Chết đứng trước bẫy lừa “khủng” của cô con gái nuôi

Lợi dụng lòng tin của gia đình bà N., cô “con gái nuôi” đã lừa đảo “kiếm chác” số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng…

Chet dung truoc bay lua
Ảnh minh họa. 
Vụ lừa đảo ngoạn mục
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh không mấy khá giả, ngày nhỏ lại liên tục đối mặt với những đau đớn của bệnh tật hành hạ, Trần Thị Tùng (SN 1980) nhen nhóm trong đầu ý niệm “thay đổi số phận” của mình.
Năm 2000 Tùng ra Hà Nội theo học hệ tại chức tại một trường đại học chuyên ngành thương mại. Sau khi tốt nghiệp, về quê xin việc nhưng không được, năm 2006, Tùng quay ra Hà Nội sinh sống cùng chồng con. Cả Tùng và chồng đều không có công việc ổn định, phải đi thuê nhà ở. Qua quen biết, năm 2010, vợ chồng Tùng xin nhập khẩu nhờ vào một địa chỉ ở quận Đống Đa và tách hộ khẩu riêng.
Thực tế gia đình Tùng không ở địa chỉ này nhưng nhờ cuốn sổ hộ khẩu, Tùng đã thực hiện hành vi lừa đảo khá tinh vi. Tùng tự tay viết nghề nghiệp là cán bộ ngân hàng vào phần trống trong sổ hộ khẩu. Và với công việc giả danh này, Tùng đã đưa gia đình bà N. vào bẫy.
Bà N. kể, do có thân tình với bố mẹ Tùng từ trước nên hai bên gia đình có giữ liên lạc hỏi han nhau thường xuyên. Thời gian Tùng đi học hay lấy chồng cũng đều được gia đình bà N. quan tâm như người thân trong nhà. Năm 2010, Tùng năng đến chơi nhà bà hơn và tự giới thiệu là cán bộ ngân hàng, làm ở bộ phận thẩm định dự án, có khả năng mua được các bất động sản với giá gốc của các doanh nghiệp và tài sản do ngân hàng phát mại.
Tùng đưa cả hộ khẩu cho bà N. xem để chứng minh mình là cán bộ ngân hàng. Thêm tin cẩn, Tùng còn cho bà N. xem một số bức ảnh Tùng mặc trang phục công sở giống đồng phục của nhân viên ngân hàng đi tác nghiệp.
Vì Tùng là con gái của bạn thân nên bà N. không nghi ngờ gì. Cuối năm 2010, Tùng đưa bà N. đi xem mảnh đất 200m2 mà theo lời Tùng là “có quan hệ” với chủ dự án nên sẽ được mua giá gốc là 35 triệu đồng/m2, sau 3 tháng sẽ làm xong thủ tục ký hợp đồng giao đất.
Chet dung truoc bay lua
 Bị cáo Trần Thị Tùng tại cơ quan điều tra.
Thấy giá giao dịch trên thị trường cao hơn giá mà Tùng đưa ra nên bà N. đồng ý, đưa cho Tùng 2,2 tỉ đồng để làm thủ tục với chủ dự án. Tuy nhiên, sau 3 tháng không thấy được ký hợp đồng, bà N. hỏi thì Tùng trả lời phải chờ một thời gian vì chủ dự án đang vướng mắc về thủ tục.
Thấy bà N. tin tưởng, không thúc giục nên giữa năm 2011, Tùng lại “khoe” thông tin ngân hàng đang nhận thế chấp tài sản là bất động sản của các cá nhân và tổ chức để cho vay, hiện đã quá hạn nên ngân hàng đang làm thủ tục phát mại.
