Dư luận đang rất bất bình về việc bộ phim hoạt hình Everest - người tuyết bé nhỏ (tựa tiếng Anh là Abominable) có nội dung lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” nhưng được CJ CGV phát hành tại Việt Nam. Năm ngoái, dư luận cũng bức xúc mạnh mẽ khi phim Điệp vụ biển Đỏ với nội dung tuyên truyền sai trái chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn được CJ CGV phát hành tại Việt Nam.
Trong hai vụ việc trên, trách nhiệm trước hết là sự yếu kém của cơ quan duyệt phim và quản lý nhà nước, nhưng đơn vị phát hành cũng không thể vô can. Tuy nhiên, cách phản hồi của CJ CGV mang tính lẩn trốn trách nhiệm, chống chế đến ngây ngô.
Cụ thể, chiều 13.10, sau khi phát hiện phim Abominable (có một trong hai nhà đồng sản xuất là Công ty Pearl của Trung Quốc) lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” trong nội dung phim, phóng viên Thanh Niên đã đặt vấn đề này với Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thu Hà và Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Tạ Quang Đông. Khi tiếp nhận vụ việc, bà Hà cho biết đã trao đổi với đơn vị phát hành là CJ CGV dừng chiếu trên toàn bộ hệ thống rạp. Toàn bộ trailer cũng đã tháo gỡ trên hệ thống. Tương tự, ông Đông cũng cho biết tiến hành thu hồi phim.
Phim hoạt hình có gắn đường lưỡi bò |
Thế nhưng, cũng vào tối 13.10, trả lời báo chí về việc bộ phim trên bị rút khỏi rạp, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành của CJ CGV Việt Nam, biện minh bằng lý do: “Phim Everest - Người tuyết bé nhỏ đã chiếu gần hai tuần, lại là phim hoạt hình vào ngày trong tuần ít khách nên hôm nay CGV đã quyết định ngừng khai thác”. Đây là một cách phản hồi lấp liếm, chối bỏ trách nhiệm.
Hồi năm 2018, khi Thanh Niên phản ánh phim Điệp vụ biển Đỏ tuyên truyền sai trái về chủ quyền trên Biển Đông và CJ CGV rút phim thì ông Hải cũng trả lời tương tự: “Phim này đã chiếu được 10 ngày nay và cũng không đông khán giả lắm, nên chúng tôi quyết định ngưng chiếu để xếp lịch cho phim khác ra rạp”.
Đặc biệt, nội dung tuyên truyền trong phim Điệp vụ biển Đỏ được Thanh Niên chỉ rõ là sai trái. Cụ thể, cảnh cuối của phim ghi rõ địa điểm là Biển Đông, nhưng tàu chiến Trung Quốc phát loa thông báo cho một tàu chiến khác rằng phải rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc. Phân cảnh rõ ràng như thế, nhưng khi đó, ông Hải đã quy chụp ngược lại rằng: “Tôi nghĩ người xem nhạy cảm quá, nên suy diễn là biển của Việt Nam chứ trong phim không nói gì”.
Những người có kiến thức, là chuyên gia về biển đảo, về hải quân chỉ rõ nhiều chi tiết bất ổn trong phim. Thế nhưng, ông Hải không rõ có hiểu biết gì về nội dung này hay không thì lại vội vàng quy chụp các phân tích chuyên môn là “suy diễn”. Sau đó, báo Thanh Niên đã dẫn trích rõ ràng nội dung trên website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ca ngợi Điệp vụ biển Đỏ tuyên truyền cho chủ quyền sai trái của Trung Quốc. Khi mọi chuyện đã quá rõ ràng, CJ CGV nói chung và người đại diện là ông Nguyễn Hoàng Hải lại im lặng.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, CJ CGV là một doanh nghiệp nước ngoài, nhưng hoạt động và thu lợi tại Việt Nam thì phải có trách nhiệm tôn trọng chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đơn vị này không ít lần bị các nhà sản xuất Việt Nam tố cáo lợi dụng vị thế lớn trong mảng phân phối phim mà chèn ép phim Việt để ưu tiên phim ngoại. Đến giờ đã thể hiện quá rõ, trong số những bộ phim ngoại mà CJ CGV cho ra rạp, thì thậm chí có cả Everest - người tuyết bé nhỏ”, phim được CJ CGV quảng bá là “phim hay tháng 10”, trở thành công cụ tuyên truyền sai trái, xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với Biển Đông.
Hành xử đó của CJ CGV hay cá nhân ông Hải, cũng là một người Việt Nam, là không thể chấp nhận, nhất là trong bối cảnh cả nước Việt Nam đang bức xúc trước hành vi của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Đừng trốn tránh trách nhiệm! Đừng tìm cách biện minh trơ trẽn! Công ty CJ CGV và cá nhân ông Nguyễn Hoàng Hải phải xin lỗi người dân Việt Nam.