Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Tùng Lâm (SN 1988, trú tại số 29/44 Quang Trung, phường Quang Trung, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), là cán bộ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) về hành vi “làm giả giấy tờ cơ quan tổ chức”.
Cán bộ CDC này đang bị điều tra do tự làm giả chữ ký của lãnh đạo, đóng dấu cấp giấy xét nghiệm gần 40 trường hợp, thu lời bất chính gần 10 triệu đồng.
Nguyễn Tùng Lâm và phiếu trả kết quả xét nghiệm giả. |
Giám đốc CDC Hải Dương cũng phải có trách nhiệm
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Văn Hòa cho rằng, theo quy định, người đứng đầu không để xảy ra tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong cơ quan, đơn vị. Nếu có cán bộ thuộc quyền vi phạm, người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về công tác quản lý cán bộ.
“Quy định rất rõ ràng, rành mạch, cụ thể. Tuy nhiên, phải tùy trường hợp cụ thể, tùy theo điều kiện mỗi nơi, mỗi lúc mà xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Sự việc này không đáng, số tiền trục lợi cá nhân chỉ hơn 10 triệu đồng, cũng chỉ bằng hoặc hơn một tháng lương của cán bộ công chức, viên chức nhưng lại mang tiếng xấu, ảnh hưởng rất lớn cho CDC Hải Dương, ngành y tế địa phương. Hành vi này đã làm ảnh hưởng đến ngành y và phải xử lý” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Theo đại biểu Hòa, hành vi của cán bộ CDC Hải Dương giả chữ ký, cấp giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 rồi tuồn ra ngoài là hành vi rất nguy hiểm. Nếu người được cấp phiếu xét nghiệm ấy nếu mang mầm bệnh mà lây lan dịch bệnh càng nguy hiểm hơn.
“Dù có ý thức hay vô ý thức thì hành vi này cũng là tác nhân có thể gây lan truyền dịch bệnh cho người khác. Nếu người được cấp giấy mang mầm bệnh mà lọt qua chốt kiểm dịch thì sẽ rất nguy hiểm. Hành vi này cần được nghiêm trị thích đáng để phòng ngừa, răn đe những kẻ lợi dụng vị trí việc làm, có những hành vi vi phạm như thế” – ông Hòa bức xúc.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, với hành vi như vậy đương nhiên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và thực tế, Công an thị xã Quảng Yên đã kịp thời vào cuộc, xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Bản thân cán bộ này có tội hay không, sẽ được cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm.
“Người đứng đầu đơn vị ít nhất cũng cần phải có kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc quản lý, phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Trong tình hình dịch COVID-19 là quá khó khăn, quá cực khổ cho ngành y tế, đặc biệt CDC. Có thể thông cảm cho những người đứng đầu, có trách nhiệm ở cơ quan đơn vị này. Tuy nhiên, đây là một bài học rất thích đáng, cảnh tỉnh cho các nơi khác để làm sao trong quản lý cán bộ phải được làm chặt chẽ, nghiêm minh, giáo dục đạo đức lối sống, phong cách cho những người trong ngành y, không để xảy ra tình trạng sai phạm tương tự” – ông Phạm Văn Hòa cho biết.
Cán bộ CDC Hải Dương vi phạm bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV về hành vi của cán bộ CDC Hải Dương làm giả chữ ký lãnh đạo, đóng dấu cấp giấy xét nghiệm OVID-19, thu lời bất chính gần 10 triệu đồng, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu người có chức vụ quyền hạn mà giả mạo chữ ký, con dấu của cơ quan tổ chức sẽ bị xử lý hình sự về tội giả mạo trong công tác theo điều 359 bộ luật hình sự năm 2015.
Theo quy định tại điều 359 bộ luật hình sự năm 2015, người có chức vụ quyền hạn đã vì vụ lợi mà lợi dụng chức vụ quyền hạn làm phải cấp giấy tờ giả hoặc giả mạo chữ ký của người có chức vụ quyền hạn thì đây là hành vi giả mạo trong công tác. Với số lượng giấy tờ giả từ 11 giấy tờ trở lên thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có thể đến 20 năm tù.
Theo thông tin sự việc ở trên, cán bộ CDC Hải Dương Nguyễn Tùng Lâm đã vì vụ lợi mà giả mạo chữ ký của lãnh đạo, cấp ra phiếu xét nghiệm giả nên người này sẽ bị xử lý hình sự với khung cao nhất của tội danh trên.
Luật sư Cường cho rằng, phiếu xét nghiệm chỉ hợp lệ nếu như thực hiện đúng đầy đủ thủ tục và có chữ ký của người có thẩm quyền. Việc cấp giấy xét nghiệm mà giả mạo chữ ký của người có thẩm quyền, đây được xác định là giấy tờ giả và người làm giả giấy tờ tài liệu này mà là người có chức vụ quyền hạn thì sẽ bị xử lý hình sự về tội giả mạo trong công tác.
Nếu người làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức mà không có chức vụ quyền hạn sẽ bị xử lý hình sự theo điều 341 bộ luật hình sự về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức. Nếu có chức vụ quyền hạn thì sẽ xử lý theo điều 359 bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.
“Việc giả phiếu xét nghiệm COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính, mà còn ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch bệnh, có thể làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bởi vậy, hành vi xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như thế này cho thấy tính chất nghiêm trọng của sự việc nên cơ quan chức năng sẽ sớm xem xét và xử lý nghiêm minh đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Luật sư Cường cho rằng, đối với những người sử dụng giấy tờ tài liệu giả, nếu biết rõ đây là giấy tờ tài liệu giả nhưng vẫn sử dụng vào mục đích bất hợp pháp cũng sẽ bị xử lý hình sự theo điều 341 bộ luật hình sự năm 2015. Trường hợp những người này không biết rõ là giấy tờ giả sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vẫn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Tạm đình chỉ công tác cán bộ CDC Hải Dương
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Phúc Thiện, Phó Giám đốc CDC Hải Dương cho biết, Hội đồng Thi đua, khen thưởng của cơ quan này đã họp và quyết định tạm đình chỉ công tác với Nguyễn Tùng Lâm để phục vụ công tác điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Đồng thời đề xuất Sở Y tế chỉ đạo có hình thức kỷ luật phù hợp.
Theo ông Thiện, ngay sau khi nhận được thông báo của Công an thị xã Quảng Yên về trường hợp trung tâm có cán bộ làm giả giấy xét nghiệm SARS-CoV-2, đơn vị đã rà soát lại toàn bộ quy trình liên quan đến công tác xét nghiệm COVID-19 từ khâu lấy, bàn giao, ký nhận mẫu, lập ma trận mẫu, xét nghiệm và trả kết quả. Toàn bộ 5 giấy kết quả xét nghiệm Công an thị xã Quảng Yên cung cấp đều không có trong hệ thống xét nghiệm của trung tâm.
Phó Giám đốc CDC Hải Dương cho biết, việc làm sai trái của Nguyễn Tùng Lâm do bột phát cá nhân, không liên quan đến hệ thống xét nghiệm của đơn vị.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vạch trần chiêu bài đi “xe ké” để né chốt kiểm dịch, trốn cách ly COVID-19
Nguồn: Thanh Niên.