Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc máy bay Nga bị rơi ở Ai Cập. Chiếc máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Metrojet trên đường bay về Nga đã gặp tai nạn ở bán đảo Sinai vào cuối tuần trước khiến 224 người trên máy bay thiệt mạng.
Sau vụ tai nạn thảm khốc nói trên, Wilayat Sinai, nhóm khủng bố thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), hiện đang hoạt động ở bán đảo Sinai (Ai Cập) bị tình nghi đã đặt bom trên chiếc máy bay Nga xấu số.
|
Hiện trường máy bay Nga rơi ở Ai Cập khiến 224 người thiệt mạng. (Ảnh: Reuters). |
Nguồn gốc của nhóm khủng bố al- Wilayat
Nhóm khủng bố al- Wilayat Sinai ở Ai Cập được biết đến là một chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - tổ chức khủng bố hiện đang kiểm soát một khu vực rộng lớn tại Iraq và Syria.
Đây là một nhóm gồm những kẻ Hồi giáo cực đoan ở địa phương có một mục đích chung nhằm chống đối lại chính quyền Ai Cập.
Ban đầu nhóm này mang tên Ansar Bayt al Maqdis (Những người ủng hộ Jerusalem) và tự nhận mình là chi nhánh của tổ chức khủng bố al- Qaeda vào năm 2011.
Sau đó, khi danh tiếng của IS nổi lên, vào năm 2014, nhóm Ansar Bayt al Maqdis đã liên lạc với IS và thề trung thành với tổ chức này.
Tháng 11/2014, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi chấp nhận lời thề trung thành của nhóm và đổi tên nhóm thành al- Wilayat Sinai.
Theo CNN, tuy là chi nhánh của IS những al- Wilayat hoạt động khá độc lập. Phần lớn các hoạt động của al- Wilayat là tự thực hiện, chứ phải không theo chỉ đạo điều hành từ cơ quan đầu não IS ở Raqqa (Syria).
Vì sao al- Wilayat phát triển mạnh mẽ ở Sinai?
Từ lâu, bán đảo Sinai ở Ai Cập là một khu vực rất khó kiểm soát bởi các hoạt động rầm rộ của những tay súng thánh chiến tại đây.
|
Các thành viên nhóm Wilayat Sinai tấn công vào một xe bọc thép của quân đội Ai Cập. (Ảnh: Telegraph). |
Hơn thế nữa, khu vực này còn được coi là một vùng đệm phi quân sự giữa Ai Cập và Israel nên Ai Cập chỉ có thể triển khai một số lượng quân đội hạn chế, không đủ để bảo đảm an ninh trong vùng.
Năm 2011, cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị lật đổ, tình hình an ninh tại Sinai càng trở nên nghiêm trọng. Năm 2013, ông Abdel Fattah Sisi lên nắm quyền và phát động một chiến dịch trấn áp mạnh tay đối với các nhóm khủng bố ở Sinai.
Sự hỗn loạn tại Sinai đã dẫn đến kết quả chính quyền Cairo cắt đứt nguồn hỗ trợ phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng tại đây. Điều này khiến cho quan hệ giữa người dân địa phương và chính quyền càng thêm xa cách.
Những người dân Bedouin bản địa (dân du mục gốc Arab) ở Sinai phải sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ mọi thứ. Nhiều ngôi làng của người Bedouin thậm chí không có điện và nước sinh hoạt.
Mặc dù đại đa số các nhà lãnh đạo của bộ tộc người Bedouin có tư tưởng chống tôn giáo cực đoan, thậm chí ra mặt chống IS, nhưng những người Bedouin khác lại không nghĩ như vậy.
Các phần tử Bedouin bất mãn với chính quyền Cairo đã gia nhập các nhóm khủng bố, trong đó có al- Wilayat Sinai và khiến nhóm khủng bố này thêm phần thanh thế.
Những thủ lĩnh đứng phía al- Wilayat Sinai
Nhóm này có 2 thủ lĩnh chính là Abu Osama al-Masri (42 tuổi) và Shadi al-Menaie (26 tuổi).
Abu Osama al-Masri là nhân vật từng được nhắc tên trong các đoạn video của nhóm và tuyên bố trên mạng nhận trách nhiệm vụ tấn công máy bay Nga.
Gã này được cho là tốt nghiệp Đại học Al-Azhar, Cairo- trường đại học hàng đầu của người Hồi giáo Sunni. Ngoài ra, những thông tin khác về al- Masri vẫn còn là ẩn số, kể cả tên thật của gã.
Khác với al-Masri, gã al-Menaie tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã nổi danh khắp nơi với những “thành tích bất hảo” của mình.
