Ðến Lào Cai, ngoài những đặc sản ẩm thực nổi tiếng như xôi bảy màu, lợn cắp nách, thắng cố… còn có những món ăn lạ, độc đáo và bổ dưỡng từ núi rừng, trong đó có sâu chít.
Sâu chít thường dùng để ngâm rượu hoặc chế biến thành các món ăn. |
Sâu chít là loại ấu trùng sống trong thân cây chít - đặc sản nổi tiếng ở nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có Lào Cai. Thoạt nhìn, sâu chít có hình dáng giống nhộng tằm nhưng nhỏ và dài hơn. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là thời điểm thu hoạch sâu chít. Cách phân biệt những cây chít có sâu là thân cây còi cọc, không ra hoa, thân phình to. Cây chít sau khi chặt về sẽ được tách làm đôi để lấy sâu.
Ra khỏi đọt cây, những con sâu này được thả ngay vào chậu đựng rượu pha loãng để không bị biến chất và giúp sâu nhả hết chất bẩn. Người vùng cao thường dùng sâu chít để ngâm rượu hoặc chế biến thành các món ăn như rang lá chanh, tẩm bột chiên, nấu cháo… Người Mông còn dùng sâu chít để luộc chung với củ riềng chấm muối hoặc xào với các loại đọt bí, su su.
Chị Đặng Thị Thuận ở Hà Nội cho biết: Nhà có người bị bệnh nên chị tìm mua sâu chít về ngâm rượu, vì đây là loại dược liệu rất tốt, hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân sau xạ trị. Chị Thuận còn cho biết thêm, việc ngâm rượu giúp giữ nguyên hương vị của sâu, không làm biến chất, người bệnh có thể hấp thụ tối đa giá trị dinh dưỡng.
Hiện tại, sâu chít đầu mùa đã được bán khá rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Chị Diệp (facebook Quach Diep) chuyên buôn bán các sản phẩm ngâm rượu cho biết: Một bó sâu chít 100 ngọn bán ra thị trường có mức giá từ 160 nghìn đến 180 nghìn đồng. Loại đã chẻ, tách riêng sâu ra khỏi ngọn thì có giá đắt hơn, dao động từ 950 nghìn đến 1 triệu đồng/kg. Đặc biệt, loại sâu chít đã tách ra và sấy khô có mức giá khoảng 4 triệu đồng/kg. Vì đầu mùa nên tìm mua sâu chít khá hiếm, khách muốn mua phải đặt trước 2 - 3 ngày.
Sâu chít có rất nhiều chất bổ dưỡng, ăn có vị bùi ngậy. Rượu sâu chít có tác dụng tăng cường sinh lực cho nam giới và làm đẹp da cho phụ nữ. Chính nhờ những tác dụng đó mà sâu chít được coi là "đông trùng hạ thảo" của người Việt Nam.
Còn gì thú vị hơn khi được ngồi bên bếp lửa bập bùng trong tiết trời Tây Bắc se lạnh, thưởng thức những món ăn từ sâu chít, nhấp thử một chén rượu sâu chít thơm ngọt, cay tê đầu lưỡi.