Nhà nước đang hướng người tiêu dùng đến sử dụng "thịt mát', nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần xóa bỏ những chi phí "phía sau" để giá thịt mát hợp lý thì người thu nhập trung bình mới có cơ hội tiếp cận. Ảnh: Khương Lực |
Tại tọa đàm “Từ Luật chăn nuôi đến tiêu chuẩn thịt mát: Quyền được tiếp cận thực phẩm tươi, ngon, sạch và sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi” do Bộ NNPTNT tổ chức chiều 5.11.2018, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã lên án mạnh mẽ những “góc khuất” trong khâu lưu thông, cung ứng hàng hóa.
Ông Vũ Vinh Phú cho biết: Cả nước hiện nay có 9.000 chợ, 800 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và khoảng 4.000 siêu thị mini, cửa hàng tự chọn của các DN trong và ngoài nước. Trong đó, doanh số bán hàng của các siêu thị và trung tâm thương mại mới chiếm 25% thị phần, 75% còn lại được bán ở các kênh truyền thống như chợ, cửa hàng lẻ, hàng rong…
Tỉ lệ nông sản sạch, trong đó nông sản sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào các hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm từ 7-10%, như vậy còn tới gần 90% hàng hóa nông sản được bán tự do ở các chợ, cửa hàng lẻ và hàng rong.
Việc số lượng hàng nông sản sạch và nông sản ứng dụng công nghệ cao vào siêu thị mới chiếm một thị phần nhỏ là do một phần yếu kém của khâu sản xuất, chưa được khắc phục; mặt khác còn do sự thiếu trách nhiệm, vì lợi nhuận mà một số siêu thị đã chèn ép nhà cung ứng, đưa ra những mức chiết khấu cao, từ 25-30%, và những chi phí bất hợp lý khác.
Do vậy, một số nhà cung ứng hàng hóa nông sản đã không chịu nổi, đành phải ra đi hoặc lập chuỗi phân phối riêng. Vì vậy, nông sản sạch, nông sản ứng dụng công nghệ cao của VN lại được bán ở thị trường tự do là chính, lẫn lộn với hàng hóa không đạt tiêu chuẩn. Đây chính là rào cản lớn nhất đối với các DN, các nhà cung ứng sản phẩm nông sản muốn tiếp cận với hệ thống bán lẻ nói chung và hệ thống bán lẻ hiện đại nói riêng.
Hiện nay, ngành chăn nuôi đang hướng tới thói quen dùng thịt mát cho người tiêu dùng. Đây là văn minh thương mại, là sự tiến bộ, là xu hướng tiêu dùng hiện đại. Thế nhưng, muốn có thịt mát phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chuẩn… từ khâu giết mổ, pha lóc, đóng gói… trong môi trường "mát" theo đúng tiêu chuẩn quy định, chứ không phải mua thịt lợn ngoài chợ về cho vào ngăn mát và gọi đó là thịt mát.
“Các siêu thị hiện nay đang bán thịt lợn bảo quản mát, đây có phải là thịt mát hay không chúng tôi không dám lạm bàn. Nhưng giá thịt lợn trong siêu thị cao hơn chợ dân sinh 20-25%. Vậy, liệu công nhân với mức lương 5 triệu đồng/tháng, ai dám ăn?”- ông Phú nêu câu hỏi.
Ông Vũ Vinh Phú cũng nhấn mạnh: Các DN cung ứng hàng hóa đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể về những hiện tượng mang tính phổ biến về sự bất bình đẳng giữa nhà cung ứng hàng hóa và hệ thống siêu thị hiện đại kể cả trong nước và nước ngoài, chiết khấu cao vô lý, chi phí thêm khi đứng đầu kệ, đóng góp chi phí sinh nhật, chiếm dụng vốn khi hàng hóa của các nhà cung ứng ký gửi đã bán được nhưng trì hoãn chưa thanh toán và những chi phí khó nói khác.
“Người nông dân và một số DN sản xuất nông sản chưa được “sống khỏe” một cách trọn vẹn trên mảnh đất trồng trọt của mình và nông sản nhiều lúc phải đi cửa sau mới vào được một số siêu thị. Rất tiếc là những hành động, những rào cản trên của một số nhà bán lẻ đã được cho là một sự thỏa thuận trong cơ chế thị trường nên không thể can thiệp được”-ông Vũ Vinh Phú nêu thực trạng.