Theo hãng tin Reuters, những người cầu cứu đó chỉ là số ít trong 650 người châu Âu đang bị lực lượng dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn giam giữ trong 3 trại tập trung kể từ khi đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại một số khu vực.
Cô dâu thánh chiến cùng dàn “hậu duệ” bỗng chốc trở thành nỗi lo cho giới quan chức châu Âu.
Trong loạt thư gửi qua tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế và tin nhắn điện thoại, những thiếu nữ từng bỏ gia đình tới Syria lấy các tay súng thánh chiến cầu xin con cái của họ được phép trở về quê hương để được nuôi dưỡng và học tập.
Trong năm qua, Hội Chữ Thập Đỏ đã tiếp nhận 1.290 tin nhắn cho thân nhân những người đang bị giam giữ tại 3 trại tập trung Al Roj, Al Hol và Ain Issa. Quan chức người Kurd cho biết số người nước ngoài họ đang tạm giữ gồm 900 tay súng thánh chiến, 500 phụ nữ và hơn 1.000 trẻ em. Họ lo sợ rằng ba trại tập trung này sẽ không còn đủ chỗ, khi lực lượng liên quân tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ IS kiểm soát.
Trước đó, trong tổng số khoảng 5.900 người Tây Âu bỏ nhà sang Trung Đông gia nhập phiến quân IS có đến 20% là phụ nữ. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan quốc tế, ít nhất 566 đứa trẻ có mẹ gốc châu Âu, cha là các phần tử thánh chiến cực đoan được sinh ra ở nước ngoài.
Cô dâu thánh chiến và con cái họ với các tay súng cực đoan. Ảnh: CNN |
Một người phụ nữ ở Paris bày tỏ mong muốn chăm sóc cho 3 đứa cháu ngoại mà bà chưa từng gặp mặt, vì con gái bà bỏ nhà đi sang Syria từ năm 18 tuổi. “Chúng vô tội. Chúng không liên quan đến việc này”, bà khẩn khoản cầu xin. Giống như người thân của các cô dâu thánh chiến khác ở Syria, người mẹ này yêu cầu giấu tên, lo sợ con gái và cháu ngoại sẽ bị liên lụy và trả thù.
Mỹ, Nga, Indonesia là những quốc gia đã nhận lại một số phụ nữ đi theo khủng bố IS hồi hương. Washington muốn châu Âu làm điều tương tự, vì họ lo ngại những trại tập trung sẽ là môi trường thuận lợi nuôi dưỡng một thế hệ phiến quân cực đoan mới.
“Chúng tôi nói với chính quyền châu Âu: Đưa người của các ông về, truy tố họ… Ở Syria họ còn là mối đe dọa với các ông hơn là được đưa về nhà”, một quan chức chống khủng bố cấp cao của Mỹ cho biết.
Về phần mình, châu Âu dường như khá chần chừ với hành động tiếp nhận những thiếu nữ đã bỏ nhà đi sang Trung Đông gia nhập IS. Một mặt họ không mấy thông cảm cho các gia đình của những kẻ khủng bố cực đoan, vì những ám ảnh từ các cuộc tấn công mới đây trên khắp châu Âu. Mặt khác các nhà ngoại giao châu Âu cho biết họ cũng không thể hành động trong khu vực do người Kurd kiểm soát, vì quyền này không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Trong khi đó, người Kurd lại tuyên bố họ không việc gì phải truy tố hay giam giữ những người tị nạn kia. “Rõ ràng không ai muốn họ. Làm thế nào mà bạn có thể nói với công chúng rằng bạn đang giúp đỡ gia đình của kẻ thù”, một nhà ngoại giao cấp cao lên tiếng.
Tuy nhiên, lo ngại về việc bỏ rơi hàng trăm trẻ em được cho là công dân châu Âu đang thúc đẩy các chính phủ âm thầm tìm cách đưa chúng trở về.
Giới chức Pháp cho biết họ sẽ đưa những đứa trẻ hồi hương, nhưng sẽ không nhận mẹ chúng. Các quốc gia EU khác cũng đang đàm phán với chính quyền người Kurd, nhưng mọi chuyện trở nên phức tạp vì người Kurd muốn các quốc gia này nhận về toàn bộ công dân, chứ không phải chỉ riêng trẻ em.
“Tôi hiểu sự nhạy cảm ở những quốc gia bị tấn công khủng bố. Chúng tôi hy vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các giải pháp nhân đạo cho trẻ em, ”Peter Maurer, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế ICRC cho biết.