Báo PNTĐ sau khi đăng bài “Vì sao “đạo văn” mà vẫn được phong Giáo sư?” trên số 19, nêu việc ông Nguyễn Đức Tồn (nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) đã đạo văn mà vì sao vẫn được phong GS, ngay lập tức nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc, đặc biệt của các nhà khoa học, nhà văn... phê phán hành vi này và đề nghị các cơ quan liên quan xử lý nghiêm, bảo vệ nền học thuật trong sáng của nước nhà…
1/ Bị tố đạo văn, ông Nguyễn Đức Tồn đổ lỗi cho người khác!
Ngay chiều hôm Báo PNTĐ vừa phát hành, ông Nguyễn Đức Tồn đã điện thoại cho lãnh đạo Báo PNTĐ để phân trần việc ông bị tố đạo văn và ông một mực đổ lỗi đạo văn cho các học trò của ông. Ngay sau đó thông tin này được ông Tồn dùng để trả lời hãng BBC khi BBC dẫn nguồn Báo PNTĐ đăng bài khẳng định ông đạo văn, ông Tồn đã phát biểu trong bài báo “Họ vu cáo tôi đạo văn” trên BBC với các nội dung chính như sau:
Ông Nguyễn Đức Tồn xuất hiện trên hãng BBC đổ lỗi đạo văn cho học trò. |
Một là: ông bị tố đạo văn là không đúng, rằng các luận án, luận văn (của 1 cô là học trò, 1 cô là cháu gái của ông) là do ông đã cho trò chép của thầy, chứ không bao giờ có chuyện thầy chép của trò; rằng ông đã đem bản luận án (LA) đã bảo vệ ở Nga của ông cho trò chép. Như vậy là ông Tồn đã đổ lỗi "đạo văn" hoàn toàn cho học trò.
Hai là: về các ý kiến của các GS, PGS phát biểu trên Báo PNTĐ số 19 về việc ông Tồn đạo văn thì ông Tồn cho rằng: PGS.TS Phạm Văn Tình không công tác ở Viện Ngôn ngữ học nên không biết gì; còn GS.TS Nguyễn Văn Lợi tố ông đạo văn là vì trước đây khi GS Lợi là lãnh đạo của ông ở Viện Ngôn ngữ học (NNH) đã bị ông “đấu tranh liên quan đến việc sử dụng kinh phí”, nên nay ông ấy “trả thù”…
2/ Các GS, PGS ngành Ngôn ngữ học nói gì?
Bất bình trước thái độ đã vi phạm lại không thừa nhận, không biết hối lỗi mà còn đổ tiếng xấu, tiếng oan cho người khác của ông Tồn, rất nhiều PGS, GS, TS đã mạnh mẽ lên tiếng, yêu cầu xử lý nghiêm vấn đề “đạo văn” của ông Tồn để bảo vệ một môi trường học thuật trong sáng và nâng cao uy tín cho các nhà khoa học thực thụ.
PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học VN:
“Chuyện ông Nguyễn Đức Tồn bê nguyên xi một số phần, một số đoạn của người khác (Cao Thị Thu, Nguyễn Thuý Khanh, Nguyễn Thị Thanh Hà) đã quá rõ ràng. Dư luận đã lên tiếng từ nhiều năm trước đây. Bản thân cán bộ, đảng viên, Thanh tra Viện Ngôn ngữ học đã có ý kiến nhưng ông Tồn không thừa nhận.
Ông cho rằng Nguyễn Thuý Khanh, Nguyễn Thị Thanh Hà từng là học trò, là NCS do ông hướng dẫn, Cao Thị Thu là cháu ông (cũng như học trò?!). Có nhiều chỗ trong luận văn hay bài báo của họ do ông “viết hộ”. Đó là ý tưởng của ông chứ không phải của những người kia. Ông Tồn mắc hai lỗi nặng: Với tư cách hướng dẫn khoa học, thầy không được phép viết hộ trò, mà chỉ định hướng, gợi ý; Khi đề tài của học trò được hội đồng thông qua thì bản quyền thuộc về tác giả khoá luận, LV, LA. Ông Tồn lấy những nội dung trong LA của chị Khanh, LV của chị Thu sau khi họ đã công bố LA, LV 6-7 năm thì “đạo văn” không thể chối cãi.
