Cậu bé chăn bò nhận hai học bổng quốc tế

Cùng lúc nhận được học bổng của 2 chính phủ sau khi thi vào 2 trường ĐH danh tiếng thế giới, Võ Văn Huy khiến nhiều người thán phục.

Ngày 12/9 tới, Võ Văn Huy (ngụ xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) sẽ lên đường sang kinh đô ánh sáng để nhập học ở Trường ĐH Bách khoa Paris sau khi nhận được học bổng Eiffel của chính phủ Pháp. Trước đó, Huy đã phải viết thư xin lỗi và từ chối đến Trường ĐH Quốc gia Singapore khi cùng lúc cũng nhận được học bổng ASEAN của chính phủ nước này.
Lắm ngã rẽ bất ngờ
Nhiều người dân Phú Yên vẫn quen gọi Huy với cái tên mộc mạc “cậu bé chăn bò” bởi khi còn là học sinh, thời gian ôn bài của Huy trong lúc chăn bò nhiều hơn trên bàn học. Nhiều người đã biết đến thành tích học tập đáng nể của Huy nhưng những ngã rẽ bất ngờ của chàng sinh viên có dáng người nhỏ nhắn này lại khiến người ta vừa ngỡ ngàng vừa thán phục.
Cau be chan bo nhan hai hoc bong quoc te
 “Cậu bé chăn bò” tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để ôn bài, đọc sách.
Ngã rẽ đầu tiên là khi Huy bước vào lớp 10. Năm ấy, Huy thi vào lớp chuyên toán Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh và nằm trong tốp 5 đỗ đầu. Họ hàng, thầy cô, bè bạn nơi Huy học THCS chưa kịp mừng vì một học sinh trường quê đậu vào trường chuyên, thầy cô Trường Lương Văn Chánh còn đang kỳ vọng về một “cây toán” sẽ làm rạng danh cho trường mình thì bất ngờ Huy rút hồ sơ xin về lại Trường THPT Lê Hồng Phong gần nhà.
“Lúc ấy em cũng phân vân lắm nhưng nghĩ hoàn cảnh khó khăn, mẹ bệnh, em gái út lại bị tật ở chân, không ai cõng đến trường nên đành chấp nhận học gần nhà để giúp đỡ gia đình” - Huy giải thích. Những ngày ấy, Huy như một lao động chính trong gia đình. Cha làm thợ hồ hằng ngày vắng nhà, Huy vừa học vừa đưa đón em đến trường, vừa chăm lo đàn bò vừa giúp mẹ bóc vỏ hạt điều thuê để kiếm tiền.
Lịch học và làm việc của Huy luôn được xếp kín, thời gian ôn bài chỉ gói gọn trong lúc chăn bò và từ 3h30 đến 5h30 hằng ngày. “Huy xếp lịch hay lắm. 6h45 trống vào lớp thì y như rằng ngay lúc ấy Huy có mặt, không muộn và cũng chẳng bao giờ sớm hơn 1 phút” - Hồ Lê Trúc Linh, một học sinh cũ cùng lớp 12A1 của Huy ở Trường THPT Lê Hồng Phong nhớ lại.
Cuối năm học lớp 12, Huy được chọn vào đội tuyển toán quốc gia chuẩn bị thi Olympic toán quốc tế năm 2011. Lần đầu tiên tỉnh Phú Yên có học sinh được chọn vào đội tuyển dự thi Olympic quốc tế nhưng gần đến ngày triệu tập, Huy cho biết có thể sẽ không tham gia vì… gia đình không có tiền và nếu đi ở nhà không ai chăm sóc cô em tật nguyền. Sau đó, Huy cũng đến được đội tuyển toán nhờ sự giúp đỡ của nhiều người và lời hứa của cha sẽ sắp xếp công việc để đưa đón cô em gái.
Một trong những ngã rẽ bất ngờ nhất của Huy là vào năm 2012. Sau khi đoạt huy chương đồng Olympic toán quốc tế, Huy được tuyển thẳng vào 1 trong 2 trường: ĐH Ngoại thương và ĐH Y Dược TP HCM. Huy chọn Trường ĐH Y Dược TP HCM theo lời khuyên của cha. Nhưng chưa đến 3 tháng sau, Huy điện thoại về nhà thông báo: “Dường như học y dược không phù hợp với con lắm”.
Gia đình động viên, Huy cũng ráng theo hết năm học. Sau đó, Huy bất ngờ về nhà xin cha cho thi lại vào Trường ĐH Bách khoa TP HCM khi chỉ còn nửa tháng nữa là đến kỳ thi. “Em chỉ ôn thi mấy ngày, trong khi kiến thức cũ sau một năm cũng quên đi ít nhiều. May mà đề thi không quá khó” - Huy nhớ lại. Vậy mà năm ấy, Huy đậu thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP HCM với 29 điểm cho 3 môn.
Và bây giờ, Huy lại tạo bất ngờ khi nhận được học bổng toàn phần của 2 chính phủ ở 2 trường ĐH danh giá trên thế giới. “Nếu như Trường ĐH Bách khoa Paris thi tuyển rất căng các môn khoa học thì Trường ĐH Quốc gia Singapore lại rất khó ở môn tiếng Anh. Muốn có học bổng trường này, điều kiện cần là phải có bằng IELTS 6.5 trở lên, trong khi vốn tiếng Anh của em ở phổ thông dường như không có gì, đến năm học ĐH đầu tiên mới có bằng IELTS 7.0” - Huy so sánh.
