Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP về hoạt động của Bến xe Miền Đông mới ở quận 9. Theo đó, sở này cho rằng BXMĐ mới chưa đủ điều kiện đưa vào hoạt động.
Chủ đầu tư Bến xe Miền Đông là Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco).
Sở GTVT cho rằng Bến xe Miền Đông mới chưa hoàn thiện nhiều hạng mục để đưa vào hoạt động. Ảnh: Plo |
Samco thành lập năm 2004, có trụ sở tại 262 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (TP HCM). Tổng công ty Samco có ngành mũi nhọn là ngành cơ khí chế tạo, đã được Chính phủ quy hoạch là một trong bốn Tổng công ty đảm nhiệm vai trò nòng cốt phát triển ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam.
Samco là doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành, trong đó ngành chính là sản xuất các sản phẩm cơ khí giao thông, vận tải và cung cấp dịch vụ về giao thông, vận tải chất lượng cao. Chuyên kinh doanh ôtô, xe buýt, xe khách.
Theo thông tin trên website samco.com.vn, công ty có vốn điều lệ 1.796.569 triệu đồng. Tổng doanh thu năm 2018 là 25.051.966 triệu đồng. Nộp ngân sách nhà nước 7.574.793 triệu đồng.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh nửa năm 2020, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn lỗ 86,8 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ của Tổng công ty Samco được lý giải do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nên sản lượng tiêu thụ xe ô tô, xe và thiết bị chuyên dùng giảm.
Cùng với đó, chi phí tiền thuê đất tăng, phát sinh chi phí vãi vay sau thời điểm nghiệm thu công trình dự án bến xe miền Đông mới.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng Đảng, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Samco cho biết doanh thu đạt 28.745 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng; Nộp ngân sách đạt 9.842 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, tổng doanh thu hợp nhất của Samco liên tục sụt giảm, từ mức 8.339 tỷ đồng trong năm 2016 giảm xuống còn 7.176 tỷ đồng trong năm 2017 và 5.733 tỷ đồng vào năm 2018. Lợi nhuận trước thuế của Công ty trong giai đoạn này lần lượt đạt 776 tỷ đồng, 919 tỷ đồng và 604 tỷ đồng.
Bến xe Miền Đông mới (nằm ở phường Long Bình, Q.9 (TP.HCM) và phường Bình Thắng (Thị xã Dĩ An, Bình Dương)) khởi công tháng 4/2017 trên diện tích 16 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng. Công trình gồm khu A là bến bãi, công trình công cộng (chiếm hơn 76% tổng diện tích); khu B trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); khu D thương mại dịch vụ (cao 15 tầng). Riêng nhà ga được xây dựng với kết cấu gồm 2 tầng hầm và 4 tầng nổi.
Toàn bộ công trình được thiết kế kiến trúc hiện đại, trở thành bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Bến xe sẽ góp phần giảm kẹt xe khu trung tâm thành phố, đặc biệt ở Bến xe Miền Đông cũ đang quá tải.
Công trình dự kiến khai thác từ Tết Nguyên đán 2018, sau đó lùi đến đầu năm 2019, rồi gia hạn đến 15/8/2019. Lần gia hạn gần nhất hồi cuối tháng 4 năm nay và hiện là lần thứ năm bến xe lùi thời gian khai thác.