Thời điểm đó, nhà đất tại khu vực này cũng đang “sốt”, được nhiều người tìm mua. Sẵn tin Tùng làm ở bộ phận thẩm định và có khả năng giúp mua được các tài sản đó, hơn nữa Tùng còn đưa bà N. đi xem một ngôi nhà mà bà N rất ưng ý bởi vị trí khá đắc địa. Tùng nói giá ngân hàng đưa ra là 14,5 tỉ đồng kèm theo gợi ý: “Nếu không đủ tiền trả hết thì bà có thể trả dần thành nhiều đợt, đến khi đủ tiền ngân hàng sẽ làm thủ tục sang tên”.
Chỉ trong vòng 1 năm, từ tháng 3/2012 đến tháng 2/2013, bà N đã đưa cho Tùng 12,85 tỉ đồng để “nộp cho ngân hàng”. Nhưng khi hỏi việc sang tên nhà đất, Tùng lấy lý do ngân hàng đang làm mất phôi sổ đỏ và thuyết phục bà N. chờ đợi ngân hàng làm thủ tục.
“Thấy bở đào mãi”, trong khoảng tháng 7/2012, biết tin bà N. đi công tác tại TP Hồ Chí Minh, Tùng lại “khoe” ngân hàng tiếp tục phát mại bất động sản là nhà và đất diện tích 200m2 của một công ty nằm tại quận 1, TP Hồ Chí Minh và nếu bà N. muốn mua thì thị sẽ bay vào cùng và đưa đi xem. Thấy thuận lợi, bà N. đồng ý.
Dẫn bà N. đi xem mảnh đất “phát mại” trên, Tùng rỉ tai rằng đây là suất ưu tiên, do Tùng là nhân viên ngân hàng nên mảnh đất mặt đường 200m2 tại khu vực trung tâm này chỉ có giá 26 tỉ đồng. Bà N. thấy giá mảnh đất quá hấp dẫn nên tiếp tục đồng ý, đưa cho Tùng 6,4 tỉ đồng để mua mảnh đất trên.
Cứ như vậy, bà Trương Thị N. cho hay, tổng số tiền mà bà đã giao cho Trần Thị Tùng đã lên tới hàng chục tỉ đồng. Thế nhưng đợi mãi không thấy Tùng đả động đến việc làm giấy tờ mua bán, sang tên bất kỳ tài sản nào, bà N. yêu cầu Tùng trả lại tiền thì Tùng lấy nhiều lý do để khất lần không trả. Nhiều lần đòi không được, bà N. đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan Công an.
Vỏ bọc hoàn hảo
Lần theo thông tin, cơ quan Công an đã làm việc với ngân hàng mà Tùng nói mình đang công tác và xác định bị cáo không phải là nhân viên của đơn vị này. Phía ngân hàng cũng cho biết các bất động sản mà Tùng nhắc đến hoàn toàn không phải là tài sản thế chấp của khách tại ngân hàng. Và vì vậy, ngân hàng cũng chẳng hề nhận hồ sơ nào của bà Trương Thị N. đăng ký mua nhà phát mại.
Nhận thấy sự việc trở nên phức tạp, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội đã lần theo thông tin của Tùng mà phát hiện chữ viết trong sổ hộ khẩu mục nghề nghiệp, nơi làm việc của Trần Thị Tùng được ghi “Cán bộ ngân hàng ở Hà Nội” là do Trần Thị Tùng tự viết ra.
Chet dung truoc bay lua
 Cuốn hộ khẩu giúp bị cáo Tùng thực hiện hành vi lừa đảo.
Tại cơ quan Công an, Trần Thị Tùng khai nhận trong quá trình làm “cò” bất động sản, cô ta quen một số đối tượng cùng làm “cò” và được giới thiệu các địa chỉ nhà đất trên. Tùng cũng thừa nhận việc giả danh là cán bộ ngân hàng để lừa bà N.
