Nói đến những người phụ nữ "khét tiếng" thời phong kiến Trung Quốc, người ta thường nhắc đến nữ hoàng đế đầu tiên Võ Tắc Thiên và người nắm giữ quyền lực nhà Thanh 47 năm - Từ Hi Thái hậu. Điểm chung của họ là đam mê quyền lực và sự mưu mô, độc ác lưu truyền muôn đời. Thế nhưng, theo đánh giá của nhiều nhà sử học thì cả hai nhân vật này đều phải xếp sau Lữ hậu.
Lữ hậu (241 TCN - 180 TCN) tên thật là Lữ Trĩ, là vị Hoàng hậu duy nhất của Hán Cao Tổ Lưu Bang - Hoàng đế sáng lập nên triều đại nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Lữ hậu chính là Hoàng hậu đầu tiên của nhà Hán, cũng là hoàng hậu chính thức đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Bà có cha là Lữ Công, người có tiếng tăm ở địa phương, vì giao tranh, loạn lạc mà theo gia đình di tản đến huyện Bái ở tỉnh Giang Tô vì có mối quan hệ thân thiết với huyện lệnh ở đây.
Tranh vẽ Lữ hậu |
Trong bữa tiệc do vị huyện lệnh này mở ra để chào đón gia đình Lữ Công, thiếu nữ xinh đẹp Lữ Trĩ lần đầu gặp Lưu Bang - khi đó chỉ đang giữ chức đình trưởng nho nhỏ, lại có nhiều tật xấu như khoe khoang, cờ bạc, rượu chè… nên không được yêu thích. Tuy nhiên, Lữ Công lại cực kì ưng ý tướng mạo "bất phàm" của người này, cho rằng sẽ làm nên đại sự nên đã có ý mai mối cho con gái Lữ Trĩ. Cả hai nhanh chóng trở thành vợ chồng. Tuy nhiên, ban đầu cuộc sống của Lữ Trĩ không mấy hạnh phúc khi cuộc sống nghèo khó, Lưu Bang lại ham chơi, một mình bà gánh vác cả gia đình nhưng vẫn không ca thán nửa lời.
Đến cuối thời nhà Tần, Lưu Bang chớp cơ hội giết chết huyện lệnh ở huyện Bái và lãnh đạo nhân dân nổi dậy. Hắn dù nhiều tật xấu nhưng bản tính cứng cỏi, kiên quyết, bị Hạng Vũ lấy mẹ và con trai ra đe dọa nhưng cũng tỏ ra không quan tâm. Chính vì thế nên mới làm nên đại sự, trở thành hoàng đế khai quốc của nhà Hán, người vợ Lữ Trĩ trở thành Hán Cao hậu.
Thế nhưng Lưu Bang có được thiên hạ lại dần xa lánh Lã hậu, sủng ái Thích phu nhân. Vì yêu thích phi tần này nên Lưu Bang cò nảy sinh ý định phế truất thái tử Lưu Doanh, con của Lữ Hậu, và thay thế bằng con của ông với Thích phu nhân là Lưu Như Ý. Lữ hậu khi này mới bộc lộ sự thông minh và dã tâm của mình. Bà thu phục nhiều quan chức quan trọng trong triều đình để củng cố thế lực, nhờ Trương Lương mời 4 hiền sĩ Thương Sơn tứ hạo - người Lưu Bang mãi không thể mời nổi - về phe Lưu Doanh khiến cho Lưu Bang không thể làm gì được. Cuối cùng, Lưu Doanh đã được kế vị cha sau khi Lưu Bang qua đời. Lữ hậu nắm quyền hành, "đuổi cùng giết tận" mẹ con Thích phu nhân để đề phòng hậu họa về sau.
Lịch sử Trung Hoa sau này nhắc đến Lữ hậu thường gắn với những cụm từ như "độc ác", "bạo lực", "vô nhân đạo". Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, nếu không có tài đức của Lữ hậu thì Lưu Bang không thể có được thiên hạ và con trai bà cũng không thể đăng cơ.