Trong số những vương triều thịnh vượng xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, chúng ta không thể không kể đến triều đại nhà Thanh.
Sau khi thành lập, dưới sự dẫn dắt của hai vị quân vương, Khang Hy và Ung Chính, khung cảnh thái hòa của nhà Thanh dần dần được dựng nên và đạt tới đỉnh cao vào thời Càn Long.
Khi ấy, cuộc sống của bách tính đều yên ổn, bờ cõi được mở rộng, một vài vùng đất giàu có được thêm vào bản đồ nhà Thanh, khiến cho thế lực của triều đại này bước lên một tầm cao mới.
Thực lực của một quốc gia không chỉ đánh giá qua năng lực trên một phương diện nào đó, mà ngược lại, sự hưng thịnh của quốc gia đó liên kết chặt chẽ với sức mạnh tổng hợp của nó. Chỉ có kinh tế phát triển, lực lượng quân sự hùng hậu, đời sống bách tính yên ổn, trình độ văn hóa chính trị phát triển mới có thể coi đó là một cường quốc.
Với một vương triều thống trị bởi một dân tộc thiểu số như triều Thanh, có thể dẫn dắt cả trung nguyên phát triển mạnh mẽ như thế, ắt hẳn họ phải có bí quyết nào đó xứng đáng để chúng ta học hỏi.
Triệu chứng báo trước sự suy thoái của Thanh triều
Nhưng kết cục cuối cùng của nhà Thanh lại không hề xứng đáng với thực lực mạnh mẽ của triều đại này. Có rất nhiều nguyên nhân giải thích cho điều này, nhưng thực tế sự suy yếu của nhà Thanh đã manh nha từ những giai đoạn đầu.
Có thể nói Đại Thanh khi đó là đóa mẫu đơn đang nở rộ, rực rỡ lộng lẫy, nhưng khi nhìn kỹ sẽ phát hiện ra những chấm đen nhỏ li ti. Bông hoa này do Khang Hy, Ung Chính tận tay gieo trồng và bắt đầu nở rực, khoe sắc dưới bàn tay trị vì của Càn Long.
Thế nhưng sau đó, vị hoàng đế một lòng mong muốn để lại những công lao to lớn, lại không hết lòng bảo vệ cho "bông hoa kia", khiến nó phải chịu không ít đe dọa. Mối nguy hại nhất chính là tệ nạn tham ô hối lộ chốn quan trường.
Vấn nạn tham nhũng nhức nhối nhưng Hoàng đế thờ ơ
Khi đó, đất nước lớn mạnh, lũ sâu mọt nơi quan trường có lộng hành ra sao cũng chưa thể ảnh hưởng tới đất nước. Nhưng tìm hiểu kỹ ta có thể thấy, cả triều đình từ trên xuống dưới đều tham ô. Ngay cả người đứng đầu đất nước cũng không ngoại lệ, ông chưa từng từ chối tấm lòng của triều thần và sẵn sàng nhận toàn bộ các lễ vật.
Người trên làm gương cho kẻ dưới, vậy nên tác phong xấu này càng ngày càng ngoài tầm kiểm soát. Hàng ngày quan viên xử việc gì cũng đều đòi dâng lễ lạt, không những thế lòng tham mỗi lúc một khó áp chế. Không ít người vì muốn có nhiều hơn nữa bắt đầu coi thường kỷ cương phép nước, liên tiếp có những hành vi tham ô, hối lộ. Nếu nói bấy giờ ai là người ngông cuồng nhất, thì đó chắc chắn là Hòa Thân. Số ngân lượng mà Hòa Thân tham ô có thể lấp đầy quốc khố tới mấy năm.
Chốn quan trường là vậy, người đứng đầu có phải cũng nên ra mặt quản thúc, đằng này ông lại luôn để quan tham tự tung tự tác. Ở đời ai cũng đều có lòng tham, nhưng lòng tham của quan lại khó kìm hãm nhất, cho dù ở triều đại nào, cũng đều có những câu chuyện tham ô.
