Tiến độ rùa
Giữa trưa hè, nhóm PV Tiền Phong có mặt tại công trường xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Cả một vùng đồi rộng lớn vẫn đậm một màu cỏ dại và cây rừng khiến nhiều người không khỏi xót xa. Khởi công xây dựng vào tháng 12/2003, đến nay đã hơn 12 năm nhưng tại đây vẫn loay hoay với việc giải phóng mặt bằng, xây nhà tái định cư. Nhiều hạng mục quan trọng của dự án vẫn chưa được triển khai. Trước đó, đầu năm 2011, Chính phủ cũng đã yêu cầu các trường ĐH-CĐ nằm trong danh sách phải phối hợp với các địa phương để đăng ký kế hoạch di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch với Bộ GD&ĐT.
Ảnh minh hoạ. |
Theo thống kê, Bộ Xây dựng đã đề xuất 23 cơ sở giáo dục cần cải tạo và di dời. Cụ thể theo kế hoạch này thì 12 cơ sở phải di dời như ĐH Công đoàn, ĐH Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Răng Hàm Mặt, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y tế công cộng, Viện ĐH Mở Hà Nội. 11 cơ sở giáo dục phải cải tạo như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ĐH Thủy lợi… Các trường di dời được bố trí tại các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc.
Về lộ trình thực hiện, thành phố Hà Nội kiến nghị từ 2011 đến 2015, di dời 5 trường như trong lộ trình do Bộ GD&ĐT đưa ra. Và kết thúc di dời trường học vào năm 2025 thay vì 2030 như trong kế hoạch. Bởi Hà Nội muốn kế hoạch triển khai càng sớm càng tốt, vì hiện hạ tầng trong các trường ĐH-CĐ ở nội đô không đảm bảo, thường xuyên gây ách tắc giao thông, ô nhiễm… Tuy nhiên, cho đến nay, kế hoạch di dời trên vẫn dậm chân tại chỗ. Ông Nguyễn Quang Minh, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ QHKT (Bộ Xây dựng) khẳng định, tiến độ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về di dời các trường ĐH, bệnh viện, cơ sở gây ô nhiễm triển khai quá chậm. Nguyên nhân là lãnh đạo nhiều trường ĐH chưa muốn di dời đến nơi mới, nhiều trường cũng muốn giữ lại phần đất trong nội đô sau di dời.
Trong khi đó, các cơ quan có trách nhiệm lại thiếu quyết liệt. “Cho đến nay, vẫn chưa di dời được ai. Và điều thấy rõ nhất trong việc này là nhiều người không vì lợi ích chung của cộng đồng”, ông Minh nói. Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận tiến độ triển khai di dời các trường là chậm và cho biết, kế hoạch di dời các trường ĐH-CĐ do Bộ Xây dựng đảm nhiệm chính!
Hàng trăm ha đất di dời nhà máy để… xây cao ốc
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2014, UBND thành phố Hà Nội khẳng định: Hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều trụ sở của các bộ ngành trung ương đóng trên địa bàn đang thực hiện sắp xếp, di dời theo Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ. Các diện tích đất sau khi di dời vừa qua phần lớn được đầu tư các công trình nhà ở, trung tâm thương mại, do đó ảnh hưởng rất lớn đến Quy hoạch chung Thủ đô. Nguồn thu tiền sử dụng đất từ các dự án này được dùng để đầu tư trở lại cho các bộ ngành là chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Điều 15 Luật Thủ đô!
Số liệu rà soát của Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư cho thấy Hà Nội có 422 cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc 17 ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động. Trong đó có 209 cơ sở hoạt động tại các quận nội thành.
Điều đáng nói, đến nay trong danh sách này, hàng trăm hecta đất hậu di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp lại trở thành những dự án cao ốc, khu đô thị, khu chung cư cao tầng “mọc” lên hoành tráng. Đơn cử như dự án Công ty Dệt 8/3 (số 460 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); dự án của Cty CP May Thăng Long (số 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); dự án Cty CP dụng cụ cơ khí xuất khẩu (229 Tây Sơn, quận Đống Đa); dự án nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy)...
Ông Nguyễn Như Cẩn - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cho hay, trên địa bàn phường hiện có 2 trường ĐH gồm ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội và ĐH Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội với số lượng sinh viên khoảng trên 6.000 đang gây ách tắc, quá tải cho địa phương. “Các trường này đã có kế hoạch di dời, như trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội đã có cơ sở 2 bên Từ Sơn-Bắc Ninh nhưng thực ra lượng sinh viên ở đây vẫn không thay đổi vì họ tuyển sinh tiếp cho cơ sở mới chứ không phải chuyển sinh viên sang cơ sở mới học”, ông Cẩn nói.
Theo vị phó chủ tịch phường này, ngoài 2 trường ĐH với số lượng sinh viên lớn, Vĩnh Tuy hiện nay như “đại công trường, đại dự án” khi hàng loạt cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp đang được chuyển đổi thành các dự án nhà ở, các khu chung cư cao tầng.
“Trên địa bàn nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp với hàng chục hecta đất đã di dời hay tiến hành cổ phần hóa nhưng sau khi di dời các cơ sở, đất đều được chuyển thành các dự án nhà ở cao tầng, cao ốc. Theo nhẩm tính của tôi thì thời gian tới sẽ có thêm 5 cơ sở, xí nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn phường trở thành dự án nhà ở và như vậy dân số của Vĩnh Tuy sẽ tăng thêm hàng vạn dân”, vị cán bộ này phân tích.
Nhiều bộ ngành mang danh là đã di dời nhưng thực ra vẫn ôm chặt trụ sở cũ để giao cho các cơ sở trực thuộc sử dụng. Đơn cử, Bộ TN&MT xây dựng trụ sở mới tại quận Cầu Giấy từ năm 2012 với quy mô gấp gần bốn lần so với trụ sở cũ ở đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa. Tuy nhiên, đến nay mảnh đất “vàng” vẫn chưa được bộ này bàn giao lại. Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ… sau di dời cũng vẫn giữ lại trụ sở cũ mà chưa bàn giao cho thành phố sử dụng theo quy hoạch.