Sau thông tin ông Trầm Bê bị bắt, danh sách những ngân hàng liên đới đến đại án Phạm Công Danh đã dài thêm, trong đó có BIDV, TPBank, Sacombank.
Theo kết quả điều tra, ngày 31/7, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra quyết định khởi tố 25 bị can và ra lệnh bắt tạm giam 16 người trong số này về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 Ngân hàng gồm TPBank, Sacombank, BIDV và Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Đáng chú ý, bên cạnh các “nhân vật” đình đám, các doanh nghiệp và ngân hàng lớn nhỏ, tổng cộng gần 160 người có quyền và nghĩa vụ được nhắc đến thì ngân hàng BIDV cũng được gọi tên nhiều lần trong đại án Phạm Công Danh gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng.
Mới đây, đã có thêm ba cán bộ BIDV chi nhánh Gia Định bị khởi tố vì liên quan đến các sai phạm cho ông Phạm Công Danh vay.
Phạm Công Danh tại phiên tòa xét xử giai đoạn 1 đại án kinh tế xảy ra tại VNCB. Ảnh: VOV. |
Đối với những sai phạm của BIDV, cơ quan điều tra đã làm rõ bao gồm không tiến hành kiểm tra, thẩm định đối với khách hàng, không kiểm tra thẩm định đối với các Công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào để Phạm Công Danh sử dụng tiền giải ngân vào mục đích riêng, không kinh doanh như mục đích trong hồ sơ vay.
BIDV không yêu cầu khách hàng cung cấp báo cáo tài chính đã được kiểm toán, báo cáo quyết toán thuế và không lập Phiếu điều tra khách hàng về tình hình tài chính như quy định của BIDV.
Cán bộ BIDV chỉ kiểm tra, thẩm định, đánh giá tính khả thi và hiệu quả phương án kinh doanh trên bộ hồ sơ lập khống. Thực tế, các công ty đều không hoạt động mua bán vật liệu xây dựng, các Công ty vay vốn không cung cấp được hóa đơn. Sau thông tin ông Trầm Bê bị bắt, danh sách những ngân hàng liên đới đến đại án Phạm Công Danh đã dài thêm, trong đó có BIDV, TPBank, Sacombank.
Mời độc giả xem video Xử phúc thẩm đại án Phạm Công Danh (nguồn: VTC)
Tuy các cá nhân liên quan tại BIDV có sai phạm như đã nêu ở trên, nhưng kết quả giám định của Đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước xác định không có thiệt hại ở BIDV, nên các cá nhân liên quan tại BIDV không phạm tội Vi phạm quy định cho vay.
Cụ thể quy trình BIDV cho Phạm Công Danh vay diễn ra như sau: Tháng 9/2013, Phạm Công Danh chủ động đến gặp lãnh đạo ngân hàng BIDV xin vay 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty. Ông Danh lấy lý do VNCB đang tái cơ cấu chưa được tăng trưởng tín dụng nên không có khả năng cho vay. Để bảo đảo, ông Danh sẽ dùng tài sản của VNCB thế chấp.
BIDV đã thống nhất chủ trương về việc xem xét cho vay và giao 4 chi nhánh gồm chi nhánh Bến Tre, chi nhánh Gia Định, chi nhánh Nam Sài Gòn, chi nhánh Sở Giao dịch 2 thực hiện cho vay, thu nợ.
Các chi nhánh thực hiện tiếp nhận nhu cầu vay vốn, xem xét hồ sơ, thẩm định đánh giá, họp Hội đồng tín dụng cơ sở, ra quyết định cấp tín dụng, ký kết hợp đồng tín dụng, ký hợp đồng cầm cố tài sản bảo đảm, kiểm tra vốn đối ứng và giải ngân 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty do Danh thành lập, điều hành.
Tài sản bảo đảm là 4 lô đất ở Dự án Khu D Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và các hợp đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV.
Sau khi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty cung cấp bổ sung, hồ sơ, hóa đơn chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa..., nhưng các Công ty không cung cấp với lý do chưa tiến hành giao nhận hàng hóa, nên BIDV đã thu nợ trước hạn bằng các xử lý tiền gửi của VNCB.