Mảnh đất màu mỡ
Số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế ITC và World Bank, giá trị mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam năm 2011 là 500 triệu USD nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 2 tỷ USD, thông tin chia sẻ tại họp báo Mekong Beauty Show.
Theo số liệu khảo sát thị trường mỹ phẩm, người Việt chi tiền cho mỹ phẩm trung bình khoảng 4 USD/người/năm. Riêng phụ nữ Việt chi tiêu trung bình 140.000 đồng mỗi tháng cho mỹ phẩm. Có 2 hình thức tìm kiếm thông tin để mua bán mỹ phẩm chính là bạn bè (70%) và website (30%).
Bà Bùi Ngọc Quỳnh Giao, GĐ thương hiệu Ilahui Việt Nam, đánh giá, Việt Nam là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với quy mô GDP khoảng 220 tỷ USD và dân số trên 90 triệu dân, đa phần là trẻ. Theo chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Tập đoàn Tư vấn thị trường A.T Kearney (Mỹ), năm 2017 Việt Nam đứng thứ 6 trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất.
Các đối tác quan tâm thị trường mỹ phẩm Việt. |
Hiện nay, nhu cầu về mỹ phẩm thiên nhiên rất cao, đến từ các spa (mỗi năm có hơn 2.000 spa mở tại Việt Nam với quy mô khác nhau), nhu cầu làm đẹp bản thân (không chỉ phụ nữ mà cả nam giới cũng có nhu cầu làm đẹp, chăm sóc da, hoàn thiện ngoại hình) cũng như những thói quen trong cuộc sống.
Một báo cáo từ Mintel cho thấy, thị trường mỹ phẩm Việt Nam được dự báo sẽ cán mốc 2,35 tỷ USD vào năm 2018. Con số này vào năm 2016 là 1,78 tỷ USD, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam là quốc gia có tỷ suất tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Dự báo cho đến năm 2020, tầng lớp trung lưu là những người chi tiêu mạnh cho mỹ phẩm sẽ gia tăng nhanh chóng, lên con số 33 triệu người. Đánh giá này được nhìn thấy nhờ nền kinh tế phát triển cao với GDP trên 6% và đặc biệt, người trẻ dưới 35 tuổi chiếm trên 60% dân số.
Ngoại chiếm ưu thế
Những năm qua các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam đã cố gắng cải tiến công nghệ để phát triển, nhưng do đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên không thể đuổi kịp công nghệ của các tập đoàn lớn.
Ở phân khúc hàng cao cấp, mỹ phẩm ngoại chiếm gần hết thị phần. Các công ty nội không có kinh phí đầu tư phát triển sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Vì thế, 90% thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam đang thuộc về các nhãn hàng nước ngoài mà trong đó đứng đầu là Hàn Quốc.
Người tiêu dùng quan tâm tới mỹ phẩm ngày càng tăng. |
Bà Claudia Bonfiglioli, TGĐ Informa Beauty, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang thiếu những chương trình kết nối doanh nghiệp. 600 thương hiệu mỹ phẩm đến từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Trung Quốc đang tìm kiếm các đối tác để mở rộng thị trường tại Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm cho biết, các doanh nghiệp trong nước đều sở hữu những sản phẩm có chất lượng cao song chưa biết quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, các thương hiệu nội địa hiện chỉ tập trung vào dòng sản phẩm chăm sóc da mặt và tay chân. Ở các dòng mỹ phẩm khác, hầu như người tiêu dùng chỉ có thể mua được từ các nhãn nước ngoài.
Theo đại diện Ilahui, khảo sát thực tế cho thấy rào cản của DN Việt Nam là chưa sản xuất được trọn bộ sản phẩm, tức là chỉ có thể chuyên về một loại sản phẩm như mặt nạ, chăm sóc da, hay trang điểm. Đây không chỉ là vấn đề của nhà sản xuất Việt Nam mà ngay cả các nhà sản xuất Thái Lan hay Hàn Quốc cũng gặp phải.
Vấn đề mẫu mã, bao bì sản phẩm là một điểm yếu của các DN ngành mỹ phẩm Việt Nam. Bà Kelly Luu, TGĐ Centdegres Vietnam lưu ý, việc thiết kế bao bì sản phẩm để gia tăng giá trị cho thương hiệu cũng quan trọng không kém chất lượng sản phẩm. Do đó, các DN Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Phước Hưng, GĐ Kinh doanh Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn, cho biết đã nhìn thấy những thách thức của ngành mỹ phẩm Việt Nam. Các sản phẩm của công ty ngày càng cải tiến về mẫu mã, bao bì vì đó là cái đầu tiên người tiêu dùng nhìn thấy về sản phẩm. Đồng thời, công ty cũng liên kết chặt chẽ với các đối tác quốc tế.