Thuốc phiện, giết người, ám sát và hối lộ
Khun Sa sinh năm 1933 trong một gia đình có cha là sĩ quan Trung Quốc, mẹ là người dân tộc Shan ở Myanmar. Cha mất sớm, mẹ tái giá với một người Shan ở khu vực biên giới Myanmar - Trung Quốc.
Vốn là một chàng trai có tố chất và tham vọng, lại được sự giúp đỡ của bố dượng, Khun Sa sớm trở thành người đứng đầu một bộ tộc người Shan.
Khun Sa được mệnh danh là “Hoàng tử của chết chóc”. |
Ngay khi mới 18 tuổi, Khun Sa đã bắt đầu tung hoành trong giới buôn thuốc phiện. Những năm 1960, trùm ma túy Khun Sa là cái tên được nhắc tới nhiều nhất về sản xuất, cung cấp, buôn bán thuốc phiện, heroin tại vùng Tam giác vàng (vùng biên giới giữa Myanmar, Thái Lan và Lào) với doanh số hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Ngoài ra, hắn và tổ chức ma túy của mình cũng chịu trách nhiệm cho hàng loạt vụ giết người, ám sát và hối lộ. Cảnh sát Washington ước tính rằng 60% heroin được bán trên các đường phố của Mỹ được sản xuất từ thuốc phiện tinh chế trong khu vực dưới sự kiểm soát của Khun Sa.
Trong nhiều năm, tổng hành dinh của hắn là một vương quốc tự trị ảo được trang bị các vệ tinh theo dõi, thậm chí có cả trường học. "Họ nói tôi là vua, thực ra tôi là một vị vua không có vương miện", Khun Sa từng chia sẻ với một phóng viên.
Năm 1968, trong một trận đánh với quân chính phủ nhằm bảo vệ đế chế của mình, Khun Sa bị bắt. Đến năm 1973, hắn được thả.
Tuy nhiên, Khun Sa luôn là cái gai trong mắt chính phủ. từ năm 1989, được sự giúp sức của Mỹ, Chính phủ Myanmar đã tiến hành thương thuyết, hòa giải với nhiều tổ chức ly khai và cô lập dần Khun Sa.
Vào năm 1993, gần 6.000 lính của Khun Sa ở Shan ra đầu hàng, sức mạnh của tổ chức Khun Sa giảm rõ rệt.
Bằng chiến lược ly gián và tấn công quân sự, ngày 5/1/1996, Khun Sa tuyên bố hạ vũ khí và được đưa về Yangon. Hai tuần sau đó, toàn bộ quân đội của Khun Sa nộp vũ khí đầu hàng.
Ngày 26/10/2007, Khun Sa qua đời tại nhà riêng.
Trùm ma túy ghét… ma túy
Có biệt danh là “Hoàng tử của chết chóc”, là trùm ma túy khét tiếng nhưng chưa bao giờ người ta thấy hắn quát mắng, đánh đập người làm.
Khun Sa có 2 vợ và 8 người con. Hai người con lớn một thời gian dài là lính trong quân đội của Khun Sa. Dù là con Khun Sa, nhưng họ cũng phải chiến đấu và không có một sự ưu ái nào cả. Theo kể lại, Khun Sa từng tự tay đánh người con lớn “thừa sống thiếu chết” chỉ vì có người tố cáo anh ta hút thử thuốc phiện.
Dù là kẻ gieo rắc cái chết trắng cho nhân loại nhưng theo một số tài liệu ghi lại trùm ma túy Khun Sa chưa từng hút thuốc. Hắn đặc biệt ghét việc hút thuốc phiện hoặc sử dụng các loại ma túy khác. Khun Sa đặt ra luật lệ trừng phạt người nghiện hút trong tổng hành dinh của mình rất khủng khiếp.
Tới giờ người ta vẫn truyền tai nhau câu chuyện về sự hà khắc này. Theo đó, với những người trót nghiện, thời gian đầu, để “giúp” cho người nghiện cắt cơn, Khun Sa ra lệnh cho lính tống người nghiện xuống một cái hố cá nhân sâu khoảng 2m và anh ta phải ăn, ngủ, vệ sinh tại chỗ và bất biết là trời nắng hay mưa. Sau ba ngày tra tấn như vậy, nếu người nghiện chết thì “coi như đã xong”, gia đình sẽ được một khoản trợ cấp. Còn nếu anh ta sống, thì phải đi lao động trong đội khổ sai dưới sự giám sát chặt chẽ của lính.
Chính nhờ những biện pháp cứng rắn, cho nên ở đế chế do Khun Sa cai quản, hầu như không có người nghiện. Cũng một điều lạ là ở các tỉnh Bắc Lào, số người nghiện hút rất ít. Tỉnh nào nhiều thì chỉ hơn 100; có nơi như ở Xiêng Khoảng, vùng xưa kia trồng thuốc phiện nổi tiếng, vậy mà chỉ có chưa đầy 40 con nghiện.
Giờ đây, tuy “Vương quốc” ma túy của Khun Sa đã sụp đổ nhưng những ảnh hưởng sâu rộng của nó thì vẫn còn tới ngày nay.