Mang dây rừng đi xuất khẩu
Chị Bùi Thị Tăm (sinh năm 1968, xóm Sào Đông, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi Hòa Bình) - một trong hai "nữ tướng" bản Mường là gương mặt điển hình làm kinh tế giỏi ở xứ Mường Bi. Sinh ra trong một gia đình dân tộc Mường có 10 anh chị em, do gia đình nghèo lại đông con nên chị Tăm học đến lớp 3 thì phải nghỉ học. Từ nhỏ chị đã phải lên rừng chặt củi, chăn trâu giúp bố mẹ, thấy những sợi dây rừng mọc dại trên núi, chị cắt nó rồi đan thành giỏ hoa cho vui để trang trí trong nhà.
Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng chị không có nghề nghiệp ổn định, cả nhà chỉ trông vào mấy mảnh ruộng nên làm quanh năm cũng chẳng đủ ăn. Năm 2001, chị tham gia vào hội phụ nữ và được chị em tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng.
Nhận thấy sự vất vả, nghèo đói của bản. Chứng kiến nhiều chị em đã phải rời bỏ tổ ấm, đi làm ăn tha phương đầy vất vả, chịu không ít rủi ro, chị luôn hi vọng một ngày sẽ tìm cho một nghề và công việc phù hợp cho chị em cùng quê để không phải đi làm ăn xa, vươn lên thoát nghèo.
Tình cờ một lần đến thăm một số làng nghề đan lát ở Chương Mỹ (Hà Nội), chị nhận thấy mô hình sản xuất giỏ hoa từ dây rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nguồn nguyên liệu sẵn có ở xã Sào Báy. Các loại cây như tre, giang mọc ở những vùng đồi thấp, nhiều phụ nữ quê chị rất khéo léo đan lát, thêu thùa giỏi, vậy có thể phát triển nghề đan lát này ở xã.
Nghĩ là làm, chị Tăm về kêu gọi chị em trong hội phụ nữ lập một cơ sở sản xuất giỏ hoa ngay tại nhà mình. Chị tâm sự: “Mới đầu, chúng tôi phải leo lên những ngọn đồi quanh vùng và các xã lân cận cắt dây rừng, về phơi khô 1 - 2 ngày rồi mới đan thành giỏ hoa. Hồi đó còn chưa có xe máy nên sản phẩm làm ra tôi phải dùng xe đạp chở đi bán rong khắp thị trấn Bo (Kim Bôi), TP Hòa Bình... nhưng vì mẫu mã chưa đẹp nên không ai mua, chị em lần lượt bỏ nghề. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ tại mình làm chưa đúng cách, nếu làm đẹp thì sẽ bán được”.
Chị Bùi Thị Tăm say mê giới thiệu sản phẩm của mình. |
Năm 2002, một lần nữa chị lặn lội xuống các vùng Chương Mỹ, Hoài Đức... để học hỏi thêm kinh nghiệm và tìm đầu ra cho sản phẩm. Chị tìm hiểu kỹ cách gia công dây rừng, hỏi cặn kẽ về các công đoạn làm giỏ hoa sao cho đạt tiêu chuẩn tốt nhất về mẫu mã và chất lượng.
Được sự giới thiệu của một cơ sở sản xuất giỏ hoa ở Chương Mỹ, chị liên hệ với Công ty HASA Việt Nam ký hợp đồng làm lô hàng đầu tiên. Chị về thuyết phục chị em quay trở lại làm việc, bắt tay làm lô hàng thử nghiệm. Tuy chưa đạt năng suất cao nhưng đã được công ty tiếp nhận và đưa ra những mẫu mã mới để xưởng chị làm.
“Khi được công ty chấp nhận sản phẩm và đồng ý ký hợp đồng lô hàng thứ hai, tôi mừng đến phát khóc, cuối cùng giỏ hoa mà chúng tôi làm ra đã bán được, chị em thêm tin tưởng, điều đó giúp tôi quyết tâm và tự tin hơn để đưa sản phẩm của mình được nhiều người hơn nữa biết đến”, chị Tăm kể lại.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, xưởng của chị Tăm luôn tìm tòi, học hỏi để cải tiến mẫu mã, làm ra những sản phẩm thủ công đa dạng như: lẵng hoa, những chiếc làn trang trí với đầy đủ hình thù, kích cỡ. Do đó, ngoài những hợp đồng xuất khẩu với Công ty HASA Việt Nam, có rất nhiều đơn đặt hàng từ các nơi tìm đến chị. Hiện cơ sở sản xuất của chị đang tạo việc làm cho hơn 60 chị em lao động trong vùng, với thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Gia đình chị cũng vươn lên thoát nghèo với thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
Chị Bùi Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sào Báy cho biết: “Chị Bùi Thị Tăm là một trong những phụ nữ tiêu biểu làm kinh tế giỏi của xã. Mô hình tạo ra các sản phẩm thủ công từ dây rừng để xuất khẩu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho chị em trong xã, nhiều hộ gia đình từ nghèo đói đã vươn lên từng bước thoát nghèo. Ngoài ra, chị Tăm còn là một chi hội viên gương mẫu, luôn hoàn thành tốt công việc được giao”.
