Theo báo cáo của BV Chợ Rẫy – nơi có 1 bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 và tử vong, bệnh nhân này bị suy thận giai đoạn cuối khi mắc cúm A/H1N1 dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi nặng gây tử vong.
Trước thông tin liên tiếp ghi nhận 3 trường hợp tử vong do nhiễm cúm mùa A/H1N1 tại TP HCM, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đa phần các ca nhiễm virus cúm mùa (A/H1N1, cúm B và A/H3N1) sẽ khỏi bệnh sau 1 tuần điều trị thông thường.
Song một tỉ lệ nhỏ các trường hợp sẽ diễn biến nặng, suy hô hấp, thậm chí tử vong vì mắc cúm A/H1N1. Tình trạng này thường gặp ở những người có đề kháng kém, người có bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường…, người suy giảm miễn dịch nhiễm virus sẽ làm thúc đẩy bệnh nền, gây tổn thương phổi, tổn thương đa tạng, khả năng biến chứng nặng nề, người già, trẻ em và phụ nữ có thai.
Bệnh nhân mắc cúm A H1N1 cách ly điều trị ở BV Chợ Rẫy |
"Trong khi cơ thể đang chống lại bệnh cúm, người bệnh có thể bị nhiễm trùng lần thứ hai như viêm phổi dẫn tới suy giảm hoạt động của các cơ quan, nhiễm khuẩn huyết và tử vong. Với những người có sẵn các bệnh lý mãn tính như: đái tháo đường, suy thận, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… lại nhiễm virus cúm có thể làm trầm trọng thêm các bệnh lý nền khiến các chức năng cơ thể tồi tệ hơn và khó khăn hơn khi chống lại bệnh cúm.
Ngoài ra, những người cao tuổi có nguy cơ cao bị suy yếu hệ thống miễn dịch vì cũng dễ bị nhiễm trùng thứ phát hơn. Với trẻ em dưới 5 tuổi do sức đề kháng kém nên cũng dễ bị virus cúm tấn công"- PGS Phu giải thích.
Do vậy, các bác sỹ khuyên, những người có yếu tố nguy cơ như trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch... nên chích ngừa cúm định kỳ hàng năm.