Trước đó, Báo Lao Động đã phản ánh tình trạng, mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng xã hội xôn xao bàn tán về một cây lan đột biến của một gia đình dân tộc Mông ở bản Sín Sủ, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa tỉnh Điện Biên được trả giá 46 tỉ đồng.
Theo đó, cây lan được xác định là của gia đình anh Thào A Phổng ở bản Sín Sủ, xã Xá Nhè. Trước đó, anh Phổng đã mua cây lan của một chủ khác. Khi cây lan nở hoa và đẻ nhánh, có một nhóm người đến trả giá 46 tỉ đồng nhưng sau đó lại không mua.
Hình ảnh cây lan đột biến được trả giá 46 tỉ đồng mà người dân chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: MXH |
Chiều 14.6, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lờ A Tráng - Chủ tịch UBND xã Xá Nhè - cho biết: “Từ hôm qua đến nay, chúng tôi đã cho anh em xuống gặp chủ cây lan để tìm hiểu nhưng vẫn chưa gặp được nên chưa nắm được thông tin cụ thể”.
Ông Tráng nói thêm: “Tại bản Sín Sủ 1, Sín Sủ 2 có một nhóm 4-5 người chuyên đi vào rừng để tìm lan về bán. Có những lần, họ về bán hơn 10 triệu đồng, hơn 20 triệu đồng và chia nhau”.
Về việc dư luận xôn xao liên quan đến cây lan được trả giá 46 tỉ đồng của gia đình anh Thào A Phổng, ông Lờ A Tráng cho hay: “Vì mình cũng không biết được giá trị thực của cây lan nên họ rao bán bao nhiêu hay trả giá bao nhiêu mình cũng không cấm được…”.
Cây lan tại gia đình anh Thào A Phổng, ảnh chụp ngày 12.6.2021. Ảnh: PV |
Tuy nhiên, ông Tráng cũng đặt vấn đề: “Nếu như cây lan thực sự có giá trị như vậy, tại sao trả giá xong họ lại không mua?”.
Ông cho biết, đang chỉ đạo xem xét nếu như có một đường dây lừa đảo, mồi chài để người dân nhẹ dạ rơi vào bẫy của họ thì sẽ báo cáo với lãnh đạo huyện. Mặt khác, xã cũng chủ động tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác.
Ông Tráng thông tin thêm: “Theo báo cáo xác minh ban đầu, nhóm người này đến xem lan và trả giá cao, sau đó không mua là do chủ cũ đã bán cây lan cho anh Phổng giới thiệu".
Liên quan đến sự việc trên, trung tá Bùi Đức Phúc - Trưởng Công an huyện Tủa Chùa - chia sẻ, việc chơi lan và bán giá bao nhiêu thì cũng không ai thẩm định.
“Khi cây lan ra hoa, có nhiều người đến xem thì họ phải trông coi, bảo vệ, tôi thấy cũng là việc bình thường. Còn về việc có nhiều người vào rừng tìm lan thì từ xưa chứ không phải bây giờ mới có” - ông Phúc cho biết thêm.
Được biết, tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, có một “chợ lan” chuyên hoạt động vào tối thứ 7 đến sáng chủ nhật hằng tuần. Đây cũng là địa chỉ thu hút sự quan tâm của những người chơi lan trong và ngoài khu vực.