Không giống như những chuyến đi du lịch bình thường, chỉ cần xách balo lên và đi. Để chuẩn bị cho chuyến hành trình chinh phục núi lửa Bromo, Hưng Thịnh đã mất 2 tháng trước đó để rèn luyện thể lực, tăng sức bền. Bởi chặng đường trong chuyến đi đa phần là đi bộ và leo núi trong rất nhiều giờ với độ nguy hiểm cao.
Quyết định thực hiện chuyến thám hiểm theo dạng tự túc chứ không đăng kí theo tour, chàng trai trẻ đã phải nghiên cứu rất kỹ những thông tin về điểm đến, hành trình cụ thể, hình thức di chuyển cũng như những trang bị cần thiết. “Thật sự mình đã khá hồi hộp và lo lắng, bởi mình sẽ phải đối diện với rất nhiều thử thách chưa từng trải qua.”, Hưng Thịnh chia sẻ.
Sau khi lên được lịch trình, Hưng Thịnh săn vé máy bay giá rẻ. Vì không có chuyến bay sang thẳng Bali, chàng trai lựa chọn quá cảnh ở sân bay Changi, Singapore. Và từ sân bay ở Singapore tiếp tục bay đến sân bay quốc tế Ngurah Rai, Indonesia. Thịnh lựa chọn bay khung giờ đêm để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Sau khi xuống sân bay ở Bali, Hưng Thịnh di chuyển đến làng Bukit Lawang – ngôi làng nằm dưới chân núi lửa Bromo. Núi lửa Bromo thuộc Vườn Quốc gia Bromo Tengger Semeru có diện tích khoảng 800 km2, chiều cao 2.392 m, và là ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động. Thịnh thuê phòng nghỉ ở ngay ngôi làng để nghỉ ngơi, ăn tối và chuẩn bị cho chuyến đi bắt đầu vào 2 giờ sáng hôm sau.
Hành trang của Thịnh bao gồm: Nước suối, đồ ăn nhẹ, đèn pin, thuốc, miếng dán salonpas tránh trường hợp trật chân, túi giữ nhiệt và đặc biệt không thể thiếu mặt nạ chống độc. Vì là ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động nên không khí tại Bromo chứa rất nhiều lưu huỳnh, khí độc gây ảnh hưởng đến đường hô hấp. Bên cạnh đó, Thịnh cũng chuẩn bị thêm bình oxy di động.
Chuẩn bị xong thì có xe tới đón Thịnh và những du khách khác đến điểm tập kết. Đoàn tiếp tục đi bộ đến điểm ngắm mây và đón bình minh trước khi di chuyển ra chân núi lửa Bromo, và hành trình khó khăn ở đây chính thức bắt đầu.
Vì đây là chuyến đi thám hiểm núi lửa nguy hiểm nên Hưng Thịnh có sử dụng dịch vụ Trip Planner để liên hệ với các Local Guide (hướng dẫn viên địa phương). Giá mỗi người Local guide là 1 triệu đồng. Theo Thịnh, đây là khoản chi rất cần thiết bởi địa hình khu vực núi lửa rất hiểm trở, việc có local guide đi cùng, hướng dẫn sẽ đảm bảo an toàn cho du khách trong chuyến đi.
Khi lên tới độ cao nhất định và càng lúc càng gần với miệng núi lửa, bạn local guide yêu cầu các du khách đeo mặt nạ chống độc vào. Đoạn đường di chuyển lên miệng núi lửa khá mờ mịt với tàn tro, cát khói từ núi lửa. Càng lên cao sẽ càng nghe rõ tiếng sôi sùng sục trong lòng núi lửa. Đoạn đường để khách du lịch tận mắt xem trong lòng núi lửa rất hẹp nên di chuyển phải hết sức cẩn thận, nép sát lan can, không đùa giỡn để tránh trượt chân xuống vực núi.
