Anh bén duyên với nghề nuôi chim công từ năm 2016 trong một lần tình cờ đọc thông tin trên mạng khi anh đang tìm hiểu con vật mới lạ để chăn nuôi tại mô hình gia đình.
“Qua tìm hiểu, tôi biết chim công được xem là con vật nuôi phong thủy mang đến sự may mắn và hòa khí cho gia đình gia chủ nên rất được ưa chuộng.
Đặc biệt, người có thu nhập cao và ổn định thích mua công về làm cảnh. Hơn nữa, đây con vật mang lại giá trị kinh tế cao.”- anh Toản chia sẻ.
Bởi vậy anh quyết định đầu tư nuôi con vật này để phát triển kinh tế.
Thời gian đầu, anh nhập thử 2 cặp chim công bố mẹ, thuộc giống chim công Ấn (công lam) với giá 20 triệu đồng/cặp từ Thái Lan về nuôi.
Anh Toản, nông dân nuôi chim công (vốn là động vật hoang dã, chim hoang dã) ở khu vực Bình Yên B (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tự tay chăm sóc chim công của gia đình. Chim công là loài động vật có tên trong sách Đỏ. |
Do không am hiểu sâu về chim công, anh Toản liền tìm hiểu cách nuôi trên mạng internet, sách báo.
Cộng với việc có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nuôi gia cầm, việc nuôi chim công của anh Toản gặp nhiều thuận lợi.
Sau 5 tháng, chim công đẻ được 25 trứng. Anh Toản dùng máy ấp điện để ấp trứng. Tỷ lệ nở đạt trên 80%.
Thời điểm đó, chim công con có giá 2 triệu đồng/cặp, chim từ 4 - 6 tháng giá 6 triệu đồng/cặp.
Thấy mô hình hiệu quả, anh Toản mua thêm 5 cặp chim bố mẹ về nuôi.
Sau đó, anh tiếp tục nhập thêm chim công trắng (công bạch tạng) về thuần dưỡng, lai tạo với chim công lam, cho ra chim công ngũ sắc với một vẻ đẹp đặc biệt.
Chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi chim công, anh Toản cho biết nuôi công rất dễ bởi đây là loài động vật hoang dã nên có sức đề kháng cao hơn hẳn so với các loại vật nuôi khác, thức ăn của công cũng vô cùng đơn giản.
Về mặt dinh dưỡng, một con chim công trưởng thành ăn rất ít, chỉ bằng một con gà. Ngoài các thức ăn bình thường như thóc, ngô, cám, gạo…, để bộ lông của chim công luôn bóng và mượt, anh Toản còn cho chúng ăn thêm lạc và rau giá. Các loại rau xanh cho chim công ăn, anh Toản tự trồng ở vườn sau nhà.
Nhằm đảm bảo vấn đề an toàn sinh học, cách ly với các nguy cơ dịch bệnh, mọi việc từ dọn dẹp tới chăm sóc đàn công đều do anh Toản đảm trách và trang trại được cách ly với bên ngoài.
Chuồng trại nuôi công của anh Toản cũng được xây dựng, bố trí sao cho ấm về mùa đông, mát về mùa hè, ánh sáng hợp lý tùy mùa; có khu dành cho chim trưởng thành, chim non…
Anh Toản cũng cho biết, một trong những yếu tố giúp mô hình nuôi công của anh thành công là do môi trường nuôi công phải sạch sẽ, phải khử trùng chuồng trại thường xuyên tránh để ẩm thấp, mầm bệnh dễ phát triển. Phải có khoảng sân nhỏ để công tự do nhảy múa, vận động, tắm nắng.
Bố trí thêm nhiều que sào trong chuồng để chim bay đậu cho thoải mái để chim nhanh lớn và có lông đẹp.
Nền chuồng và khoảng sân phía ngoài phải cao, được rải cát để hút ẩm đảm bảo cho lông đuôi công không bị dính bẩn mỗi khi di chuyển, đồng thời là chỗ để cho công tắm cát làm sạch bộ lông.
Hiện tại, anh Toản là một trong những nhà cung cấp chim công lớn nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ngoài ra, anh cũng thử nghiệm nuôi chim trĩ, cho thu nhập 10 - 12 triệu đồng/cặp. Trang trại của anh hiện có khoảng hơn 60 con chim bao gồm công và trĩ bảy màu.
Với trang trại này, mỗi năm anh cung cấp ra thị trường hàng trăm con giống. Chim công mới nở được anh bán với giá 1 triệu đồng/con.
Còn đối với chim công Ấn Độ 1 tháng tuổi giá bán 2 triệu đồng/cặp, công trắng 1 tháng tuổi 5 triệu đồng/cặp và chim công bố mẹ 15 - 20 triệu đồng/cặp.
Với khả năng sinh sản tốt, tỷ lệ ấp nở thành công khá cao (khoảng trên 855), mỗi năm anh thu về hơn 200 triệu đồng.
Theo anh Toản, thị trường buôn bán, cũng như nghề nuôi chim công ngày càng sôi động, vì vậy, thời gian tới anh sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi ra hơn nữa, hỗ trợ về giống, kỹ thuật, bao tiêu đầu ra nếu ai có nhu cầu nuôi.
Anh hi vọng nghề nuôi chim công sẽ phát triển hơn nữa, trở thành một giống vật nuôi gần gũi với đời sống con người.