước. Việc này được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây lãng phí điện.
Tốt nhất, chỉ nên bật bình nóng lạnh 20 đến 30 phút trước khi tắm, sau đó sập cầu giao để vừa tiết kiệm điện, vừa đảm bảo an toàn cho người dùng.
2. Chọn bình có dung tích phù hợp
Khi chọn mua bình nóng lạnh, chỉ để ý giá tiền, thương hiệu, màu sắc thôi thì chưa đủ. Bạn cũng cần chọn bình có dung tích phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình; tránh việc dùng không hết nước gây lãng phí hoặc phải bật đi, bật lại nhiều lần mới đủ dùng.
Với gia đình có từ 2 tới 4 người sử dụng, nên mua bình có dung tích 10 – 15 lít, công suất 1500 – 2500 W. Với gia đình có từ 5 người trở lên, nên chọn bình có dung tích 50 – 150 lít để đảm bảo đủ nước nóng trong 1 lần bật.
3. Tắm bằng vòi hoa sen và giảm thời gian tắm
Một điều hiển nhiên là tắm bằng vòi hoa sen sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều nước nóng. Đồng thời, giảm thời gian tắm trong mùa đông cũng vừa giúp bảo vệ sức khỏe cho người dùng, vừa giảm tiêu tốn nước nóng, lãng phí và hại điện.
4. Không để dây dẫn nước từ bình tới vòi hoa sen quá dài
Có thể nhiều người không biết nhưng khoảng cách dây dẫn nước nóng từ bình tới vòi hoa sen nếu quá dài sẽ khiến nước nóng bị hao nhiệt khi đi qua đường dẫn, nước nhanh chóng bị nguội đi và bạn buộc phải khởi động lại thiết bị, gây tốn điện.
5. Thường xuyên bảo dưỡng bình và sửa chữa khi có dấu hiệu bất thường
Bất kì thiết bị nào sau một thời gian dài sử dụng đều có thể bị hỏng hóc và bình nóng lạnh cũng vậy. Việc thường xuyên bảo dưỡng và sửa chữa khi có dấu hiệu bất thường vừa tránh tình trạng điện bị rò rỉ; vừa giúp điện không bị hao tổn vào những lỗi hỏng hóc đó.
Ví dụ, nếu nước chảy vào bình quá yếu hoặc bình quá cũ sẽ khiến dây mayso có tác dụng làm nóng nước bên trong bình nóng lạnh nhanh chóng bị hỏng, không đạt hiệu suất cao khi sử dụng (thời gian làm nóng nước lớn hơn gấp đôi bình thường) gây lãng phí điện.