Về 2 năm học ở Trường ĐH Bách khoa TP HCM với điểm số trung bình rất cao (trên 9,3), Huy cho rằng mình không hề bỏ phí. “Để học Trường ĐH Bách khoa Paris, sinh viên Pháp phải học 2 năm dự bị, còn sinh viên các nước phải qua 2 năm học ở các trường ĐH khoa học kỹ thuật” - Huy cho biết.
Từ chối cả Tập đoàn Dầu khí
Trở lại gia đình Võ Văn Huy sau 2 năm, chúng tôi vẫn không thấy gì thay đổi. Vẫn còn đó căn nhà nhỏ với mái tôn thấp nóng hâm hấp. Tranh thủ những ngày còn ở gần gia đình, Huy lại xắn tay áo làm những công việc quen thuộc như quét dọn vườn tược, chăm sóc đàn bò và đưa đón em gái đến trường.
Cau be chan bo nhan hai hoc bong quoc te-Hinh-2
Võ Văn Huy đưa đón người em út bị tật nguyền đến trường.
Ông Võ Văn Mười, cha Huy, vừa làm thợ hồ về hổn hển với chiếc xe đạp. Nhắc đến chuyện học hành của con trai, giọng ông vừa tự hào vừa như trách yêu: “Tui chạy theo chuyện học của thằng Huy mà… đuối!”. Ông cho biết khi Huy quyết định bỏ ngang 1 năm học ở Trường ĐH Y Dược TP HCM để thi lại, ông thật sự không muốn. “Học y dược dễ xin việc, vả lại học hết một năm rồi, tốn tiền lắm nhưng Huy không thích thì làm sao bắt nó học được nên gia đình cũng phải tôn trọng quyết định của con” - ông giải thích.
Khi Huy đậu thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP HCM, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã quyết định cấp học bổng toàn phần cho em sang Nga học với điều kiện sau khi tốt nghiệp Huy phải công tác ở tập đoàn này ít nhất 5 năm. Với một sinh viên bình thường, đó là một cơ hội đáng mơ ước - vừa được du học vừa có sẵn nơi làm việc “ngon lành” sau khi ra trường - nhưng Huy lại xin cha mẹ cho phép được từ chối. “Huy bảo thà làm gia sư để có tiền học chứ như thế thì quá ràng buộc. Thôi thì gia đình cũng phải tôn trọng ý kiến của con chứ biết làm sao” - ông Mười phân bua. Năm 2014, Huy nhận làm gia sư ôn thi ĐH 2 môn toán, hóa cho 2 học sinh TP HCM và cả 2 đều đã đậu vào Trường ĐH Y Dược TP.
Khi Huy cùng lúc nhận 2 học bổng và phải quyết định chọn một trường để học, gia đình dù hết sức vui mừng nhưng cũng phân vân. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, mẹ Huy, không khỏi lo lắng vì con trai lại chọn trường xa ở Pháp để học. “Ngoài học bổng nghe đâu 1.100 euro/tháng và được miễn học phí, cả khóa trường chỉ lo cho một chuyến bay về Việt Nam. Tiền vé máy bay cao lắm, đến hơn 30 triệu đồng, lỡ gia đình có chuyện gì thì làm sao về?…” - người mẹ chân quê băn khoăn.
Nhất định về lại Việt Nam
Võ Văn Huy cho biết trong 3 năm học ở Trường ĐH Y Dược và Trường ĐH Bách khoa TP HCM, phần lớn chi phí đều từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Họ đã giúp đỡ khi Huy thi Olympic toán quốc tế, đoạt huy chương đồng cũng như lúc đậu thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP HCM. “Em đã quyết tâm rồi, học xong ĐH Bách khoa Paris, em sẽ tìm việc làm bên Pháp để học thêm 3-4 năm nữa. Khi có đủ kinh nghiệm, em nhất định sẽ về Việt Nam làm việc. Em không muốn phụ lòng những người đã giúp đỡ mình thời gian qua” - Huy tâm sự.
Cau be chan bo nhan hai hoc bong quoc te-Hinh-3
Huy tìm hiểu về nơi chuẩn bị theo học - Trường ĐH Bách khoa Paris.
Thầy Huỳnh Tấn Châu - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, người từng gắn bó với Huy trong thời gian bồi dưỡng thi học sinh giỏi quốc gia - tự hào: “Sẽ khó tìm một học sinh nào như Huy. Đó là một hạt giống tốt, không mối mọt, gieo ở đâu cũng sẽ lên xanh. Nếu được gieo trong môi trường tốt thì hạt giống ấy sẽ cho hiệu quả phải biết!”.

