Nhiều nữ sinh tự hủy hoại bản thân bằng cách lấy dao lam rạch cổ tay mình. |
Đầu tháng 8-2017, Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bé gái 9 tuổi (ở Hà Nội) được gia đình đưa vào điều trị vì cháu bé đã tự nhổ trụi tóc của mình, lộ ra cả mảng da đầu. Theo lời kể của gia đình, cách đây 1 năm, khi bị bố mẹ tịch thu điện thoại vì thấy cháu nghiện chơi game, bỏ bê việc học, cháu bé này bắt đầu có những biểu hiện thích tự huỷ hoại bản thân bằng cách cào cấu xước da…
Điều đáng chú ý là khi được hỏi, cháu bé cho biết không hề thấy đau đớn mỗi lúc làm như vậy mà thậm chí còn cảm thấy thỏa mãn. Hiện cháu bé được Viện Sức khỏe tâm thần điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, kết hợp với sự quan tâm của gia đình nên tình trạng đã được cải thiện đáng kể.
Trước đó, một nữ sinh viên 21 tuổi cũng được đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần điều trị trong tình trạng cổ tay có 16 vết cắt nông, rỉ máu. Theo lời kể của người thân, nữ sinh này là con thứ hai trong một gia đình ở Hà Nội, tính tình hiền lành, dễ xúc động, học giỏi. Cách đây 2 năm, bệnh nhân có mong muốn được đi du học nhưng gia đình không có điều kiện để thực hiện. Sẵn buồn chán, lại thêm việc thường xuyên bị mẹ nói phải bỏ ý nghĩ du học đi nên bệnh nhân rất buồn và ức chế.
Tình trạng này kéo dài 2 năm khiến bệnh nhân nảy sinh hành vi thích tự rạch tay. Mỗi khi nỗi ức chế trong người lên đến đỉnh điểm, nữ sinh này lại cầm dao lam tự cứa vào cổ tay mình đến rỉ máu. Khi được gia đình phát hiện và đưa đến bệnh viện điều trị, bệnh nhân chia sẻ là mỗi lần cắt tay như vậy cô không thấy đau, ngược lại trong lòng nhẹ nhàng hơn. Sau 3 tuần điều trị bằng thuốc, hiện sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được điều trị tâm lý ngoại trú.
Theo các bác sĩ tại Viện Sức khoẻ tâm thần, những trường hợp kể trên là ví dụ điển hình về hội chứng “tự ngược đãi bản thân”, tức là một người tự làm “đau” về cả thể chất hoặc tinh thần của mình nhằm loại trừ bản thân hay loại trừ những bất toại. Không được đáp lại tình cảm, bị bố mẹ mắng, đi thi bị điểm kém… đây là những lý do tưởng chừng đơn giản nhưng lại dẫn đến những phản ứng dại dột của rất nhiều bệnh nhân. Điều đáng lo ngại hơn là hội chứng này thường xảy ra ở giới trẻ, tiến triển một cách âm thầm, tàn phá cơ thể người bệnh dần dần.
Có xu hướng gia tăng
TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị stress - Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, dấu hiệu quan trọng để nhận biết người bệnh mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân so với các hội chứng tâm thần, trầm cảm khác là sau mỗi lần tự làm tổn hại bản thân mình, bệnh nhân lại thấy tâm trạng thoải mái hơn. Vì thế, các bệnh nhân này có xu hướng tái diễn hành động tự hủy hoại bản thân nhiều lần mỗi khi ức chế hay bế tắc. Bệnh nhân cũng thường có cảm giác buồn, chán nản, nhưng không đủ gây ra trầm cảm.
Ngoài ra, bệnh nhân thấy mệt mỏi, dễ cáu giận, rối loạn giấc ngủ, cảm xúc ức chế hầu như chiếm hết thời gian của bệnh, đôi khi có thể kèm trạng thái lo âu, rối loạn phân ly. “Các bệnh nhân trầm cảm cũng có những biểu hiện này, song ở bệnh nhân tự ngược đãi bản thân, sau khi được thoả mãn các cảm xúc thì triệu chứng này giảm nhanh” - TS Dương Minh Tâm phân tích.
Theo TS Dương Minh Tâm, trong số bệnh nhân mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân, trẻ vị thành niên là đối tượng hay gặp nhất. Bởi ở lứa tuổi này, trẻ bị nhiều áp lực từ trường học, sức ép từ sự kỳ vọng của bố mẹ và các áp lực vô hình khác ảnh hưởng tới sở thích, đam mê hoặc lối sống khiến nhiều trẻ có suy nghĩ lệch lạc, bi quan, bế tắc. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân ở nữ gặp nhiều hơn ở nam (tỷ lệ là 3:1). Tại nước ta, số người mắc hội chứng này có xu hướng gia tăng những năm gần đây.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện ra một người tự hủy hoại bản thân cần đưa đến khám và điều trị tại bác sĩ tâm thần. Việc điều trị các vết thương trên thể xác do bệnh nhân tự hủy hoại không khó, song muốn trị khỏi hẳn bệnh thì cần phải tìm ra nguyên nhân khiến trẻ tự ngược đãi bản thân mới có hiệu quả. Với các bệnh nhân có nghiện rượu và ma túy thì cần phải điều trị cai nghiện cho họ. Thời gian nằm viện kéo dài khoảng 2 - 4 tuần. Sau khi ra viện, bệnh nhân cần được khám định kỳ tại phòng khám tâm thần để được hướng dẫn điều trị củng cố trong nhiều năm.