Kỳ lạ nữa là ông Tồn đạo văn như vậy mà còn dám đem cuốn sách - công trình khoa học đạo văn đó, nộp xin xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016! Vụ này ông Tồn cũng kiện tụng ầm ĩ cho đến khi Hội đồng bỏ phiếu không có thành viên nào đồng ý (0/7 phiếu tán thành) thì mới chấm dứt.
Tôi đã từng công tác tại Viện Ngôn ngữ hơn 5 năm (đầu 2003 đến cuối 2008), từng làm Trưởng ban Thanh tra Nhân dân của Viện (thế mà ông Tồn ngang nhiên nói trên BBC rằng “PGS Phạm Văn Tình không công tác tại Viện NNH nên không biết gì”), tôi cũng như nhiều đồng nghiệp biết rất rõ việc đạo văn này của ông Tồn và cũng có nhiều ý kiến đã thẳng thắn góp ý trong các cuộc họp (kể cả ý kiến của chính chị Nguyễn Thuý Khanh), với mong muốn vì sự phát triển lành mạnh của Viện NNH. Chúng ta đang hướng tới sự lành mạnh hoá các hoạt động học thuật. Thiết nghĩ các cơ quan hữu quan cần vào cuộc, làm rõ, thật nghiêm túc để làm gương và cũng là một bài học cần thiết cho nhiều người”.
GS.TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nguyên Chủ tịch Hội đồng cấp Cơ sở và Thư ký Hội đồng xét phong chức danh cấp ngành:
"Ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn, bị phát hiện nên 2 lần nộp hồ sơ xin xét phong GS đều bị Hội đồng bác. Từ năm 1995 đến 2005 tôi là Phó Viện trưởng phụ trách khoa học. Từ năm 1996 đến năm 2007, tôi nhiều lần tham gia Hội đồng xét phong chức danh (học hàm) Giáo sư cấp Cơ sở và cấp Chuyên ngành. Ở HĐ cấp Cơ sở (Viện NNH) năm 1996, tôi là Ủy viên HĐ, năm 2002 là Chủ tịch HĐ. Ở HĐ Chuyên ngành Ngôn ngữ học, từ năm 1996 đến năm 2000 tôi là Ủy viên HĐ; nhiệm kì 2000-2007, tôi là Thư kí HĐ. Ông Nguyễn Đức Tồn là cán bộ Viện, những lần ông Tồn nộp hồ sơ xin xét phong PGS và GS ở HĐ Cơ sở Viện NNH và HĐ Chuyên ngành, thì tôi với trách nhiệm ở các HĐ, đã xem xét các hồ sơ của ông Tồn.
Cụ thể, năm 1996, ông Tồn xin được xét phong PGS ở HĐ Cơ sở Viện NNH và HĐ Chuyên ngành. Trong hồ sơ ông Tồn lúc đó chưa có các sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở” và sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)”, nên HĐ các cấp chưa phát hiện ông Tồn đạo văn, do vậy, ứng viên được HĐ các cấp bỏ phiếu tán thành đủ tiêu chuẩn phong PGS.
Cuốn sách đạo văn của ông Tồn |
Đến năm 2002, ông Tồn nộp hồ sơ xin phong GS ở HĐ cấp Cơ sở Viện NNH. HĐ đã phát hiện nhiều điều bất minh, khuất tất trong hồ sơ của ứng viên này: gian dối thứ nhất là sách chuyên khảo (một “tiêu chuẩn cứng” minh chứng về thành tích nghiên cứu khoa học cho ứng viên), phải được xuất bản trước khi nộp hồ sơ cho HĐ. Trong hồ sơ ông Tồn nộp sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)”, nhưng trên thực tế sách này lại chưa được xuất bản (kết luận này của HĐ căn cứ vào công văn của Cục Xuất bản, Bộ văn hóa).
Gian dối thứ 2 là, HĐ phát hiện trong 2 cuốn sách mà ứng viên Tồn đưa ra làm bằng chứng thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học có nhiều chỗ nghi được sao chép của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, có nhiều trang chép nguyên xi từ LA Phó tiến sĩ của Nguyễn Thúy Khanh (bảo vệ 6 năm trước), và có hàng chục trang chép gần như nguyên vẹn từ LV tốt nghiệp ĐH ngành Ngôn ngữ học (đã bảo vệ 7 năm trước) của Cao Thị Thu.