Thế nhưng dù khó giải quyết đến đâu, người làm vua vẫn có cách. Càn Long có thể tìm người giám sát hoặc răn bảo nhiều lần không được thì mạnh tay trừng trị. Tuy nhiên trên thực tế, dù giải pháp đã được đưa ra và có sức ảnh hưởng nhất định, nhưng hiệu quả vẫn cực kỳ hạn chế. Bởi suy cho cùng ai có thể đảm bảo người giám sát sẽ luôn tham liêm, chí công vô tư, bởi cho dù hình phạt nặng tới đâu thì lòng tham vẫn luôn chiến thắng được lý trí.
Khi đó, nhà Thanh cũng đã có luật về tham nhũng, nhưng rốt cục triều đại cũng là do con người quản, pháp luật thường bị quyền lực áp chế.
Hoàng thượng thường xuyên coi thường luật pháp, kẻ bên dưới đương nhiên cũng sẽ không coi hình phạt ra gì. Vậy nên hình phạt cho kẻ tham nhũng có nặng tới đâu, chỉ cần pháp luật cho phép lợi dụng sơ hở, thì hình phạt cũng tự nhiên chẳng còn ý nghĩa gì.
Năm đó, dưới thời vua Càn Long, một vị quan trong triều đình bị tốt cáo tham ô, nhận hối lộ, khi ấy Hình bộ theo luật pháp, phán tội tử hình, nhưng hoàng đế lại thấy người này rất có năng lực, nếu giết đi thì thật đáng tiếc. Thế là Càn Long hạ lệnh miễn tội chết cho vị quan này. Sau đó, con đường làm quan của người này chẳng những không gặp bất kỳ trở ngại nào mà còn ngày một thuận lợi.
Vậy nên chúng ta có thể nhận thấy rằng Càn Long hoàn toàn không cảm thấy việc tham nhũng là vấn đề đáng quan tâm của đất nước. Chính sự lơ là này của ông đã gây ra không ít những câu chuyện khiến người đời kinh ngạc.
Năm Càn Long thứ 45, em trai một viên quan tên Trần Huy Tổ phạm vào tội tham nhũng, khiến viên quan này cũng phải chịu liên đới, nhưng Càn Long cảm thấy đây là người tốt, không nên thi hành án.
Kết quả là ông cho người thả viên quan này ra, đồng thời còn giao cho phụ trách một vụ án tham nhũng. Nhưng người này không vì thế mà cẩn trọng làm tốt trọng trách của mình, ngược lại còn nảy sinh lòng tham giống em trai mình, nhận hối lộ một cách trắng trợn ngay khi vừa nhậm chức.
Mới đầu có người mang chuyện này truyền tới tai hoàng thượng, Càn Long không hề có phản ứng gì, cho tới sau này quá nhiều người bàn tán, ông mới ra lệnh cho hắn tự sát. Dù cho viên quan này đã bị xử chết, nhưng quan lại ngày một lộng hành và cho rằng nhiệm vụ chính của người làm quan chính là vơ vét của cải.
Càn Long một mặt ra lệnh xử lý nghiêm minh, mặt khác lại dùng quân quyền can thiệp, làm mất đi sức mạnh của luật pháp.
Nói về Càn Long, không phải lúc nào ông cũng lơ là không quản đất nước. Ngay từ khi mới đăng cơ, ông vẫn rất coi trọng pháp luật, không phải động chút là lấy quyền lực ra can thiệp. Khi đó, nếu phạm phải tội danh tham ô, cho dù chức quan to thế nào cũng đều phải cởi bỏ mũ mão, chịu tội cực hình, thậm chí người nhà cũng bị liên lụy.
Ấy vậy mà sau này, có lẽ Càn Long cảm thấy thiên hạ đã đạt tới hung thịnh, nên bắt đầu lơ là, xử lý một vài chuyện chính sự hoàn toàn dựa vào sở thích cá nhân. Nếu một viên quan phạm tội mà trước đó gây được thiện cảm tốt với hoàng thượng thì sẽ được hoàng thượng ưu ái dung thứ.
