Mời quý độc giả xem video: Thán phục cô giáo viết chữ ngược siêu đẹp |
Theo Từ điển văn học, Cao Bá Quát là người rất bản lĩnh. Ông dù sống trong nghèo khổ nhưng khinh bỉ những kẻ khom lưng, luồn cúi để được giàu sang, và tự tin có thể tự thay đổi được đời mình. Khi ra làm quan, ông muốn đem tài năng giúp đời, nhưng rồi sớm nhận ra có những vấn đề không thể thay đổi.
Những lúc thấy bất lực, ông muốn hưởng an nhàn. Nhưng khi chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân ông lại không thể. Cuối cùng, con đường ông lựa chọn là tham gia khởi nghĩa nông dân.
Cột tóc lên trần nhà luyện viết chữ đẹp
Là người thông minh từ nhỏ, năm 12 tuổi, Cao Bá Quát đã theo các bậc đàn anh lều chõng đi thi. Khi còn đi học ở Bắc Ninh, Cao Bá Quát nổi tiếng về tài văn thơ đối đáp thông minh và tài họa, nhưng lại viết chữ rất xấu.
Tính khí tuy ngông ngạo, nghịch ngợm, nhưng bù lại ông rất chịu khó đọc sách, học hỏi và kiên nhẫn trong học tập. Học cũng như làm, bất kỳ khi nào ông cũng phải làm cho đến nơi đến chốn.
Chân dung Cao Bá Quát. |
Xấu hổ với chữ viết như gà bới, đêm đến, ông thường thức khuya miệt mài tập viết chữ. Buồn ngủ quá, ông tự buộc tóc mình lên mái nhà để mỗi lần ngủ gật bị giật tóc đau, phải tỉnh lại.
Ông còn buộc chân vào các cạnh bàn để không thể “chạy đi chơi”. Nhờ sự quyết tâm, kiên nhẫn, một thời gian sau, từ viết chữ xấu, Cao Bá Quát nổi tiếng khắp vùng về biệt tài viết chữ đẹp.
Tương truyền, chữ viết của ông như “rồng bay phượng múa”, bút tích còn lại hiện nay được lưu lại trong bài đề tựa cuối cùng của Mai Am thi tập của công chúa Lại Đức, con gái vua Minh Mạng.
Thời gian ở quê nhà, tài viết chữ đẹp của Cao Bá Quát vang xa khắp vùng. Người dân thường tới nhà ông xin câu đối về treo, nhất là vào các dịp tết.
Không những viết chữ đẹp, Cao Bá Quát còn nổi tiếng về tài văn thơ. Ông có thể "xuất khẩu thành thơ", làm vế đối mọi lúc, mọi nơi, ý tứ rất chuẩn mực, sắc sảo. Tài năng văn chương của ông khiến ngay cả ông vua hay chữ Tự Đức cũng phải thán phục. Vua trực tiếp ca ngợi ông và người bạn Nguyễn Văn Siêu rằng: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”, nghĩa là văn như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát, đời Tiền Hán không có ai bằng.
Về sau, do tham gia khởi nghĩa nông dân, bị tru di tam tộc, các tác phẩm của ông bị tiêu hủy nhiều. Hiện nay, khoảng 1.353 bài thơ và 21 bài văn xuôi của ông vẫn được lưu giữ.
Nhà vua cũng phải kính nể
Từ nhỏ, Cao Bá Quát và người anh sinh đôi Cao Bá Đạt đã nổi tiếng thông minh. Cao Bá Quát học giỏi hơn, nhưng cũng có tính cách ngang tàng hơn.
Trong một lần biết tin vua Minh Mạng ngự giá Bắc thành, sắp đi qua Hồ Tây, thăm các thắng cảnh ở Thăng Long, Cao Bá Quát chủ động cởi đồ, lao xuống hồ tắm. Quan quân thấy vậy hoảng hốt, bắt ông trói lại.
Khi bị giải đến trước mặt vua Minh Mạng, ông không hề tỏ ra sợ hãi mà còn lấy lý lẽ ra tranh cãi. Dù tỏ ra rất tức giận, sau khi thử tài đối đáp với Cao Bá Quát, vua Minh Mạng cảm phục và tha tội chết cho ông.
Sau này khi lớn lên, vào Huế làm quan ở Bộ Lễ, Cao Bá Quát vẫn giữ tính ngang tàng. Ông rất căm ghét thói a dua, nịnh bợ của quan lại. Ngược lại, với người dân, ông luôn nhìn bằng ánh mắt bao dung, sẻ chia.
Tự Đức vốn là ông vua hay chữ bậc nhất triều Nguyễn, rất thích trổ tài thơ phú, cũng nhiều lần bị Cao Bá Quát làm cho "quê mặt".
Một lần, trước bá quan, văn võ, vua nổi hứng làm 2 câu đối treo ở điện Cần Chính: “Con nối được nghiệp bố / Tôi đền được ơn vua”. Quan lại trong triều đều cho rằng đó là câu đối rất hay, nói lên được hai rường mối của đạo tam cương.
Tuy nhiên, Cao Bá Quát lại nghĩ khác. Một lần đi qua, ông tự ý lấy bút phê vào bên cạnh mấy chữ có nội dung: “Hay chưa! Hay chưa! Cha con vua tôi đảo lộn”.
Việc đến tai Tự Đức, vua giận lắm, cho gọi Cao Bá Quát vào trị tội. Ông khảng khái trả lời: “Tâu bệ hạ, thần nghe nói đạo vua tôi phải ở trên đạo cha con. Từ nghìn xưa vẫn cứ là vua trước, tôi sau, cha trước mà con sau. Bệ hạ để như vậy chẳng phải là đảo lộn hết rồi sao?”.
Trước những lời đối đáp có lý của Cao Bá Quát, vua Tự Đức buộc lòng phải nhờ ông chỉnh sửa lại những lỗi trong vế đối của mình.
Thời gian làm quan ở bộ Lễ, Cao Bá Quát nhiều lần tự ý chỉnh sửa nội dung một số bài thơ phú của vua Tự Đức. Chính vì thế, ông bị vua ghét, về sau bị hạ chức, phải chuyển đi làm Giáo Thụ ở Hà Tây.
Sau khi từ quan về quê ở ẩn, tận mắt chứng kiến sự thối nát của xã hội đương thời, đời sống nhân dân thống khổ, Cao Bá Quát tham gia khởi nghĩa chống lại triều đình. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông chết trên chiến trận.