Chị Bùi Thị Tăm vinh dự được nhận bằng khen của Hội Phụ nữ tỉnh Hòa Bình. |
Giúp dân bằng cách “cho cần câu”
Cũng giống như chị Tăm , cô Nguyễn Thị Nguyệt Minh (sinh 1962 quê gốc xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cũng luôn mong muốn giúp bà con bản Mường ở xã Kim Truy (Kim Bôi, Hòa Bình) vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo. Nhưng cách làm của cô lại khác.
Cô Minh ừng công tác ở một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Hà Nội. Khi nghỉ hưu với sở thích chăn nuôi, trồng trọt cuối năm 2013 cô Minh bán nhà ở Hà Nội để lên xã Kim Truy thuê 3 ha đất đầu tư mở trang trại lợn. Đến nay, trang trại lợn của cô đã có 6.000 con lợn. Thấy cuộc sống của đồng bào nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, đang phải lo chạy cơm, cháo từng bữa, cô Minh thôi thúc phải làm điều gì đó giúp họ có cuộc sống ổn định.
Nhận thấy xã Kim Truy còn nghèo, không có nhà văn hóa để cho bà con trong bản đến sinh hoạt cô hỗ trợ xã 600 triệu đồng để xây nhà văn hóa xóm. Cô Minh tâm sự: “Tiền tôi cũng đang phải đi vay mượn ngân hàng để đầu tư vào trang trại chăn nuôi, nhưng thấy người dân đây còn thiệt thòi vất vả quá nên muốn góp một tý công sức nhỏ giúp xã, giúp dân. Tôi không chọn việc làm từ thiện bằng cách cho những người nghèo “cá”, mà là sẽ cho họ cần câu và dạy họ câu như thế nào để có “cá” ăn. Từ đó, họ tự có thể làm ăn để thoát khỏi đói nghèo”.
Cô Minh (thứ 3 bên phải) đang phát gà cho bà con dân tộc Mường. |
Để người nghèo có vốn sản xuất, cô Minh đã xây dựng dự án chăn nuôi, hỗ trợ con giống cho các hộ dân nghèo trong xã. Cô cung cấp 2.500 con gà giống (gà mía lai phượng) 21 ngày tuổi Cho các hộ nuôi từ 50 - 100 con theo đơn đăng ký, hỗ trợ tiền mua ngô cho gà mỗi hộ từ 150.000 - 200.000đ/tháng trong 4 tháng. Sau khi nuôi đến tháng thứ 4, mỗi hộ tham gia dự án có trách nhiệm trả lại dự án với số gà là 30 con/trên 100 con gà giống. Trường hợp gà chết do dịch bệnh thì không thể trả lại gà cho dự án. Sau mỗi đợt nuôi các hộ sẽ cùng trao đổi kinh nghiệm nuôi, rút kinh nghiệm.
Chị Bùi Thị Tiếc, là hộ nghèo của xã, tươi cười chia sẻ: “Lần đầu tiên được người khác cho gà, thức ăn về nuôi thế này vui lắm. Cảm ơn cô Minh đã tạo điều kiện cho chúng tôi chăn nuôi. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng nuôi gà thật tốt để nâng cao thu nhập”.
Chia sẻ về dự án của mình cô Minh cho biết: “Hiện tại tôi đang thử nghiệm dự án, nếu thành công thì sẽ nhân rộng hơn. Tôi làm là vì muốn giúp bà con chứ không phải là vì lợi ích kinh tế, việc thu lại một phần gà của họ vì tôi muốn họ có trách nhiệm hơn với đàn gà của mình. Số gà đó bán ra đầu tư tiếp cho chủ đàn gà mở rộng mô hình nếu làm tốt, hoặc sẽ luân chuyển sang cho những hộ dân khác trong xã để họ tiếp tục xây dựng mô hình. Những người nuôi gà không tuân thủ nguyên tắc sẽ không được nuôi tiếp vào đợt sau”.
“Cô Minh là người dân nơi khác đến, nhưng được người dân xã Kim Truy quý trọng không chỉ bởi sự táo bạo trong chăn nuôi, mà còn vì cô có cách làm kinh tế mới giúp những hộ gia đình trong xã vươn lên thoát nghèo. Ngoài hỗ trợ tiền làm đường bê tông, xây nhà văn hóa xã, thì việc làm đường ống dẫn khí miễn phí Biogas cho người dân, hỗ trợ bà con gà giống chăn nuôi là những việc làm rất đáng trân trọng”.
Ông Bùi Quang Vinh (Chủ tịch UBND xã Kim Truy)