Al-Menaie xuất thân từ một trong những gia tộc lớn mạnh nhất khu vực đông bắc ở Sinai. Trong gia đình của al- Menaie, nhiều anh chị em của gã đều tham gia vào các đường dây buôn ma túy, buôn người hoặc tổ chức khủng bố do gã đứng đầu
|
"Hoàng tử Shadi"- gã thủ lĩnh khét tiếng của nhóm khủng bố al- Wilayat Sinai. (Ảnh: Telegraph). |
Từ khi còn trẻ, gã al- Meanie đã là một tay buôn lậu khét tiếng và từng bị cảnh sát Ai Cập tống giam vì tội buôn lậu vũ khí. Chính trong thời gian ngồi tù hai năm, tư tưởng của al- Meanie dần bị cực đoan hóa, theo Telegraph.
Năm 2012, gã này lập thành tích trong nhóm khủng bố Ansar Bayt al Maqdis (tên gọi trước đây của al- Wilayat Sinai) khi bắt cóc thành công một nhóm các kỹ sư Trung Quốc.
Đến tháng 8 cũng năm, gã này lại ra tay tổ chức tấn công sát hại 16 binh sỹ Ai Cập. Tuy nhiên, al-Menaie không lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc này.
Với biệt danh “Hoàng tử Shadi”, gã này điều hành nhóm khủng bố al- Wilayat Sinai thực hiện thêm nhiều vụ khủng bố đẫm máu.
Rộ lên nghi vấn al- Wilayat Sinai gây ra vụ rơi máy bay Nga
Nhóm Wilayat Sinai là một nhóm khủng bố khá có tiếng tăm ở Sinai trong những năm qua. Hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu chủ yếu nhằm vào lực lượng an ninh Ai Cập đã khuếch trương thanh thế của nhóm.
Một thủ lĩnh cấp cao của Wilayat Sinai trong bài phỏng vấn với Reuters vào năm 2014 từng tiết lộ, IS đã hỗ trợ rất nhiều cho nhóm, đặc biệt trong việc huấn luyện và đào tạo các chiến binh thánh chiến, cũng như xây dựng cho nhóm cách thức hoạt động hiệu quả, bí mật.
|
Rộ lên nghi vấn al-Wilayat Sinai gây ra vụ rơi máy bay Nga. (Ảnh: Al-Arabiya). |
CNN thông tin, hầu hết các loại vũ khí mà nhóm này sử dụng là vũ khí hạng nhẹ và một vài tên lửa vác vai. Thế nhưng, đáng ngạc nhiên là vào đầu năm 2014, nhóm Wilayat Sinai cho công bố một đoạn video cảnh nhóm này bắn hạ một máy bay của quân đội Ai Cập.
Trong khi nguyên nhân vụ rơi máy bay A321 của Nga vào ngày 31/10 vừa qua khiến 224 hành khách thiệt mạng vẫn chưa được xác định thì nhóm Wilayat Sinai đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ việc. Tuy nhiên, nhóm khủng bố này lại không nói rõ cách thức chúng đã làm điều đó như thế nào.
Ngày 31/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ quan điểm rằng có thể bom trên máy bay Nga từ trước. Bên cạnh đó, các chuyên gia tình báo Anh và Mỹ cũng cho biết, họ đang có một đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa trụ sở chính của IS ở Raqqa (Syria) với các tay súng ở chi nhánh Sinai, Ai Cập, CNN thông tin.
Hiện các chuyên gia đang phân tích ngôn ngữ đặc biệt mà IS sử dụng trong cuộc nói chuyện để xác định xem loại bom và kíp nổ mà IS đã sử dụng là gì, và nội dung của cuộc trò chuyện có phải đề cập đến những gì đã xảy ra hay không.
|
Binh sỹ Ai Cập thu thập đồ đạc cá nhân của nạn nhân vụ tai nạn máy bay tại hiện trường ở Hassana, Bán đảo Sinai của Ai Cập. (Ảnh: AP) |
Nhiều quan chức nói rằng, cuộc nói chuyện bị ghi âm của IS đã củng cố thêm quan điểm của Anh và Mỹ về khả năng máy bay Nga bị khủng bố.
Nga và Ai Cập đều bác bỏ thông tin trên, đồng thời nhấn mạnh rằng vẫn chưa có kết luận nào được đưa ra.
Ayman al-Muqaddam, người phụ trách điều tra chính vụ tai nạn máy bay nói: “Mọi kịch bản vẫn đang được thảo luận. Chúng tôi vẫn chưa thể biết được chính xác điều gì đã xảy ra”.
Nếu quả thật Wilayat Sinai đã gây ra vụ khủng bố đối với máy bay Nga thì đây sẽ là sự phô trương thanh thế ầm ĩ nhất của nhóm này nói riêng và của IS nói chung- trở thành nỗi ám ảnh của toàn thế giới. Đây cũng sẽ là vụ khủng bố đẫm máu nhất kể từ ngày 11/9/2001 - ngày mà tổ chức al- Qaeda tiến hành tấn công vào tòa tháp đôi ở New York, Mỹ.