“Hot boy” Hải Dương vượt khó xây ước mơ lớn

(Kiến Thức) - Cậu bé 8 tuổi ngày nào thay cha gánh vác việc nhà khi mẹ ngã bệnh, nay đã khôn lớn và đang tạo lập sự nghiệp theo đúng đam mê của mình.

Tuổi thơ đầy sóng gió

Một cậu bé lam lũ, vất vả từ khi còn học tiểu học, phấn đấu thi đỗ hai trường đại học, vừa làm vừa học, và hiện là chàng ca sĩ trẻ đầy tiềm năng, có thể tự mở được một phòng thu riêng. 

Câu chuyện về anh chàng Nguyễn Hoài Thanh khiến nhiều bạn bè khâm phục bởi ý chí và tài năng của một người trẻ tuổi, có khát vọng lớn.

Chàng ca sĩ trẻ bảnh bao chọn dòng nhạc Cách mạng, nhạc chính thống để theo đuổi.
Chàng ca sĩ trẻ bảnh bao chọn dòng nhạc Cách mạng, nhạc chính thống để theo đuổi. 

Nhìn anh chàng này, không ai có thể hình dung ra tuổi thơ vất vả và quá trình đi lên đầy chông gai để có được những cái tạm gọi là thành quả của ngày hôm nay.

Nguyễn Hoài Thanh sinh năm 1991 tại Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương trong một gia đình thuần nông. Ngay từ bé, Hoài Thanh đã nếm trải những khó khăn, vất vả cùng gia đình.

Học lớp 3, Hoài Thanh đã phải thay bố gánh vác việc nhà khi mẹ ốm đau, bệnh tật và chăm em còn nhỏ: “Năm học lớp 3, mẹ mình bệnh nặng lắm, bố lại đi làm ăn xa. Khi đó, mỗi mình mình là lớn nhất nên phải đứng ra làm tất cả mọi việc", Thanh chia sẻ. 

