Chú rể Cao Mingbao và cô dâu Jiang Jinbo hôm 21/10 tổ chức hôn lễ ở một nghĩa trang thành phố An Sơn , tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc. Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, việc tham dự một đám tang được coi là điều tối kỵ đối với những cặp đôi mới cưới nhưng lý do nào khiến anh Cao và chị Jiang lại chọn nghĩa trang là nơi tổ chức hôn lễ. Phía sau sự lựa chọn đó thật sự là cả một câu chuyện cảm động.
Anh Cao Mingbao quỳ gối tặng hoa vợ trong ngày cưới của hai người tại nghĩa trang ở thành phố An Sơn. |
Anh Cao và chị Jiang đều là nhân viên của nghĩa trang trên và gắn bó với nhau nhiều năm trước khi quyết định kết hôn. Trong quãng thời gian yêu nhau, khi chú rể mắc bệnh hiểm nghèo, cô dâu đã ở bên chăm sóc anh. Họ tin rằng, nghĩa trang chính là địa điểm hoàn hảo để tổ chức đám cưới bởi với họ “chỉ có cái chết mới chia lìa đôi ta”.
Cuộc hôn nhân đầu tiên của anh Cao kết thúc cách đây nhiều năm khi người vợ đầu qua đời vì ung thư vú. Quyết định làm lại cuộc đời, anh đưa con gái 10 tuổi và mẹ ruột tới Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh láng giềng Hắc Long GIang, để bắt đầu cuộc sống mới.
Do một tai nạn ở nơi làm việc, anh Cao suýt bị mù hai mắt và tiêu tốn hàng chục nghìn nhân dân tệ cho việc điều trị. Sau khi sức khỏe hồi phục, anh gặp chị Jiang vào năm 2005. Một năm sau đó, điều không may lại xảy đến với người đàn ông này một lần nữa khi anh bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Anh phải dành phần lớn thời gian để điều trị bệnh.
Trước tình cảnh bất hạnh của người yêu, chị Jiang vẫn một lòng một dạ ở bên chăm sóc cho anh Cao không quản ngày đêm.
Cặp đôi đã cùng nhau trải qua sóng gió trong đời. |
Vào giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời anh Cao, chị Jiang không hề sợ hãi mà bỏ đi. Chị vẫn ở bên cạnh và chăm sóc cho người yêu suốt ngày đêm.
“Sự hỗ trợ không mệt mỏi của cô ấy có ý nghĩa rất lớn đối với tôi trong khoảng thời gian khó khăn nhất ấy. Tôi chỉ muốn dành cả phần đời còn lại của mình để khiến cô ấy hạnh phúc”, anh Cao tâm sự.
Năm 2017, anh Cao cùng mẹ và em gái bắt đầu làm việc tại nghĩa trang ở Liêu Ninh. Anh dần ổn định cuộc sống nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Cao sau đó chủ động đề nghị ông chủ sắp xếp cho người yêu một công việc.
Sau khi đón chị Jiang từ quê lên, cặp đôi kết thúc quãng thời gian yêu xa và nghĩa trang trở thành “ngôi nhà hạnh phúc” của Cao và gia đình anh.
Anh Cao và vị hôn thê đã chuẩn bị bữa ăn tự chọn gồm những món dân dã như lạc, hạt dẻ, quả chà là và táo đỏ thu hoạch từ nghĩa địa để đãi khách dự đám cưới của họ. Không có tiệc xa hoa, bắn pháo bông hay bất kỳ hình thức phô trương nào khác tại hôn lễ của hai người.
Đám cưới của cặp đôi diễn ra trước sự chứng kiến của những người tới thă mộ người thân. Dù ban đầu họ vô cùng sững sờ, nhưng sau khi biết lý do, họ đều vui vẻ chúc phúc cho cặp đôi.
Đám cưới đặc biệt của anh Cao, chị Jiang không phải là đám cưới đầu tiên tại Trung Quốc diễn ra ở nghĩa địa. Nghĩa trang Yong'an ở Thiên Tân, phíab ắc Trung Quốc từng là nơi diễn ra 3 đám cưới tập thể vào năm 2008. Năm 2011, một chú rể ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh tự chuẩn bị một đám cưới ngoài trời ở ngoài nghĩa trang với hy vọng đây sẽ là kỷ niệm không thể nào quên giữa anh và cô dâu trong suốt cả cuộc đời.