Năm Càn Long thứ 43, hải quan Quảng Đông tự ý biển thủ tiền thuế, đáng lẽ phải trừng trị nghiêm khắc. Ban đầu Hình bộ chiếu theo pháp luật trừng phạt nghiêm minh, nhưng không hiểu tại sao hoàng thượng lại không hề do dự miễn thuế má cho địa phương, sự dung túng bất chấp của hoàng thượng khiến cho quan lại ngày một xem thường luật pháp.
Trên cương vị là hoàng đế, xử lý công việc xen lẫn quá nhiều sở thích cá nhân, đối với một triều thần mà ông yêu mến, ông có thể dung túng bằng mọi giá, ví dụ điển hình là Hòa Thân.
Trong lịch sử không thiếu vắng những vị hoàng đế coi trọng triều thần, nhưng còn kém xa mức độ mà Càn Long đối với Hòa Thân, người giữ chức đại thần quân cơ, tổng quản nội vụ hơn hai mươi năm, trở thành con sâu mọt lớn nhất thời đại nhà Thanh, tham ô số tiền còn lớn hơn nhiều quốc khố.
Hòa Thân là vị quan tham nhất trong lịch sử Trung Hoa, nhưng với mối quan hệ quân thần nhiều năm, Càn Long vẫn không làm gì khác cho dù trong lòng biết rõ lòng tham của Hòa Thân. Có lẽ cũng bởi Hòa Thân ăn nói khéo léo, tướng mạo lại sáng sủa, trong khi Càn Long lại là một người vô cùng quan tâm tới vẻ ngoại hình. Đó là lý do Hòa Thân thường xuyên làm hoàng thượng vui vẻ.
Nhưng Càn Long cũng không phải là kẻ ngốc. Hòa Thân đích thị có chút thực lực, lại rất trung thành, cho dù có lòng tham nhưng cũng không ảnh hưởng quá lớn tới hoàng vị. Vậy nên khi ông ta hành xử có phần quá quắt, hoàng thượng cùng lắm chỉ trách ông ta vài câu, mối quan hệ quân thần giữa hai người vẫn được xem là rất hòa hợp.
Khi Càn Long cần tiền, liền hỏi Hòa Thân:"Trẫm hết tiền thì phải làm sao?" Đương nhiên Hòa Thân không móc tiền của mình ra đưa cho Càn Long, nên đã đáp một câu: "Tiền đền tội." Nghĩa của câu nàyđơn giản là tịch thu nhà của người khác để làm đầy ngân khố.
Kẻ tham ô không bị tịch thu nhà cửa, kẻ không tham lam thì lại bị lấy nhà, quan tham lại được thăng quan tiến chức. Câu chuyện như vậy chỉ có thể bắt gặp dưới thời Càn Long.
Một triều thần tham lam vô độ, nhưng lại được hoàng thượng vô cùng tin yêu, chắc chắn sẽ cổ súy cho phong trào tham ô chốn quan trường. Thêm vào đó, hoàng thượng quá chú tâm vào hưởng thụ, động chút là tiêu xài hoang phí nên khi ngân lượng trong quốc khố không đủ dùng thì sục sạo tìm kiếm nơi bách tính. Vậy nên cuối thời Càn Long, nơi triều đình tồn tại không ít những ẩn họa, trong khi Càn Long và quần thần vẫn đang say sưa trong hoan lạc. Sự suy yếu của triều Thanh cũng dần dần từ đó mà ra.
Như một học giả Nhật Bản chia sẻ, nhà Thanh vào thời Khang Hy, Ung Chính thực sự hưng thịnh, giàu có không kém nhà Đường. Nhưng tiếc thay lại bị hủy hoại dưới tay của Càn Long. Có thể nói Càn Long chính là tội đồ lớn nhất của Đại Thanh.