Ngoài ra, Tùng còn lừa anh Lê Hải T. số tiền 600 triệu đồng bằng thủ đoạn lừa xin việc cho anh T. vào làm tại Ngân hàng Nhà nước. Đầu tháng 4/2014, Tùng tự mạo nhận là thư ký một phó thống đốc ngân hàng, có khả năng giúp anh T. xin vào làm cán bộ với giá “chạy việc” là 600 triệu đồng. Sau khi chuyển đủ số tiền trên, Tùng hẹn anh T. đến tháng 6/2014 sẽ có quyết định đi làm. Thế nhưng, từ tháng 6 đến tháng 11/2014, Tùng lấy rất nhiều lý do để trì hoãn việc anh T. chưa nhận được quyết định…
Đến thời điểm trước Tết Nguyên đán 2015, thấy anh T. hỏi "rát", Tùng thông báo đã lo được quyết định, lo cả việc anh T. không phải thi chuyên viên, không phải thử việc mà làm chính thức luôn, nhưng phải đợi qua Tết mới đi làm vì ảnh hưởng đến chế độ lương thưởng Tết. Tuy nhiên, sau Tết, anh T. vẫn không được đi làm. Linh cảm không lành, anh T. cương quyết đòi tiền và làm đơn tố cáo. Sau đó, Trần Thị Tùng đã thu xếp trả lại anh T. số tiền 600 triệu đồng.
Cơ quan điều tra cũng thu giữ được rất nhiều hợp đồng thuê nhà của Tùng. Theo đó, để tạo vỏ bọc là cán bộ ngân hàng làm ăn thành đạt, Trần Thị Tùng thường chọn thuê nhà ở các khu đô thị cao cấp tại Hà Nội và chuyển rất nhiều nơi ở. Đầu năm 2014, Tùng còn vay tiền ngân hàng để mua một chiếc “xế hộp” trả góp trị giá gần 1,4 tỉ đồng để đi lại. Với vẻ ngoài đi xe xịn, thông tin ở nhà cao cấp nên các bị hại dễ dàng bị lừa đảo bởi vỏ bọc hào nhoáng do thị “vẽ” ra.
Đoạn nhân nghĩa
Phút giáp mặt, Tùng không còn đon đả “mẹ - con” mà chỉ cúi mặt sụt sùi… tưởng rằng Tùng nhận ra sai trái mà tự thân xấu hổ dằn vặt, nhưng không Tùng lại một mực khóc lóc thanh minh.
Lý giải về lòng tin của mình, bà N. ngập ngừng kể: do vợ chồng bà là bạn thân của bố mẹ Trần Thị Tùng nên không bao giờ bà lại nghĩ có ngày Tùng sẽ lợi dụng mối thân giao này để lừa gia đình bà.
Cũng chính Tùng khai nhận, năm 1985 khi Tùng vừa lên 5 tuổi thì mắc một căn bệnh hiểm nghèo và thị được chồng bà N. là bác sĩ bệnh viện điều trị bệnh rất tận tình, chu đáo. Kể từ đó gia đình Tùng coi vợ chồng bà N như người “khai sinh ra mình lần nữa”. Một thời gian sau, gia đình bà N. chuyển ra Hà Nội sinh sống. Giữa vợ chồng bà N. và bố mẹ Tùng ở quê vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết thuở hàn vi.
Ngày Tùng lớn và ra Hà Nội ăn học, đối tượng vẫn đều đặn đến gia đình vị bác sỹ ân nhân như thể người trong gia đình.
Ấy vậy mà Tùng lại lợi dụng sự cởi mở của những ân nhân mà liên tục diễn hết vở kịch này đến vở kịch khác để lừa đảo. Với hành vi gian dối và chiếm đoạt số tiền đặc biệt như vậy, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Trần Thị Tùng mức án chung thân – mức án cao nhất của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Mất trắng tiền tỷ vì đầu tư vào trang mạng "ảo"

Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Kạn cho biết đang tập trung điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo của các đối tượng môi giới người dân đóng tiền.

Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Kạn cho biết đang tập trung điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo của các đối tượng môi giới người dân đóng tiền với hình thức đầu tư tài chính vào trang mạng có địa chỉ payfx.us.

Nghe điện thoại mất... gần 800 triệu

Với thủ đoạn giả danh người của cơ quan pháp luật, các đối tượng lừa đảo gọi vào số điện thoại bàn, vu khống chủ thuê bao.

Nạn nhân gần đây nhất của mánh khóe lừa chuyển tiền qua điện thoại này là bà N.T.N, trú tại phường Văn Miếu, TP Nam Định. Theo trình báo của bà N.T.N, khoảng 8h sáng ngày 4-4-2016, đối tượng lừa đảo xưng là nhân viên bưu điện điện thoại đến số điện thoại bàn nhà bà N thông báo số tiền điện thoại nhà bà là 8,93 triệu đồng và yêu cầu phải thanh toán ngay nếu không sẽ xóa số điện thoại. “Nhân viên bưu điện” này còn cho bà N biết có một người trú tại phường Hải Yên, TP Móng Cái đã lấy được chứng minh thư của bà và sử dụng để mở một tài khoản ngân hàng. Người này vừa bị công an bắt và khai cùng bà N thực hiện hoạt động rửa tiền.
Công an TP Nam Định kiểm tra tang vật thu giữ của các đối tượng lừa chuyển tiền qua điện thoại.
Công an TP Nam Định kiểm tra tang vật thu giữ của các đối tượng lừa chuyển tiền qua điện thoại. 
Sau đó “nhân viên bưu điện” hướng dẫn bà N gọi điện thoại cho một "cán bộ công an", một "cán bộ VKSND" tỉnh Quảng Ninh để được minh oan không liên quan đến hành vi rửa tiền!?. Theo hướng dẫn của những kẻ lừa đảo, bà N liền gọi điện cho vị “cán bộ công an và cán bộ VKSND Quảng Ninh” mà “nhân viên bưu điện” vừa cung cấp thì được bọn chúng yêu cầu gửi 468 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình vào tài khoản của Lục Hữu Chiến tại ngân hàng Agribank Phục Hòa, Cao Bằng để khẳng định sự vô tội. Bà N. liền khẳng định bản thân không làm gì phạm pháp và kiên quyết không chuyển tiền. Lập tức “vị cán bộ" liền đe dọa sẽ bắt tạm giam bà 2 tháng để điều tra. Nghe đến đây, bà N. hoảng loạn, sau đó ra ngân hàng chuyển 468 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình vào tài khoản mang tên Lục Hữu Chiến với hứa hẹn của vị “cán bộ viện kiểm sát “nếu bà thực sự vô tội thì sẽ trả lại tiền cho bà trong vòng 24h”. Chuyển tiền xong, bà N. mới bừng tỉnh, kiểm tra tài khoản thì biết toàn bộ số tiền đã bị rút hết. Cũng với thủ đoạn tương tự, tại thành phố Nam Định còn có một nam nạn nhân bị lừa 100 triệu đồng và một nam nạn nhân nữa ở huyện Xuân Trường bị lừa 160 triệu đồng. Ngay khi tiếp nhận thông tin trình báo của bị hại, Ban giám đốc Công an tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Nam Định khẩn trương thu thập thông tin, làm rõ chân tướng vụ việc để trấn an dư luận cũng như nâng cao cảnh giác cho người dân.
Một nạn nhân đến Công an tỉnh Nam Định trình báo.
 Một nạn nhân đến Công an tỉnh Nam Định trình báo.
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo trú tại huyện Cao Bằng dần lộ dạng. Tuy nhiên, đây chỉ là những người dân bị các đối tượng lừa đảo hỏi mượn tài khoản ngân hàng làm khâu trung gian chuyển tiền. Họ cho biết, được một đối tượng người nước ngoài nhờ số tài khoản để chuyển tiền. Khi có tiền, đối tượng người nước ngoài này sẽ điện thoại nhờ họ rút tiền, sau đó chuyển tiền vào một số tài khoản khác hoặc giao trực tiếp cho đối tượng. Mỗi lần chuyển tiền, họ được đối tượng trả công 1 triệu đồng. Hiện Công an tỉnh Nam Định đang khẩn trương truy tìm cũng như xác định chính xác danh tính của các đối tượng chủ mưu cầm đầu. Cảnh giác để không bị "sập bẫy" đối tượng lừa đảo Để giúp người dân chủ động phòng ngừa, không “mắc bẫy” các đối tượng lừa đảo qua điện thoại, Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần thận trọng khi nhận điện thoại từ người lạ. Trường hợp có người tự xưng là công an thì người dân cần đề nghị trực tiếp liên hệ cùng công an địa phương gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập đến trụ sở làm việc, không làm việc qua điện thoại. Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân, số chứng minh thư, thẻ tín dụng, số tài khoản cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; không mua bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân và không đưa thông tin đời tư lên các trang mạng xã hội. Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, người dân hãy thông báo ngay đến cơ quan công an; không nên tự giải quyết vì sẽ sập bẫy hành vi lừa đảo của tội phạm

Đọc nhiều nhất

Tin mới