Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", Ngô Thì Nhậm còn còn tên gọi khác là Ngô Thời Nhiệm, tên chữ là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên. Ông là một danh sĩ, nhà văn đời Hậu Lê và thời Tây Sơn, đồng thời ông cũng là người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân xâm lược Mãn Thanh. Ông xuất thân trong gia đình vọng tộc và là con của Ngô Thì Sĩ, người làng Tả Thanh Oai (nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội).
Từ nhỏ, Ngô Thì Nhậm là người thông minh, học giỏi, sớm có những công trình về lịch sử. Ông thi đỗ giải nguyên năm 1768, rồi tiến sĩ tam giáp năm 1775. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm quan ở bộ Hộ dưới triều Lê - Trịnh, được chúa Trịnh Sâm rất quý mến. Năm 1778, ông được bổ làm Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên. Khi đó cha ông làm Đốc đồng Lạng Sơn. Cha con đồng triều, nổi tiếng văn chương trong thiên hạ.
Sau vụ án năm Canh Tý (1780), ông bị nghi ngờ là người tố giác Trịnh Khải nên phải bỏ trốn về quê vợ ở Thái Bình lánh nạn. Năm 1788, Ngô Thì Nhậm và một số thân sĩ Bắc Hà khác như Phan Huy Ích, Bùi Dương Lịch cũng đã lần lượt ra làm quan cho nhà Tây Sơn. Sử cũ có đoạn viết rằng khi được Ngô Thì Nhậm về đầu quân, Nguyễn Huệ đã rất mừng mà nói rằng "Thật là trời để dành ông cho ta vậy" và phong cho ông chức Tả thị lang bộ Lại, sau lại thăng làm Thượng thư bộ Lại, chức vụ cao nhất trong Lục bộ.
Thời Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm là nhà ngoại giao tài ba và được vua Quang Trung tin tưởng ủy nhiệm thực hiện việc giao thiệp với nhà Thanh ở Trung Quốc. Ông đã đem hết tài năng của mình vào việc ngoại giao với triều đình nhà Thanh nhằm giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia. Việc đầu tiên sau chiến thắng Kỷ Dậu (1789) mà vua Quang Trung quan tâm là ngăn chặn ý chí báo thù của nhà Thanh. Bởi nước Đại Việt nhỏ, tiềm lực không nhiều nếu quân Thanh lại tiếp tục sang đánh ngay thì nhân dân vốn đã lầm than, khốn khổ trong mấy trăm năm nội chiến sẽ lại càng điêu linh.
Do đó, vua Quang Trung chủ trương dùng lời lẽ mềm mỏng để ngăn chặn ý chí đó của nhà Thanh. Nhiệm vụ này được giao cho Ngô Thì Nhậm và ông đã hoàn thành xuất sắc với những lời lẽ mềm mỏng mà kiên quyết trong tất cả các thư từ giao thiệp với nhà Thanh.
Trong cuốn sách "Các sứ thần Việt Nam" của Phạm Trường Khang cho biết, khi thư từ qua lại với Thang Hùng Nghiệp (một đầu mối ngoại giao của triều Thanh với nhà Tây Sơn), Ngô Thì Nhậm đã có lời lẽ mềm mỏng nhưng cũng không kém phần cương quyết. Vào thời đó có tin rằng vua Càn Long cử Phúc Khang An làm Tổng đốc Lưỡng Quảng và điều cho 50 vạn quân để ứng phó ở biên giới.
Trong bức thư gửi Thang Hùng Nghiệp, Ngô Thì Nhậm đã nói rằng: Nay quân đội cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông; binh lính quý ở chỗ tinh nhuệ, không quý ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng ở chỗ vô cùng mềm dẻo chứ không phải ỷ mạnh lấn yếu, lấy đông hiếp ít đâu. Nếu tình hình trên không được bày tỏ, thiên triều không khoan dung, muốn động binh chinh chiến thì nước nhỏ tôi cũng đành nhờ trời mà thôi.
Cũng có khi Ngô Thì Nhậm tỏ ra rất cương quyết, cứng rắn với triều Thanh. Cụ thể là trong tờ biểu viết thay vua Quang Trung để cầu phong vương, Ngô Thì Nhậm nói thẳng với Thang Hùng Nghiệp rằng nếu Thanh triều muốn làm một cuộc phiêu lưu quân sự khác thì sự thể chưa biết thế nào. Và ông đã viết: Còn nếu chiến tranh kéo dài, tình thế có đến nỗi nào thì thật không phải do thần muốn mà thần cũng không dám nói trước rồi tình thế sẽ đi đến đâu.
Chưa hết, có lần Ngô Thì Nhậm còn viết thẳng những lời thể hiện rõ bản lĩnh Đại Việt và điều này đã khiến Thang Hùng Nghiệp phải sợ hãi mà lên tiếng: Nay không phải là lúc hai nước đánh nhau sao lại phải hành sự toàn là giọng giận dữ. Nói như thế là để cầu phong vương hay muốn gây hấn can qua chăng? Chính lời nói trên đây của Thang Hùng Nghiệp cho thấy nhà Thanh từ chỗ muốn đánh báo thù đã phải xuống thang trước thái độ cứng rắn của nhà Tây Sơn qua những tờ biểu do Ngô Thì Nhậm soạn.
Ngô Thì Nhậm là một nhà ngoại giao có những đóng góp cực kỳ quan trọng đối với triều đại Tây Sơn. Sau thất bại thảm hại ở trận Ngọc Hồi - Đống Đa, triều đình Mãn Thanh đã nuôi mộng báo thù nhà Tây Sơn. Đoán trước được mưu đồ của giặc, vua Quang Trung đã chuẩn bị cho một kế hoạch ngoại giao nhằm tránh cho nước nhà một cuộc binh đao, khói lửa. Người được vua Quang Trung chọn để thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên chính là Ngô Thì Nhậm.
Tại Biện Sơn, trước các văn thần võ tướng, vua Quang Trung khẳng định: "Đến lúc ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới mong dập tắt được binh đao, nếu chẳng phải là Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được". Và quả nhiên, đúng như Quang Trung tin tưởng, Ngô Thì Nhậm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngoại giao với triều đình Mãn Thanh. Bằng tài khéo léo, uyển chuyển của mình, Ngô Thì Nhậm đã buộc triều đình Mãn Thanh phải từ bỏ mưu đồ báo thù, công nhận triều đại do Quang Trung đứng đầu và công nhận nền độc lập, tự chủ của Đại Việt.
202 năm đã trôi qua kể từ ngày Ngô Thì Nhậm qua đời, thế nhưng công lao, sự nghiệp của ông không chỉ được lịch sử ghi nhận mà còn in đậm trong trái tim, khối óc của nhân dân. Về sự nghiệp của Ngô Thì Nhậm, cố Tổng bí thư Trường Chinh đã xếp ông vào hàng ngũ những thiên tài mãi mãi là những ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam, làm vẻ vang cho giống nòi. Và điều đọng lại sau giai thoại này là người thời nay suy nghĩ và hành động như thế nào để xứng đáng là hậu nhân của Ngô Thì Nhậm.