Vì vậy HĐ Cơ sở đã bỏ phiếu bác bỏ hồ sơ xin phong GS của ứng viên Tồn. Năm 2006, ông Nguyễn Đức Tồn lần thứ 2 nộp hồ sơ xin phong GS. Lần này ông Tồn không nộp ở HĐ Cơ sở Viện NNH mà nộp ở HĐ Cơ sở khoa Ngôn ngữ học, trường ĐH KHXH và NV Hà Nội, và được thông qua. Nhưng tại HĐ Chuyên ngành NNH, các thành viên đã thảo luận kĩ về những chỗ nghi ngờ đạo văn trong hồ sơ ứng viên Tồn, HĐ đã bỏ phiếu, ông Tồn không đủ số phiếu đồng ý phong chức danh GS.
Tôi có nhiều năm làm việc ở Viện Ngôn ngữ cùng với ông Tồn và chị Nguyễn Thúy Khanh. Do chức trách trong các HĐ của mình, nên tôi đã nhiều lần đọc LA của chị Khanh. LA đề cập đến vấn đề “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” dựa trên tư liệu tiếng Việt. Có thể, trong quá trình hướng dẫn NCS Khanh, ông Tồn đã dịch cho NCS phần cơ sở lí thuyết, còn phần tư liệu và nội dung miêu tả “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” trong tiếng Việt, là công sức nghiên cứu của chị Khanh (chị Khanh làm việc hơn 30 năm ở phòng Từ điển tiếng Việt; là một trong các tác giả của Từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê chủ biên). Cần phải khẳng định rằng, LA của NCS Khanh không phải được sao chép từ LA Phó Tiến sĩ bảo vệ ở Nga của ông Tồn – như ông Tồn nói: “chính nghiên cứu sinh đã chép lại tài liệu bằng tiếng Nga do ông Tồn mang từ Nga về”.
Trong khi đó, sách của ông Tồn lại sao chép nguyên xi từ dấu chấm, dấu phẩy trong LA của chị Khanh. Trong LA của chị Khanh, ít nhất các tư liệu và nội dung miêu tả “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” trong tiếng Việt thuộc bản quyền của tác giả LA; ông Tồn sao chép LA của chị Khanh tức là đã vi phạm bản quyền của tác giả LA, là đạo văn, vi phạm đạo đức của người làm khoa học. Hơn nữa, một trong các tiêu chuẩn cứng để được phong Phó Giáo sư là ứng viên phải hướng dẫn thành công NCS Phó Tiến sĩ.
Trường hợp NCS Nguyễn Thúy Khanh bảo vệ thành công LA Phó Tiến sĩ là thành tích đào tạo, để ông Tồn được phong Phó Giáo sư (năm 1996). Khi NCS Nguyễn Thúy Khanh bảo vệ LA, tại sao trong bản nhận xét của người hướng dẫn trước HĐ chấm LA, ông Tồn vẫn cam kết, khẳng định tinh thần thái độ học tập nghiêm túc, chủ động của NCS. Nay ông Tồn nói NCS chép từ LA của mình, tức là ông Tồn đã lừa dối HĐ chấm LA các cấp và Bộ GD-ĐT (cơ quan cấp bằng Phó Tiến sĩ cho NCS).
Mặt khác, nếu ông Tồn khẳng định và đưa ra bằng chứng chứng minh chị Khanh và chị Thu "chép của ông Tồn" thì 2 người này "đạo văn", cần bị xem xét lại việc cấp bằng tốt nghiệp ĐH và bằng PTS! Và như vậy phải xem xét lại việc phong PGS của ông Tồn do vi phạm đạo đức nhà giáo, lừa dối, đồng thời ông Tồn cũng không đủ "chỉ tiêu cứng" là phải có hướng dẫn NCS bảo vệ thành công LA PTS/TS.
