Từ bán “đồ nhà làm” thành khu chợ cả ngàn dân buôn
Vừa tuyển được 3 admin để bổ sung nhân lực cho nhóm quản trị cũ sau hơn một tuần quá tải với việc duyệt bài trên “chợ online” khu chung cư nhà mình, chị Nguyễn Phương Trà ở một khu đô thị tại Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) thở phào nhẹ nhõm. Chị cho biết, chợ online của cư dân khu đô thị lập ra để mọi người tiện bán “đồ nhà” hay đồ quê, nôm na là ai có mặt hàng gì bán mặt hàng đó.
Trên chợ mỗi ngày có khoảng 100 bài đăng bán hàng. Nhóm có 3 admin tranh thủ ngồi duyệt bài cho các thành viên. Chợ này chỉ có cư dân được tham gia, người ngoài không được phép mua bán. Các bài rao bán hàng phải ghi rõ số căn hộ, giá, nguồn gốc hàng hoá,... theo quy định nên các chị phải kiểm duyệt trước khi đăng để mọi người yên tâm mua bán, tránh bị lừa.
Thế nhưng, từ sau Tết Nguyên đán đến giờ, chợ hoạt động nhộn nhịp hơn, số lượng bài đăng ngày một nhiều, từ trên dưới 100 bài bán hàng mỗi ngày nay tăng lên vài trăm.
Do dịch bệnh nên chợ online chung cư hoạt động tấp nập |
Khoảng hơn một tuần lại đây, dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, mọi người e ngại ra ngoài đường, đặc biệt là những nơi tập trung đông người như chợ, quán ăn... nên chợ online của chung cư càng tấp nập khách. Có những ngày admin ngồi duyệt gần 1.000 bài đăng bán hàng, hỏi mua bán các loại...
Trên chợ, thay vì chỉ bán “đồ nhà làm” hay “đồ quê”, giờ còn bán giờ bán đủ thứ: từ thực phẩm tươi sống, đồ ăn sẵn, quần áo, trái cây cho đến giầy dép, mỹ phẩm, thậm chí gói tăm, cái thớt... muốn mua gì cũng có, chị Trà cho hay.
Vừa nhận 1kg khoai lang kén, 2kg ngao cùng ít rau gia vị người bán ship đến tận cửa nhà, chị Lê Thanh Tâm cho hay: “Khoai lang kén thì để rán lên cho các con ăn vặt, còn ngao thì tối nấu canh chua”.
Chị chia sẻ, từ ngày các con chị được nghỉ học để tránh dịch Covid-19, chị cũng làm việc online tại nhà, không phải đến cơ quan như trước. Thế nên, thay vì phải chở đứa lớn, đứa nhỏ đi ra chợ mua đồ ăn, chị lên chợ online khu chung cư mua sắm cho tiện. Ăn bữa nào chị đặt mua bữa đó, đảm bảo tươi ngon, hàng ship tận nhà không mất phí. Còn mua online ở ngoài chị phải xuống tận sân lấy hàng, phí ship dịp này lại khá đắt đỏ.
Từ thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn... đến các món ăn vặt đều phong phú và đa dạng |
“Hai tuần nay tôi chưa bước chân ra khỏi nhà. Đồ ăn thức uống mua hết trên chợ online. Cứ mai muốn ăn gì thì đặt từ hôm nay. Đúng ngày giờ họ giao hàng cho mình đảo bảo tươi ngon”, chị Tâm khoe.
Không chỉ tiện mua sắm đồ ăn, nhu yếu phẩm,... chị Lê Phạm Thuỳ Chi ở một khu chung cư trên đường Nguyễn Xiển (Hoàng Mai, Hà Nội) còn cho biết, nhiều mặt hàng bán trên chợ online giá rẻ hơn ở chợ, siêu thị. Chưa kể, vì người mua kẻ bán đều ở khu dân cư, toàn người quen nên hàng hoá được kiểm soát, đảm bảo chất lượng hơn.
“Trước kia phần lớn tôi chỉ lên chợ online chung cư để đặt vài món ăn lạ, đặc sản vùng miền. Dịp này dịch bệnh, tôi bỏ luôn thói quen đi chợ, hàng ngày bật máy tính đặt đồ cho nhanh, đỡ phải ra ngoài tiếp xúc với nhiều người”, chị nói.
Kiếm tiền triệu trên chợ online chung cư
Ngồi chia nem chua, khoai lang kén, chả mực, ram tôm, giò thủ,... ra các túi nhỏ theo đơn hàng khách đặt trước khi giao, chị Nghiêm Bình An ở khu Tây Nam - Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) hí hửng khoe, gần 2 tuần nay, đơn hàng dân cư khu nhà chị ở tăng gấp chục lần thời điểm trước Tết.
“Hàng tôi bán trên chợ đều là thực phẩm chế biến sẵn, về chỉ việ nấu qua. Mỗi ngày tôi nhập về một lần để trả hàng cho khách, thường sẽ không dư vì nhà chung cư lấy đâu ra chỗ chứa nếu nhập nhiều”, chị nói.
Nhiều người chỉ nhờ buôn bán trên chợ online chung cư mà kiếm được vài trăm ngàn đến tiền triệu mỗi ngày |
Dịch bệnh, tiểu thương, hàng quán ở chợ than khó khăn vì ế ẩm, nhưng dân buôn bán online như chị lại đắt hàng. 3 ngày trở lại đây, sau khi trừ đi tiền vốn bỏ ra, mỗi ngày chị kiếm gần triệu bạc, chị An tiết lộ.
Không kiếm được tiền triệu, nhưng chị Nguyễn Thị Hoa ở một khu đô thị trên đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm) cho biết, tranh thủ thời gian rảnh buổi tối nên chị nhập hạt đác về rim rồi rao bán trên chợ online chung cư túc tắc kiếm thêm do vẫn phải đi làm. Vì thế, mỗi ngày chị chỉ rim ít một. Hôm nay chị rim đác với dâu, mai rim với chanh leo, dứa,... sau đó chia hộp 0,5kg ra bán.
“Trung bình mỗi ngày tôi bán trên dưới 10kg đác rim, tính ra cũng lãi 300.000-400.000 đồng”, chị khoe.