Việt Nam đang đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng từ việc sử dụng thuốc lá, cả về sức khỏe cộng đồng lẫn kinh tế-xã hội. Theo nghiên cứu năm 2021 của Viện Đánh giá Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu (IMHE), mỗi năm Việt Nam có khoảng 84.500 người tử vong do hút thuốc chủ động và thêm 18.800 người tử vong do khói thuốc thụ động. Những con số này phản ánh tác động khủng khiếp của thuốc lá đối với sức khỏe con người.
Hút thuốc lá là 1 trong những nguyên nhân gây ung thư phổi. |
Ngoài ra, tổn thất kinh tế do thuốc lá gây ra chiếm tới 1,14% GDP quốc gia, bao gồm chi phí y tế và mất năng suất lao động. Để đối phó với vấn đề này, Việt Nam đã tích cực điều chỉnh khung chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt tập trung vào việc sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để điều tiết tiêu dùng.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá
Theo TS. Nguyễn Anh Dương, thuế TTĐB được thiết kế để áp dụng lên các mặt hàng không được khuyến khích sử dụng, bao gồm thuốc lá. Theo đó, thuế TTĐB có vai trò quan trọng trong việc:
Giảm tiêu dùng thuốc lá: Việc tăng thuế làm giá thuốc lá tăng, từ đó giảm khả năng tiếp cận của người tiêu dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp.
Cải thiện sức khỏe cộng đồng: Khi tiêu dùng thuốc lá giảm, số ca bệnh liên quan đến thuốc lá như ung thư phổi, bệnh tim mạch sẽ giảm, qua đó cải thiện năng suất lao động.
Giảm chi phí y tế: Hộ gia đình có thể tiết kiệm chi tiêu cho y tế và chuyển hướng nguồn lực này sang giáo dục hoặc đầu tư kinh doanh.
Tạo nguồn thu ngân sách: Số thu từ thuế thuốc lá có thể tài trợ cho các chương trình phát triển kinh tế bền vững, như hỗ trợ đồ dùng học tập cho trẻ em nghèo hoặc tái đào tạo kỹ năng cho nông dân trồng thuốc lá.
TS. Nguyễn Anh Dương. |
TS. Nguyễn Anh Dương cho biết, kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc và Philippines cho thấy, tăng thuế TTĐB là chiến lược hiệu quả để giảm tiêu dùng thuốc lá.
Đề xuất tăng thuế với thuốc lá
Từ những nhận định trên, TS. Nguyễn Anh Dương cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp sau:
Chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp: Việt Nam cần cân nhắc tích cực việc chuyển sang áp dụng cơ chế thuế TTĐB hỗn hợp (tập trung vào các phương án trình của Bộ Tài chính) đối với thuốc lá.
Nâng cao truyền thông: Rà soát, nâng cao hiệu quả truyền thông về yêu cầu tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Tham khảo ý kiến chuyên gia quốc tế: Tăng cường tham vấn các tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong và ngoài nước về triển khai chính sách thuế đối với thuốc lá nói chung và thuế TTĐB đối với thuốc lá nói riêng gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Thuốc lá không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng, mà còn là gánh nặng kinh tế-xã hội lớn. Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ giúp giảm tiêu dùng thuốc lá mà còn góp phần xây dựng một xã hội khỏe mạnh, kinh tế bền vững hơn. Việt Nam cần quyết liệt triển khai các biện pháp này để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.