Tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, hôm nay (5/6) Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao-Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện là vị trưởng ngành thứ 4 đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Sự xuất hiện của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại phiên chất vấn chắc chắn sẽ làm nóng nghị trường bởi rất nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội và cử tri đang đợi Bộ trưởng trả lời.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2018). |
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đứng thứ 2 trong danh sách đề xuất để đại biểu Quốc hội lựa chọn ngồi vào "ghế nóng" chất vấn tại kỳ họp này. Nhóm vấn đề chất vấn với Bộ trưởng Thiện gồm: Quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, quản lý hoạt động tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan, việc đầu tư xây dựng và quản lý các công trình tâm linh, quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh, công tác quản lý và phát triển du lịch…
Tuy nhiên, những câu hỏi đặt ra cho Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện không chỉ dừng lại ở đó. Ngay tại diễn đàn Quốc hội lần này, nhiều đại biểu đã thể hiện sự bức xúc về văn hóa- đạo đức- lối sống trong xã hội như bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, ứng xử giữa con người với con người, văn hóa của giới trẻ, những hiện tượng lố lăng trên mạng xã hội, trào lưu đập đá trong giới trẻ …
Trước đó, tại kỳ họp vào cuối năm ngoái (kỳ họp thứ 6, khóa XIV), đại biểu Quốc hội cũng từng có ý kiến rất gay gắt về thực trạng xuống cấp văn hóa, đạo đức xã hội. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận, đây là vấn đề rất quan trọng nhưng cũng rất khó để thực hiện và cần thời gian lâu dài.
“Để xây dựng con người, khắc phục biểu hiện xuống cấp của đạo đức, lối sống thì phải làm từng bước, đương nhiên phải làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhưng chúng tôi đề nghị toàn xã hội vào cuộc. Nếu để ngành văn hóa và một số ngành loay hoay, trong khi kinh phí eo hẹp thì lại càng khó”, Bộ trưởng từng trả lời.
Đầu năm nay, tại Hội nghị Triển khai công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng chia sẻ nỗi lo lắng trước tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng và bày tỏ sự không hài lòng khi thấy nhiều vụ việc thể hiện sự xuống cấp của đạo đức xã hội nhưng không thấy ai trong ngành văn hóa lên tiếng.
Phó Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, vấn đề này là trách nhiệm chung của Đảng, Nhà nước và của từng người dân nhưng với tư cách là Phó Thủ tướng phụ trách Văn hóa - Giáo dục, ông và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là những người nhận trách nhiệm trước tiên.
Trước sự lo ngại của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước, trong phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải nhấn mạnh, cần phải chú trọng đến văn hóa hơn nữa. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng: Nếu chỉ chú trọng kinh tế, không chú trọng phát triển văn hóa, đến một lúc nào đó kinh tế sẽ bị dừng lại do văn hóa tác động. Đó là vấn đề đạo đức, phẩm chất, môi trường sống, những quan hệ xã hội khác...
“Chúng ta nói tam giác kinh tế-xã hội-môi trường thì kinh tế phát triển tốt, môi trường được chú trọng, nhưng rõ ràng văn hóa là vấn đề chưa được chú trọng tập trung cao của hệ thống cấp ủy chính quyền, nhất là đạo đức lối sống có nhiều vấn đề bất cập” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Văn hóa đạo đức được xem là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc. Để ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa đạo đức, không chỉ có trách nhiệm của riêng ngành văn hóa. Tuy nhiên, trước mỗi hiện tượng xã hội, nhất là những biểu hiện lệch chuẩn văn hóa, nếu Bộ trực tiếp quản lý mà không kịp thời phản ứng, kịp thời lên tiếng thì cử tri biết trông chờ vào ai. Cũng bởi vậy, tại phiên chất vấn hôm nay, cử tri mong muốn sẽ có những câu trả lời thỏa đáng, trách nhiệm từ người đứng đầu ngành văn hóa.
*Title do Kiến Thức biên tập