Một trong những lý do mà điện Kremlin mạnh mẽ từ chối cắt đứt quan hệ với Ukraine chính là tầm quan trọng của việc bảo toàn tiếp cận các cảng nằm ở Biển Đen thuộc địa phận của quốc gia láng giềng này.
Trong một báo cáo gần đây của cơ quan phân tích an ninh C4ADS, hầu như hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga đều thông qua cảng của Ukraine là Oktyabrsk, nằm gần Odessa. Con đường chiến lược này được mệnh danh là Mạng lưới Odessa. Ngành công nghiệp này không chỉ mang về cho Nga lợi ích về mặt kinh tế mà còn là cách quan trọng để điện Kremlin phát huy sức mạnh trong cuộc “chiến tranh ủy nhiệm/chiến tranh cục bộ” như Syria.
Cảng Oktyabrsk nhìn từ trên cao. |
Theo cơ quan phân tích trên, ngày trước Liên Xô đặc biệt chú trọng xây dựng cảng Oktyabrsk ở thành phố Nikolaev với mục đích chính yếu là để vận chuyển vũ khí bằng đường biển. Và quả thực, tới ngày nay, nó “vẫn là cảng trung tâm của các lô hàng vận chuyển vũ khí của cả Nga và Ukraine”. Cảng Oktyabrsk hiện được quản lý bởi một cựu thuyền trưởng thuộc lực lượng Hải quân Nga và được một nhà tài phiệt có quan hệ mật thiết với Kremlin sở hữu. Trong khi đó, các công ty xuất khẩu vũ khí cùng các doanh nghiệp có liên quan tới ngành này của Nga vẫn duy trì văn phòng của họ ở thành phố Nikolaev.
“Nếu coi việc hạn chế quyền truy cập vào các kho vũ khí của Liên Xô là chính sách ưu tiên, thì con đường vận chuyển tên Mạng lưới Odessa rõ ràng là điểm khởi đầu lý tưởng để thực hiện kế hoạch trên”, báo cáo kết luận. Đó là lý do dễ dàng để hiểu tại sao Tổng thống Putin không hề “đành lòng” muốn thành phố Ukraine này rơi vào tầm ảnh hưởng của phương Tây.
Mặc dù ông Putin chỉ điều quân sang bán đảo tự trị Crimea thuộc Ukraine, một khu vực quan trọng khác ở Biển Đen. Song, chính quyết định ủy quyền can thiệp quân sự của điện Kremlin lại mở ra cánh cửa để quân Nga di chuyển vào lãnh thổ Ukraine sâu hơn. Trong bất cứ tình huống nào, Nga luôn thể hiện rằng, họ không hề sẵn sàng đánh mất những vùng đất chiến lược của Ukraine. Và điều này đã trở thành một nguy cơ tiềm tàng sau khi Tổng thống thân Nga Yanukovych của Ukraine bị lật đổ.
Việc vận chuyển vũ khí từ cảng Oktyabrsk của Ukraine nhanh hơn ba lần so với từ St Petersburg. |
Trong khi đó, thế giới lại dần chú tâm tới đồng minh của ông Putin ở Syria, Tổng thống Bashar al-Assad. Phóng viên Liz Sly của tờ Washington Post đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm trên một bài viết của mình như sau: “Ông Assad đang lợi dụng sự rạn nứt trong mối quan hệ Nga-Mỹ về khủng hoảng Ukraine. Thông qua đó, ông ta mong muốn đẩy mạnh kế hoạch trấn áp các cuộc nổi loạn chống lại mình và đảm bảo cho việc tái tranh cử mà không bị cản trở bởi áp lực phải thỏa hiệp với đối thủ của mình”.
Chính việc cung cấp các vũ khí quân sự từ Nga cũng được coi là chìa khóa cho kế hoạch trên của Tổng thống Assad. Thông qua đường biển và đường hàng không, ông Putin đã cung cấp cho Syria những khẩu súng, chiến đấu cơ, tên lửa hành trình chống hạm tân tiến, tên lửa phòng không tầm xa, các sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ cố vấn và cả tiền nữa.
Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma và Tổng thống Putin trong một cuộc họp ở Odessa hồi tháng 3/2002. |
Do đó, Ukraine hiện là một phần quan trọng trong cuộc chiến địa chính trị. Ở cuộc tranh đấu này, ông Putin chiếm ưu thế ở Syria trong khi người đồng cấp Mỹ Obama đã hao tổn không ít tâm trí.
“Ông Putin xem thế giới giống như một bàn cờ. Ở đó, ông ta có thể đi hai hoặc ba quân cờ một lúc. Tôi không chắc rằng, phương Tây có thể làm điều đó. Tôi không thấy người Nga ngừng ủng hộ ông Assad. Và tôi cho rằng, ông Assad sẽ tiếp tục làm điều mà ông ta luôn luôn muốn làm, đó là giành chiến thắng bằng quân sự”, chuyên gia Salman Shaikh của trung tâm Brookings Doha ở Qatar cho biết.
Và dĩ nhiên, ông Putin cũng vẫn tiếp tục hậu thuẫn Assad. Điều này cũng kéo theo việc con đường Mạng lưới Odessa sẽ phải luôn luôn được mở cửa. Điều đó kéo theo khả năng Nga sẽ hành động ở phía nam và đông Ukraine, một diễn tiến khiến cuộc khủng hoảng thêm căng thẳng.