Liên tiếp những hình ảnh méo mó của cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an thời gian qua đã khiến dư luận không khỏi bất bình, thậm chí là bất an.
Thượng tá Thái Đình Hoà, Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế dùng bằng cấp 3 giả để thăng tiến rồi quy hoạch đến chức Phó Giám đốc Sở ở Lai Châu; nữ Đại úy Lê Thị Hiền- Công an quận Đống Đa gây náo loạn ở sân bay Tân Sơn Nhất khiến cho một người bình thường nhất cũng không thể tin nổi, đó là một nữ cán bộ đang công tác trong ngành công an. Và đặc biệt, hành vi ném xúc xích, đánh nhân viên tại trạm dừng nghỉ Hải Đăng của thượng úy Nguyễn Xô Việt, công an Thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) còn cho thấy tính côn đồ, hung hãn của một người coi thường pháp luật, ngồi trên pháp luật.
Sau những bất bình, bất an đó, người ta chờ đợi thái độ ứng xử, chờ đợi cách giải quyết, xử lý của ngành công an ra sao. Chậm ngày nào, thêm những nghi ngại, băn khoăn ngày đó.
Và cách xử lý đã được đưa ra, dẫu chưa phải là câu trả lời cuối cùng.
Những hành động trên đang làm méo mó đi hình ảnh của người chiến sĩ CAND. |
Tước danh hiệu công an nhân dân - một hình phạt nghiêm khắc nhất đã được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm quyết định áp dụng với Thượng tá Thái Đình Hòa- Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu. Việc khai trừ khỏi Đảng vị cán bộ này cũng chỉ là thời gian sớm hay muộn.
Bên hành lang Quốc hội, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cũng chính thức xác nhận, nữ Đại úy Lê Thị Hiền đã bị khai trừ Đảng, bị giáng 2 cấp và đề nghị xuất ngũ.
Còn tại Thái Nguyên, Thượng úy Nguyễn Xô Việt - cán bộ Đội Tổng hợp, Công an Thị xã Phổ Yên đã bị giáng cấp bậc hàm xuống Trung uý và cho xuất ngũ.
Cán bộ công an sai phạm: Xử càng nghiêm, dân càng nể!
Những hành động xấu xí như vậy nếu xử nhẹ, nếu “nương tay” sẽ làm méo mó đi hình ảnh về người chiến sĩ công an nhân dân- lực lượng được coi là “thanh kiếm” và “lá chắn”.
Mấy chục năm qua, đất nước đã yên tiếng súng nhưng máu của biết bao chiến sĩ công an vẫn đổ xuống.
Mấy chục năm qua, nếu không có sự hy sinh thầm lặng của hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ trong ngành công an thì Việt Nam có thể là “đất nước thanh bình” cho người nước ngoài và giới đầu tư hay không?
Mấy chục năm qua, cánh cửa trường Đại học an ninh hay cảnh sát vẫn là niềm khao khát của biết bao người bởi vào đó là rèn luyện, là thử thách để mong có những sản phẩm tốt nhất cho xã hội.
Cũng bởi vậy, việc xử lý cán bộ thoái hóa, hư hỏng, thậm chí vô văn hóa, vô đạo đức như những vụ việc vừa qua trong ngành công an, vừa là đòi hỏi của nhân dân, vừa là yêu cầu dứt khoát phải làm của ngành bảo vệ pháp luật.
Làm sạch đội ngũ, làm sạch lực lượng vũ trang cũng là cách để củng cố niềm tin của nhân dân. Những tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp “nhúng chàm” đã bị tước danh hiệu, bị truy tố trước pháp luật. Đã sạch, đã cương quyết thì phải sạch từ trên xuống dưới.
Giữ mình, không coi thường nhân dân, khinh nhờn pháp luật, dù ở trụ sở tiếp dân hay giữa chốn đông người. Chỉ có như vậy, họ mới bảo vệ được thanh danh của mình, không có cách nào khác.