Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015 đang đến gần, ngoài những hoạt động mua sắm đã thành thông lệ, trên mạng gần đây còn xuất hiện những bài đăng rao bán các loại hàng cấm, phổ biến nhất là pháo nổ, nơi cư dân mạng bình luận, kẻ mua, người bán xôn xao.
Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cấm sản xuất, vận chuyển và đốt hay buôn bán các loại pháo nổ, nhưng đến nay, mỗi dịp Tết đến, xuân về, trên mạng lại tràn lan hình ảnh những loại pháo nổ, những lời mời chào công khai.
Các loại pháo nổ đa dạng được công khai rao bán trên mạng, đăng kèm hình ảnh, giá cả cụ thể cho từng loại. |
Các bài đăng, rao bán pháo nổ thường có dạng hình ảnh, kèm theo những dòng viết nêu giá cả, chủng loại các loại pháo. Pháo diêm, pháo cối, pháo bi... được bán với giá từ 20.000 - 500.000 đồng một bao/hộp. Phía dưới các bài đăng thường có thêm những dòng quảng cáo nhằm thu hút thêm sự chú ý, các chiêu phổ biến nhất là "miễn phí vận chuyển" hoặc "mua 5 tặng 1"... cùng mấy dòng đảm bảo như "công an mình lo tất!".
Nhiều dân chơi rao bán pháo thường kèm theo những dòng bảo đảm cho khách hàng như "Gửi tiền ship hàng, công an mình lo tất!". |
PV Kiến Thức liên hệ tới số điện thoại trong một bài đăng rao bán pháo trên mạng, có kèm theo cả số tài khoản ngân hàng phục vụ chuyển khoản. Tuy nhiên chủ nhân số điện thoại này lại trả lời họ không phải là người bán pháo. Điều này cho thấy, dù xuất hiện trên mạng với số lượng rất lớn, mật độ thường xuyên nhưng không ngoại trừ khả năng những lời rao, chào mua pháo nổ chơi Tết này chỉ là một chiêu trò lừa đảo hoặc gây sự chú ý.
Về phản ứng của cư dân mạng trước những bài đăng, rao bán mặt hàng cấm là pháo nổ, nhiều người cũng rất tò mò và muốn tìm hiểu về quá trình mua bán này. Số khác lại tỏ ra bất bình, chụp lại màn hình những bài đăng này và lan truyền đến các trang mạng, fanpage liên quan đến các vấn đề xã hội, lực lượng công an, an ninh... mong rằng có được sự can thiệp điều tra của các cơ quan chức năng.
Nhiều con buôn không ngần ngại đăng cả số điện thoại, số tài khoản trong những bài rao bán pháo trên mạng. |
Hồi tưởng về Tết xưa với tiếng pháo nổ đì đùng là việc thường làm mỗi dịp Tết đến, xuân về của một bộ phận giới trẻ, cư dân mạng. Tuy nhiên việc chạy theo thú vui của bản thân mà bất chấp vi phạm pháp luật là điều không thể chấp nhận. Mọi hành vi buôn bán, tàng trữ và sử dụng pháo nổ hiện tại nếu bị phát hiện sẽ đều bị xử lý theo đúng pháp luật.