Mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu được quy định tại Luật Bảo hiểm Xã hội hiện hành là bằng mức lương cơ sở, hiện 1,8 triệu đồng. Tuy nhiên, theo chủ trương bỏ lương cơ sở khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, dự thảo Luật sửa đổi không còn quy định này.
PGS.TS Bùi Thị An. |
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng (thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), khi không còn mức lương hưu tối thiểu, cần đảm bảo có mức sàn an sinh để người về hưu đủ sống.
"Đây là vấn đề vĩ mô cho xã hội, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Thực tế, mức lương hưu không đủ trang trải cuộc sống, nhiều người về hưu vẫn đi làm", PGS.TS Bùi Thị An nói.
Bà An cho rằng, chúng ta thường hay nói đi làm sau tuổi nghỉ hưu cho vui, khỏe. Đây cũng là một lý do, nhưng đại đa số đi làm vì lương hưu không đủ sống, đặc biệt với những người nghỉ hưu trước năm 1995, hiện có mức lương rất thấp. Thậm chí, kể cả cán bộ trí thức khoa học - thuộc nhóm hưởng cao hơn, vẫn không đủ sống.
Theo PGS. TS Bùi Thị An, vấn đề này cần nhìn nhận thấu đáo, với chính sách bao trùm, để khi người lao động về hưu có lương tối thiểu đủ sống. Mặc dù vậy, bài toán này không thể giải quyết ngay lập tức, mà cần quá trình “dài hơi”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chính sách mới về tuổi nghỉ hưu, lương hưu năm 2023: