Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 17 triệu người tử vong vì tim mạch, chiếm 30 % số ca tử vong chung và đặc biệt số ca tử vong vì bệnh tim mạch so với bệnh ung thư hơn 20 lần và gấp 10 lần so với tai nạn giao thông.
Tại Việt Nam, số người chết vì tim mạch chiếm tới 33% tổng số người tử vong với 200.000 ca mỗi năm, gần gấp đôi số ca tử vong vì ung thư (115.000 ca). Đây là con số đáng báo động về căn bệnh chết người này.
Các bệnh lý tim mạch gia tăng chóng mặt ở Việt Nam |
Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch Việt Nam, hiện Việt Nam có 25% dân số mắc bệnh về tim mạch, trong đó phổ biến nhất là tăng huyết áp, mạch vành, đột quỵ... Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang trẻ hóa và tăng nhanh chóng mặt.
Năm 2002, nhóm nghiên cứu của Viện Tim mạch quốc gia khảo sát tại 8 tỉnh gồm Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thái Bình, Nghệ An... cho thấy tỉ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành ở mức 16,3%, nhưng đến năm 2008 tăng lên 28,5% và lên tới 47,3% vào năm 2015.
Tăng huyết áp ngoài gây suy thận, nhồi máu cơ tim còn gây ra các biến chứng tai biến mạch máu não, xuất huyết não, vỡ mạch máu não. Đó chính là lí do nhiều người tử vong đột ngột trong vòng 1-2 phút mà không biết nguyên nhân.
Tại buổi lễ khai trương Phòng cấp cứu – Can thiệp tim mạch Q1 ngày 27/11, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, BV Bạch Mai cho biết thêm, qua hàng năm, số lượng bệnh nhân phải can thiệp tim mạch không ngừng tăng, trung bình tăng 15% mỗi năm.
Năm 2017, cả nước chỉ có 10.000 ca can thiệp nhưng đến 2018 ước tính sẽ tăng lên 12.000 ca.
Phòng can thiệp tim mạch Q1 với nhiều trang thiết bị hiện đại được tặng miễn phí như máy chụp mạch 1 bình diện, máy siêu âm trong lòng mạch vành, hệ thống khoan cắt vôi mảng xơ vữa, hệ thống máy hút huyết khối... với tổng trị giá hơn 23 tỉ đồng cho phép các bác sĩ có thể can thiệp những ca tổn thương động mạch phức tạp hoặc các ca nhiều huyết khối trong động mạch vành mà trước đây rất khó phẫu thuật.
GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, với gần 90 trung tâm y tế đã có thể thực hiện nhiều thủ thuật khó, can thiệp, điều trị các bệnh về tim mạch trên cả nước, ngành Tim mạch học Việt Nam đang đứng đầu khu vực và vươn tầm ra thế giới.
Theo PGS Phạm Mạnh Hùng, hầu hết bệnh lý tim mạch có thể phòng ngừa được. Ngoài những nguyên nhân do tuổi tác, yếu tố di truyền, các nguyên nhân còn lại đều có thể kiểm soát như thói quen ăn mặn, uống rượu bia, hút thuốc lá, lười vận động, stress...