”Thật sự lúc lên được tới nơi mình thở như trâu vậy ý, việc leo núi cộng với bầu không khí loãng khiến mình khó thở, mất sức. Tuy nhiên sự mệt mỏi qua đi rất nhanh khi mình được ngắm phong cảnh như trong tranh ở đỉnh núi lửa vẫn còn hoạt động. Thật sự tuyệt vời.”
Một điểm thú vị ở Bromo trong mắt du khách là khung cảnh người dân vừa ngắm cảnh vừa thả hoa vào miệng núi để cầu bình an. Với người dân Indonesia, Bromo là ngọn núi lửa thiêng. Tên Bromo được đặt theo cách phát âm tên thần Brahma trong tiếng Java - vị thần sáng tạo của Ấn Độ giáo.
Sau khi hoàn thành chuyến chinh phục núi lửa, Hưng Thịnh nghỉ ngơi một ngày để lấy lại sức cho chuyến đi thám hiểm Hồ acid Kawah Ljen vào ngày tiếp theo.
Hồ Kawah Ljen nằm trên miệng núi lửa ở độ cao 2.300 m so với mực nước biển, có màu nước xanh ngọc bích đặc trưng nhưng luôn được bao phủ bởi một làn khói trắng đậm đặc. Trong hồ chứa tới 36 triệu m3 dung dịch axit.
Chuyến đi đến hồ Ljen bắt đầu vào lúc 11 giờ 30 tối. Một đoàn xe Jeep đến đón các du khách di chuyển tới chân núi lưu huỳnh. Do địa hình đường núi, đất đá đèo dốc khó đi nên xe Jeep là phương tiện di chuyển phổ biến nhất ở đây.
Hồ Ljen là hồ lưu huỳnh nên du khách đều phải rất cẩn thận và tuân thủ tuyệt đối những quy định về bảo hộ, phòng độc. Tất cả du khách đều phải đeo mặt nạ chống độc rồi mới bắt đầu hành trình thám hiểm này.
Trên đường đi bộ tới hồ, vào khoảng 3-4 giờ sáng, nếu may mắn du khách sẽ được chứng kiến những đóm lửa ma trơi do rò rỉ lưu huỳnh xuất hiện dọc đường. Khoảng 7 giờ 30 sáng, Hưng Thịnh tới được hồ và có khoảng 20 phút để chụp ảnh, check-in và tham quan. Khu vực này thường chỉ mở để khách du lịch tham quan trước 8 giờ sáng. Sau đó toàn bộ du khách sẽ phải rời khỏi đây vì khi nhiệt độ lên cao sẽ khiến lưu huỳnh bốc hơi và dễ gây bỏng.Dù đã bảo hộ rất kĩ càng, nhưng Hưng Thịnh vẫn thấy một chút ảnh hưởng: “Mình nhớ lúc đó là sau khi hồ lưu huỳnh ra thì mũi mình bám cặn màu vàng luôn, và nguyên ngày hôm đó thở cũng cảm thấy hơi rát mũi nữa. Tuy nhiên bù lại mình đã có trải nghiệm vô cùng choáng ngợp và ấn tượng.”
Chuyến đi thám hiểm núi lửa và hồ lưu huỳnh không dành cho những người yếu tim mà phù hợp với những du khách có thể lực, sức khoẻ tốt và yêu thích cảm giác mạo hiểm, trải nghiệm độc đáo.
Sau hai chuyến thám hiểm gian nan với đầy tro bụi, hành trình tiếp theo của Thịnh là về Ubud, đảo Nusa Penida, Bali để tham quan các đền chùa, bãi biển. Ubud là nơi có nhiều resort đẹp nhất ở Bali, Thịnh quyết định book một resort đẹp long lanh có giá 8,5 triệu một đêm để “ăn mừng” thành công chuyến đi 7 ngày 6 đêm tại Indonesia. Cả chuyến đi, chi phí chàng trai dành ra là 25 triệu đồng.