- “Vì sao các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) khi cổ phần hóa thì thông báo lãi còn khi nộp thuế lại nói lỗ? Đã đến lúc cần được “mổ xẻ” một cách minh bạch để yên lòng dân”.
Đây là ý kiến của PGS. TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Chiến lược - Khoa học (Bộ Công an) tại buổi toạ đàm “Nhà nước và Doanh nghiệp” sáng 22/3.
Ông Cương cho biết, 11 tập đoàn kinh tế Nhà nước, mỗi tập đoàn là một “quả đấm thép” có mức ảnh hưởng rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng hiện nay các tập đoàn kinh tế Nhà nước này còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc.
“Như Tổng công ty Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Than - Khoáng sản, Xăng dầu,… còn nhiều cái tồn tại gây bức xúc cho người dân. Chúng ta cần minh bạch, “mổ xẻ” các DNNN để tìm hiểu xem vì sao năm nào cũng thông báo thua lỗ, khó khăn; tăng giá liên tục mà Bộ, ngành cũng không quản lý được…” - ông Cương dẫn chứng.
Ông Cương cũng nhấn mạnh “mổ xẻ” không phải là chỉ trích mà để tìm hiểu nguyên nhân vì sao thua lỗ, vì sao tồn tại quá nhiều vấn đề như thế? Bởi tập đoàn kinh tế Nhà nước là tài sản của nhân dân chứ không phải của riêng các tập đoàn.
Quang cảnh buổi hội thảo (ảnh: Ngọc Liên) |
Đồng quan điểm với ông Cương, TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng: Thực tế hiện nay khung pháp lý quản lý các tập đoàn Nhà nước còn nhiều kẽ hở mà có thể đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bức xúc của người dân.
“Chúng ta cần phân tích cụ thể, mổ xẻ các DNNN để khắc phục các nguyên nhân làm mất niềm tin như hiện nay. Cái này cần phải có chiến lược đồng bộ, toàn diện, rõ ràng và thực tế. Chứ không phải là những ý kiến, hội thảo đưa ra để thoả mãn sự bức xúc” - TS Kiêm nhấn mạnh.
Nhận định những hạn chế, khuyết điểm đã gây ra sự thiếu hụt và hạn chế trong khung pháp lý quản lý các tập đoàn kinh tế Nhà nước, TS Đinh Trung Tụng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay: “Thực tế hiện nay khung pháp lý dành cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước của Việt Nam còn nhiều hạn chế cần tiếp tục thay đổi cho phù hợp, minh bạch hơn trong cơ cấu phát triển”.
Tiếp tục bổ sung, phản biện cơ chế pháp lý quản lý các tập đoàn Nhà nước hiện nay, PGS. TS Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Kinh tế (Bộ Tư pháp) nhận định ngắn gọn với cụm từ “Tạm thời, bơ vơ, sơ sài, khiếm khuyết và không hợp lý”.
Đây cũng là vấn đề “nóng” cần thay đổi, bổ sung và sửa chữa các Nghị định, Nghị quyết, Luật quản lý thật chặt chẽ, có giá trị lâu bền, dài hạn để cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước minh bạch hơn với nhân dân, đất nước.
Bởi ông Huệ cho rằng, luật của chúng ta hiện không thiếu nhưng cái thiếu là cơ chế thực hiện. Bộ máy thực hiện pháp luật của chúng ta còn quá yếu so với thực tiễn.
Ngọc Liên