Việc ông Nguyễn Đức Tồn cho rằng ông Tồn bị tố “đạo văn” là do “trả thù cá nhân” vì trước đây ông Tồn từng lên tiếng về việc sử dụng kinh phí không đúng tại Viện NNH có liên quan đến tôi khi đó là phó Viện trưởng Viện NNH, tôi khẳng định rằng những điều ông Tồn nói đều là gian dối. Thứ nhất, phải khẳng định rằng, không phải "tôi tố ông Tồn", mà giai đoạn 1995-2005, tôi làm Phó viện trưởng, phụ trách mảng nghiên cứu khoa học của Viện, tôi là Chủ tịch HĐ cơ sở (năm 2002) và Thư kí HĐ Chuyên ngành (năm 2006) cùng các thành viên HĐ các cấp xem xét hồ sơ của ông Tồn đã phát hiện những bất minh, đạo văn, gian dối trong hồ sơ của ông Tồn, nên đa số các thành viên HĐ bỏ phiếu không tán thành phong GS cho ông Tồn.
Là Phó Viện trưởng, tôi cùng lãnh đạo Viện phải giải quyết trường hợp gian trá này. Tôi cũng tham gia thảo luận và phê phán hành vi đạo văn của ông Tồn ở các cuộc họp của Viện. Thứ 2, là Phó viện trưởng, tôi được phân công phụ trách khoa học. Tôi không liên quan đến công tác tài chính, không phải là chủ tài khoản, tôi không có quyền và trách nhiệm chi tiêu tài chính, kinh phí. Do vậy, không thể nói tôi liên quan đến “việc sử dụng kinh phí không đúng tại Viện Ngôn ngữ” như ông Tồn nói.
Thứ 3, cần nói rõ rằng, năm 2002, sau khi bị HĐ cơ sở Viện NNH (do tôi là Chủ tịch và các cán bộ chủ chốt của Viện là Ủy viên) phát hiện những điều gian dối, đạo văn trong hồ sơ và bỏ phiếu không đồng ý phong GS thì ông Tồn mới bắt đầu kiện cáo lãnh đạo Viện, cao trào ông Tồn kiện cáo là sau lần thứ 2 bị HĐ bác hồ sơ phong GS (2006), gây nên tình trạng bất ổn kéo dài ở Viện.
Như vậy, ông Tồn khi không đạt được tham vọng, bị tập thể HĐ chức danh Cơ sở Viện NNH, và HĐ Chuyên ngành Ngôn ngữ học bác bỏ hồ sơ xin phong GS của ông Tồn (do hồ sơ bất minh, ăn cắp kết quả nghiên cứu của người khác trong các sách của mình), ông Tồn mới khiếu kiện, vu cáo người khác”.
3/ Cần phải miễn nhiệm học hàm PGS và GS của ông Nguyễn Đức Tồn.
Với các phân tích và bằng chứng không thể chối cãi như trên, có thể khẳng định ông Nguyễn Đức Tồn đã đạo văn, ăn cắp lao động của những người phụ nữ. Bởi lẽ, LA bảo vệ của ông Nguyễn Đức Tồn ở Nga mang tên là “Đặc trưng từ vựng ngữ nghĩa của tên gọi bộ phận cơ thể người”, trong khi đó LA của Nguyễn Thúy Khanh là “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật”, còn LV của Cao Thị Thu là “Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt”.
Có thể thấy rõ ràng “con người” thì khác với “động vật” và “thực vật”. Toàn bộ các ngữ liệu trong LA của Nguyễn Thúy Khanh và LV của Cao Thị Thu là của hai người này, và từ sự phân tích ngữ liệu ấy mà đi đến những luận điểm được các hội đồng thừa nhận thì tất cả đều là của riêng Nguyễn Thúy Khanh và Cao Thị Thu. Tất cả đều chứng tỏ ông Tồn gian dối.
Do đó, theo QĐ 174, thiết nghĩ đã đến lúc HĐCDGS NN xem xét hủy bỏ việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và cả PGS của ông Nguyễn Đức Tồn, do không đáp ứng tiêu chuẩn được nêu ở Khoản 2 Điều 8 là “Trung thực, khách quan và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ”. Sau đó Học viện KHXH cần “miễn nhiệm” chức danh GS và cả PGS của ông Nguyễn Đức Tồn.