Vượt khó xây ước mơ lớn

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, cậu bé Thanh sớm quen với những thiếu thốn, vất vả nặng nhọc. Cũng do đó, Thanh học cách sống tự lập khá sớm. Có lẽ cậu bé Hoài Thanh cũng cứng cáp dần từ những gian nan đó của cuộc sống.  

Là người con ngoan hiền, chịu thương chịu khó, ham học nên bước vào kỳ khi thi ĐH, Hoài Thanh đã trúng tuyển vào trường Học viện Kỹ thuật quân sự. 

Tuy nhiên, một biến cố lớn đã ập đến với gia đình. Khi Hoài Thanh bước sang năm học thứ 2 đại học, thì bố bị tai nạn nghiêm trọng. Lúc này Thanh buộc phải chọn lựa giữa đi học hoặc đi làm kiếm tiền đỡ đần mẹ.

Dang dở giấc mơ khoác tấm áo lính, chàng sinh viên năm hai lao vào cuộc sống, kiếm tiền, cùng mẹ, chăm lo cho bố và em út. 

“Rời giảng đường của Học viện Kỹ thuật Quân sự mình cũng làm đủ nghề, từ phát tờ rơi, nhân viên bán hàng, rồi làm bồi bàn ở quán cà phê…  nhưng vẫn khát khao ngày nào đó sẽ lại được đứng trên giảng đường đại học”, Hoài Thanh chia sẻ.

Thanh cho biết thêm, bước chuyển lớn nhất của cuộc đời cậu là cuộc gặp gỡ với một nghệ sĩ chuyên hát nhạc Cách mạng: “Vốn đã thích ca hát nên khi có thể tự lo các chi phí học tập mình quyết định thi vào trường Học viện Âm nhạc Quốc gia”.  

Ngoài thời gian đi học, đi làm, Hoài Thanh dành nhiều thời gian đi biểu diễn để nâng cao kinh nghiệm cũng như trải nghiệm cuộc sống. Với ước mơ cháy bỏng từ bé là được làm một công việc liên quan đến quân đội, chàng ca sĩ này chọn dòng nhạc Cách mạng, nhạc chính thống để theo đuổi. 

Có một điều đặc biệt, hiện nay Hoài Thanh đang cống hiến rất nhiều cho âm nhạc Phật giáo bởi cái duyên gắn với các hoạt động từ thiện cùng các chùa ở Hà Nội.

“Cuộc sống của mình cũng vất vả nhưng bên cạnh còn nhiều hoàn cảnh vất vả hơn nên mình thường xuyên tham gia biểu diễn gây quỹ từ thiện, cũng như đến tận nơi để quyên góp ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhớ nhất, năm 2012, tận 28 Tết rồi vẫn cùng CLB Tâm Phúc về trao quà cho các bệnh nhân phong ở Khu điều trị Phong da liễu Văn Môn, Vũ Thư, Thái Bình”.

Trong cái “cơ ngơi” mới gây dựng của mình, Hoài Thanh đang hăng say, miệt mài với niềm đam mê ca hát của mình.
 Trong cái “cơ ngơi” mới gây dựng của mình, Hoài Thanh đang hăng say, miệt mài với niềm đam mê ca hát của mình. 

"Cơ ngơi" cho riêng mình

Để thỏa mãn niềm đam mê ca hát của mình và các bạn trẻ, anh chàng này còn tự mở một phòng thu và bước đầu mang lại thu nhập.

Hoài Thanh tâm đắc chia sẻ về “cơ ngơi” của mình: “Được hát, được mọi người đón nhận để sống hết mình với đam mê là điều tuyệt vời nhất. HTStudio mình mở ra một phần là phục vụ chính mình, một phần là phục vụ các bạn yêu ca hát, muốn thử mình với âm nhạc.

