"Lúc chiếc kim cố định trong miệng con biến mất, các bạn cùng lớp đều khen ngợi, gọi con là ảo thuật gia. Thực ra là con nuốt chúng vào bụng rồi", cậu bé Lạc Lạc (tên giả), 10 tuổi, phấn khích trở về nhà khoe với bố mẹ.
Nghe xong lời trần thuật của con trai, mẹ Lạc Lạc vội vã đưa cậu bé đến bệnh viện. Tại đây, sau khi chụp phim X-quang, các bác sĩ phát hiện phần bụng của Lạc Lạc có 4 "vật thể lạ" giống như kim tiêm.
Những cây kim này đi vào ruột non, qua đường tiêu hóa và đang di chuyển về phía ruột già. Ảnh: Theuntamed |
Lạc Lạc, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Nhi, Đại học Chiết Giang để điều trị. "Chúng tôi từng gặp một bệnh nhân tương tự, chiếc kim mắc kẹt ở vùng hồi tràng (nơi tiếp giáp của ruột già và ruột non). Người này sau đó phải trải qua một cuộc phẫu thuật. Trong trường hợp của Lạc Lạc, chiếc kim cố định vải có phần đầu tròn, vẫn có khả năng tự đào thải ra ngoài khi phần đầu tròn quay xuống", bác sĩ Cao Chí Cương, trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Nhi Đại học Chiết Giang cho biết.
Ông Cao cũng nhận định Lạc Lạc không bị viêm phúc mạc hay thủng ruột nên trước tiên sẽ thận trọng điều trị, đồng thời chuẩn bị phương án ứng cứu. Trong thời gian cậu bé nằm viện, ông Cao đề nghị Lạc Lạc ăn thêm tỏi tây để thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, giúp những chiếc kim cố định vải có thể ra ngoài theo cách tự nhiên. Đến ngày thứ 5, 4 chiếc kim đều thuận lợi ra ngoài.
"Cậu bé thực sự đã làm "ảo thuật" đấy. Cây kim vào bụng rồi đi qua đường tiêu hóa, dạ dày, tá tràng và ruột non, sau đó trôi qua vùng hồi tràng đến ruột già cho đến khi được thải ra ngoài", ông Cao cho hay, "Trẻ em không nên bắt chước hành động này".
Bác sĩ khuyến cáo trẻ em không nên bắt chước hành động của Lạc Lạc. Ảnh: The Paper |
Ông cũng thông tin, một số trường hợp trẻ em nuốt phải dị vật như đồng xu, kẹp cà vạt, tăm xỉa răng,... đều phải thực hiện phẫu thuật để gắp dị vật ra.
"Nếu trẻ em nuốt phải dị vật, không nên tự ý quyết định, bởi rất có thể chúng sẽ mắc vào các cơ quan quan trọng, gây nhiễm trùng hoặc nguy hiểm hơn nữa", bác sĩ Cao nói. "Đầu năm nay, chỉ trong 8 ngày, khoa Tai - Mũi - Họng tại bệnh viện chúng tôi thực hiện tới 16 ca phẫu thuật lấy dị vật khí quản".
Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Đại học Chiết Giang khuyến cáo, tốt nhất không nên cho trẻ dưới 4 tuổi ăn các loại hạt cứng, trong lúc cho trẻ ăn cũng không nên trêu đùa con nhỏ, tránh việc thức ăn đi vào khí đạo.
Cách sơ cứu người hóc dị vật.Video: VnExpress