Đáng nói, hầu hết những vụ cháy chung cư nói trên người dân đều không nghe thấy chuông báo cháy kêu khi có sự cố, nhất là những vụ cháy trong đêm đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề.
Thống kê những vụ cháy đáng nhớ đã xảy ra tại Hà Nội gần đây như vụ cháy chung cư CT4A - khu đô thị Xa La (Hà Đông) vào tối ngày 11/10/2015 do sự cố ở bốt điện dưới tầng hầm dù rất may không có thiệt hại về người nhưng đã có hàng chục người bị nhiễm khói và hơn 240 xe máy, xe đạp và 1 ô tô bị ảnh hưởng do cháy ở 2 tầng hầm của tòa nhà chung cư 34 tầng.
Hay đêm 31/10/2016 cũng là đêm lo sợ của nhiều cư dân sống ở chung cư Rainbow – khu đô thị Tây nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Người dân phát hiện có lửa và khói nghi ngút bốc lên từ tầng 8 của tòa nhà nên đã gọi nhau chạy thoát thân xuống dưới. Dù không có thiệt hại về người, chỉ có tài sản của một căn hộ tầng 8 bị thiêu rụi nhưng cũng khiến người dân hoảng sợ vì chuông báo cháy không kêu, không báo cháy khi tòa nhà có sự cố.
Khoảng 6h tối ngày 26/11/2017, hàng trăm cư dân dân tòa chung cư Hồ Gươm Plaza, (đường Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) hoảng loạn khi phát hiện ngọn lửa to bùng cháy dữ dội ở tầng 1 khu thương mại cho thuê. Vào thời điểm trên, nhiều người ngửi thấy mùi khét nhưng không hề thấy chuông báo cháy, cũng không có loa thông báo của chủ đầu tư. Sau đó, một số cư dân nhận được điện thoại từ người thân đang cháy lớn tại tầng 1 tòa nhà nên hô hoán mọi người vội vã chạy cầu thang bộ xuống.
Gần đây nhất, vụ cháy chung cư nghiêm trọng xảy ra ở chung cư cao cấp Carina tại TP. HCM đã ra gây nhiều thiệt hại nặng cả về người và tài sản.
Vậy, đâu là nguyên nhân của việc những hệ thống phòng cháy chữa cháy tê liệt, không chuông báo, không hoạt động khi có hỏa hoạn?
Hầu hết những vụ cháy chung cư nói trên người dân đều không nghe thấy chuông báo cháy kêu khi có sự cố, nhất là những vụ cháy trong đêm mới khiến để lại những hậu quả nặng nề... |
Tại sao chuông báo cháy giả, cháy thật thì không kêu?
Trao đổi với PV Infonet, anh Bùi Đức Tiến, Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu HTH – một đơn vị chuyên cung cấp các thiết bị phòng cháy chữa cháy ở Hà Nội đã chỉ ra nguyên nhân của việc chuông báo cháy giả khi không có sự cố, còn khi cháy thật thì chuông lại không kêu.
Anh Tiến phân tích, đầu báo cháy là tín hiệu đầu vào và chuông báo cháy là tín hiệu đầu ra. Khi xảy ra cháy thì đầu cảm biến sẽ báo về tủ trung tâm để xử lý, sau đó mới phát tín hiệu ra chuông thì chuông mới kêu.
“Ở một số chung cư chuông không kêu là do tủ trung tâm không hoạt động; hệ thống tủ trung tâm và các hệ thống đầu báo chưa được nối với nhau, chưa lắp đặt hoàn thiện hay hệ thống điện nguồn dự phòng mất nên khi xảy ra cháy chuông không kêu. Khi có cháy mà chuông không kêu cũng có nhiều lý do, có thể do đội bảo vệ họ rút hệ thống điện ra. Đội phòng cháy cơ sở không có, khi có báo cháy giả bảo vệ họ không biết báo cho ai nên có thể cắt luôn hệ thống điện nguồn của hệ thống chuông nên chuông không kêu khi có cháy”, anh Tiến cho hay.
Ngoài ra, nếu chuông hay báo cháy giả dù không có sự cố cháy, theo anh Tiến hệ thống báo cháy đó có điểm nào đó bị lỗi thì hệ thống cũng báo lên chuông để cho người quản lý sử dụng biết để kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế… Hoặc là do tủ trung tâm xử lý bị lỗi.
Đồng quan điểm, khi trao đổi với PV Infonet, đại diện Công ty TNHH Phòng cháy chữa cháy Phương Nguyên ở TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, chuông hay báo cháy giả là do đường dây bị rò rỉ, chập dây, nhiễm nước… hoặc các đầu chống cháy bị bẩn, cũ hỏng nên xảy ra tình trạng báo cháy giả.
Còn trường hợp xảy ra cháy nhưng chuông không báo cháy như trường hợp ở chung cư cao cấp Carina ở TP.HCM là do hệ thống phòng cháy chữa cháy bị tê liệt hết, vị đại diện Công ty Phương Nguyên cho rằng, đó là lỗi do vận hành, bởi hệ thống báo cháy ở chung cư là sử dụng thiết bị thông minh, nếu có lỗi gì (đường dây bị đứt, hay trung tâm bị lỗi…) là nó báo về trung tâm báo cháy nhưng do chủ đầu tư không sửa mà cắt nguồn điện nên hệ thống báo cháy bị tê liệt, không báo khi cháy.
Các chung cư đang sử dụng chuông báo cháy nhập khẩu từ đâu?
Chia sẻ vấn đề này, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu HTH cho hay, ở Việt Nam 80% chủ đầu tư công trình sử dụng thiết bị phòng cháy nhập của Đài Loan, Trung Quốc và chỉ có 20% chủ đầu tư sử dụng thiết bị cao cấp hơn, nhập khẩu từ Châu Âu.
Theo đó, anh Tiến cho biết, chất lượng của thiết bị phòng cháy của Đài Loan, Trung Quốc chỉ bằng một nửa so với hàng nhập từ EU.
Giá các thiết bị nhập khẩu từ châu Âu cũng thường đắt hơn. Anh Tiến đơn cử, nếu một đầu cảm ứng khói nhập từ Đài Loan chỉ dao động từ 180.000 – 200.000/cái, tùy từng hãng thì cũng thiết bị này nhập từ Nhật Bản rơi vào khoảng gần 500.000 đồng/cái, còn nhập từ Mỹ thì khoảng 900.000 đồng/cái.
Cũng theo anh Tiến, quan trọng hơn dù hệ thống phòng cháy đã được đã được công an phòng cháy chữa cháy nghiệm thu thì vẫn phải có đội quản lý phòng cháy cơ sở kiểm tra hàng tuần, hàng tháng, bảo dưỡng thường xuyên thì sẽ sớm phát hiện ra thiết bị nào hỏng, đảm bảo lúc nào thiết bị cũng hoạt động, có điện dự phòng cho hệ thống này thì sẽ đảm bảo an toàn hơn trước những sự cố cháy nổ.