Năm 2013, Hoài Thanh đã đạt được thành tích bước đầu trong nghiệp ca hát của mình khi tham gia giải Sao Mai và lọt vào vòng chung kết Sao Mai Hải Dương. Tất cả mọi thứ vẫn còn phía trước, tin rằng, chàng ca sĩ trẻ Hoài Thanh đã đi lên từ những khó khăn thì nhất định sẽ có chỗ đứng xứng đáng bằng chính sức lực của mình.  

Chị em song sinh 16 tuổi học giỏi, đa tài

Học giỏi, đa tài, nói tiếng Anh như gió, hai chị em song sinh 16 tuổi Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc và Nguyễn Hoàng Bảo Uyên là cặp đôi gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè.

Mới học lớp 10, nhưng hai chị em đã có rất nhiều thành tích về học tập cũng như những hoạt động ngoại khóa.

Chi em song sinh 16 tuoi hoc gioi, da tai
  Cặp song sinh gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè. 

Nhắc đến Nguyễn Hoàng Bảo Uyên (lớp 10 Nga Trường THPT Hà Nội - Amsterdam) chắc hẳn không ít bạn trẻ không biết đến với những thành tích đáng nể.

Cô là thủ khoa xuất sắc khối Nga niên khóa 2013 – 2016. Không những thế, Uyên còn đạt giải nhất cuộc thi tranh biện quốc tế cùng 2 thí sinh khác được tổ chức tại Ailen.

Ngoài ra, Uyên còn là thành viên tích cực của Y2D – Tổ chức dành cho những bạn trẻ học hỏi những kĩ năng mềm.

Chi em song sinh 16 tuoi hoc gioi, da tai-Hinh-2
 Nguyễn Hoàng Bảo Quyên có thành tích học tập đáng nể. 

Khác với cô em, Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc – lớp 10 Anh 2 THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội lại nổi bật với tài chơi piano, vẽ tranh và đặc biệt là bảng thành tích tiếng Anh.

Từ lớp 6, Bảo Ngọc đã đạt giải nhất Học sinh Giỏi tiếng Anh Khối 6 THCS ĐoànThị Điểm. Đặc biệt, năm học 2012 – 2013, Ngọc đạt giải khuyến khích HSG tiếng Anh cấp thành phố.

Chi em song sinh 16 tuoi hoc gioi, da tai-Hinh-3
Hai chị em vốn rất tình cảm từ ngày còn nhỏ.
Chia sẻ về cảm xúc khi có một người em sinh đôi, Bảo Ngọc nói: Ngày bé hai chị em thường mặc đồ giống nhau, thích làm những việc giống nhau, thậm chí cả ăn và ốm cũng giống nhau.
Lên THPT, mỗi người học một trường nhưng vẫn thường xuyên tâm sự, chia sẻ với nhau. Cảm giác khi có một người em giống mình về ngoại hình rất thú vị và không bao giờ cảm thấy cô đơn.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học và đặc biệt rất giỏi Ngoại ngữ. Bảo Uyên và Bảo Ngọc đã sớm ý thức được việc học. Ngoài ra, cặp song sinh này còn là những cô gái cá tính, năng động và tích cực tham gia những CLB phát triển năng khiếu.
Chi em song sinh 16 tuoi hoc gioi, da tai-Hinh-4
Và khi lớn lên vẫn thường đi chung với nhau trong những sự kiện quan trọng. 

Mặc dù giống nhau về ngoại hình nhưng tính cách của hai chị em cũng có điểm khác biệt. Bảo Ngọc phá cách, hoạt ngôn và có niềm đam mê hùng biện, tranh luận. Cũng vì lẽ đó, cô mơ ước trở thành nhà báo giỏi để tiếng nói của mình chạm đến trái tim của cộng đồng.

Ngược lại, Bảo Uyên vẫn có nét chín chắn hơn của một người chị, cô thường tìm niềm vui trong âm nhạc và hội họa. Theo cô, mỗi tiếng đàn ngân vang với âm thanh lúc trầm lúc bổng sẽ thay lời muốn nói với mọi người.

Tin mới