“Cậu Thủy” (bìa trái) và nhân viên Hải Anh (bìa phải) tại hiện trường tìm mộ liệt sĩ ở Quảng Trị ngày 25/8/2013. |
Bản kết luận điều tra vụ "cậu Thủy" lừa đảo tìm hài cốt liệt sĩ đã gây bất ngờ cho nhiều người.
Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Thanh Thúy (“cậu Thủy”) cùng năm bị can Mẫn Thị Duyên (vợ Thúy), Mẫn Đức Phương (em ruột Duyên), Nguyễn Văn Hoành (em ruột Thúy), Nguyễn Anh Chiều và Nguyễn Trường Sơn (cùng là con rể Duyên) bị đề nghị truy tố về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”.
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXHVN), đơn vị tổ chức cho “cậu Thủy” thực hiện bốn cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, cất bốc gần 100 bộ hài cốt không phải của liệt sĩ cần tìm, gây thiệt hại 7 tỉ đồng, được cơ quan điều tra xác định là nạn nhân.
Màn kịch dựng sẵn
Theo kết luận điều tra, toàn bộ các cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của bị can Thúy đều theo một kịch bản dựng sẵn. NHCSXHVN và bị can Thúy bắt đầu phối hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ từ cuối năm 2012. Giá mỗi bộ hài cốt tìm được NHCSXHVN trả cho Thúy 75 triệu đồng.
Ba đợt đầu, Thúy cũng dùng kịch bản như trên để cất bốc hàng chục bộ hài cốt liệt sĩ tại Bình Phước, Đắk Lắk.
Đến đợt thứ tư, khi Thúy dẫn hơn mười cán bộ của NHCSXHVN về cất bốc chín bộ hài cốt liệt sĩ tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị) thì bị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phát hiện làm giả. Ngày 28-10-2013, Thúy bị Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.
Kết luận điều tra cho biết bị can Thúy có khả năng “áp vong”, “nhập vong”, “dẫn vong”. Người bị “nhập vong” trong phần lớn cuộc tìm hài cốt là cô Hải Anh - cán bộ NHCSXHVN, làm cho cô này rơi vào trạng thái vô thức, để Duyên (vợ Thúy) đi sau lưng đẩy “vong” đến các vị trí đã chôn sẵn hài cốt.
Quá trình điều tra chưa phát hiện cán bộ nào của NHCSXHVN thông đồng với bị can Thúy. Tuy nhiên, NHCSXHVN đã “cả tin thiếu tìm hiểu nhân thân các bị can Thúy, Duyên”, vì vậy cần phải rút kinh nghiệm.
Màn kịch lừa đảo
Ông Lê Bảo Vân, trưởng Phòng kiểm sát điều tra xét xử án trị an - an ninh của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị, cho biết ông là người trực tiếp giám sát quá trình điều tra vụ án này.
Giải thích về việc cơ quan điều tra vừa xác định bị can Nguyễn Thanh Thúy dựng màn kịch để lừa đảo, nhưng lại cho rằng bị can này có khả năng “nhập vong”, “áp vong”, ông Vân nói lời khai của Thúy cho thấy người này có khả năng làm người khác rơi vào trạng thái vô thức và điều khiển theo ý mình.
Phóng viên hỏi ông Vân có thực nghiệm hiện trường để chứng minh khả năng “áp vong” này không, ông Vân nói ông từng đề nghị điều này trong một lần giám sát điều tra nhưng bị can Thúy nói trước đây mình có khả năng đó, nhưng giờ hết rồi.
Trả lời về nghi vấn có sự hợp tác giữa Thúy và các cán bộ, nhân viên của NHCSXHVN, cụ thể là nữ nhân viên tên Hải Anh thường bị “cậu Thủy” “áp vong”, “dẫn vong” trong những lần tìm kiếm hài cốt liệt sĩ giả, ông Vân nói cơ quan điều tra đã triệu tập bà này lên làm việc. Bà Hải Anh khai rằng lúc đó bà bị rơi vào trạng thái vô thức và không biết mình làm gì.
“Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng chứng minh hành vi phạm tội của phía NHCSXHVN nên chúng tôi chưa đề nghị truy tố”, ông Vân nói.
Sau khi có kết luận điều tra, chúng tôi đã liên lạc với đại tá Nguyễn Huỳnh Đường, phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, người trực tiếp điều tra vụ án này. Đại tá Đường nói mọi việc đã thể hiện rõ trong bản kết luận điều tra và không giải thích gì thêm.
Tại cuộc làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị ngày 2-8-2013, Ngân hàng CSXHVN giới thiệu nhân chứng tên Đinh Công Hiệp (người đứng nói) là người đã mai táng liệt sĩ. Nhưng sau đó công an xác định là nhân chứng giả. |
“NHCSXH không thể vô can!”
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi có kết luận điều tra, đại tá Trần Minh Thanh, chính ủy Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị (BCHQSQT), đã khẳng định như thế.
Đại tá Thanh là người có mặt tại hiện trường và trực tiếp giám sát toàn bộ cuộc khai quật chín bộ hài cốt liệt sĩ tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị) mà “cậu Thủy” và một nhóm cán bộ của NHCSXHVN thực hiện vào ngày 25-7-2013.
Ông Thanh khẳng định nếu không có sự tổ chức bài bản của NHCSXHVN thì ông Thúy không thể thực hiện được việc lừa đảo tày trời này. Diễn biến tại hiện trường cho thấy những hành động “bất thường” của các cán bộ NHCSXHVN.
Bà Hải Anh, nhân viên ngân hàng này, được cho là bị “vong nhập”, mắt nhắm nghiền, trạng thái lờ đờ, khóc lóc, rồi chắp tay cầm hương bước đi lững thững với sự hỗ trợ của hai cán bộ ngân hàng dìu hai bên, đi đến vị trí các phần mộ đã được “cậu Thủy” làm sẵn.
Khi BCHQS Quảng Trị quyết định trực tiếp thực hiện việc cất bốc thì người của NHCSXH ngăn cản và đòi được trực tiếp cất bốc.
Hình ảnh do cán bộ của BCHQS Quảng Trị quay được tại hiện trường cho thấy rõ hình ảnh “cậu Thủy” sau khi “soi” xong vị trí phần mộ liệt sĩ Nguyễn Như Hổ, đã được một cán bộ NHCSXHVN chủ động dẫn qua soi tiếp phần mộ liệt sĩ Tạ Văn Tín như đã biết trước.
Băng ghi hình ghi rõ cán bộ này nói:
“Liệt sĩ Tạ Văn Tín bên này cậu ơi”. “Nếu Thúy đã xác định là đóng kịch để lừa đảo thì chuyện áp vong cũng là giả mà thôi. Và những hài cốt đã được xác định không phải của liệt sĩ hi sinh tại đây thì làm gì có vong để mà bị nhập. Vậy tại sao cán bộ NHCSXHVN lại nói là bị nhập vong?”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết thêm đến ngày 1-8-2013, tức một tuần sau khi sự việc bị phát hiện, ngân hàng này đã cử một đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc, vào làm việc với BCHQS tỉnh Quảng Trị.
Tại buổi làm việc này, ông Lý cùng các cán bộ của đoàn này yêu cầu BCHQS Quảng Trị phải công nhận chín bộ hài cốt vừa cất bốc là hài cốt liệt sĩ, đồng thời cương quyết không cho đưa hài cốt đi giám định ADN. NHCSXHVN còn mang theo nhân chứng tên là Đinh Công Hiệp, được giới thiệu là đã tự tay khắc tên liệt sĩ Hoàng Văn Thành lên chiếc biđông để chôn cùng.
Tuy nhiên, kết quả giám định của cơ quan điều tra cho biết những chữ khắc trên chiếc biđông này là làm giả. “Vì sao trước những chứng cứ làm giả rõ ràng vậy mà phía NHCSXH vẫn kiên quyết bảo vệ ông Thúy? Vì sao ngân hàng này lại phải dựng lên nhân chứng giả?”, ông Thanh thắc mắc.