TS Tô Thanh Phương – Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, hiện nay không ít người đang xem nhẹ và coi căn bệnh trầm cảm là “không đáng quan tâm”, thậm chí khi nói rằng trầm cảm còn nguy hiểm hơn cả những căn bệnh mãn tính và đau đớn hơn tất cả những căn bệnh nào khác, mọi người đều cho rằng đó là đang làm quan trọng thêm vấn đề.
Nhưng đó là một thực tế mà chỉ những người sau khi bị trầm cảm, hoặc các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm mới thấm thía và hiểu hết được sự nguy hiểm của căn bệnh này.
TS Tô Thanh Phương: "Không gì đau đớn bằng bệnh trầm cảm". |
“Không cái gì đau đớn bằng bệnh trầm cảm. Người bị trầm cảm chỉ muốn tìm đến cái chết. Thậm chí đau đớn như bệnh ung thư con người còn chịu đựng được chứ trầm cảm thì khó ai chịu đựng được”, BS Tô Thanh Phương khẳng định.
Theo BS Phương, nhiều người chỉ nghĩ đơn giản rằng, bệnh trầm cảm là sống thu mình, không tiếp xúc với ai…nhưng đó chỉ là những dấu hiệu mới và nhẹ nhất của bệnh. Theo phân tích của bác sĩ Phương, hiện nay số lượng người bị trầm cảm chiếm khoảng 20% dân số thế giới với 3 thể: nhẹ, vừa, nặng. Trong đó giai đoạn đầu rất khó phát hiện.
“Riêng trầm cảm nặng phân làm 2 loại: không loạn thần (với biểu hiện buồn thảm, ủ rũ, bi quan, chán nản) và loạn thần với những biểu hiện như: hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh xui khiến như: tự tử, giết người, không ăn, bỏ nhà và nhảy lầu là nguy hiểm nhất.
Số liệu thống kê cho thấy 80% bệnh nhân trầm cảm nặng bị ảo thanh định tự sát, 15% trong đó đã tự sát thành công. Đáng chú ý hơn, nếu bị ảo thanh kéo dài ngoài 6 tháng là không thể chữa khỏi", TS Phương cho hay.
Bệnh nhân nữ đang được điều trị tại BV Tâm thần Trung ương I. |
Không chỉ có vậy, nếu những căn bệnh như ung thư, tim mạch hay những bệnh ngoài da có thể đau về thể xác và giải quyết được thì với trầm cảm, ngoài nỗi đau thể xác, còn có những nỗi khổ trong tâm trí và hơn thế nữa có những trường hợp còn gây ra những nỗi đau không gì bù lấp được cho gia đình và cộng đồng.
Minh chứng cho những nỗi đau mà bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm phải chịu đựng, TS Tô Thanh Phương ví dụ một trường hợp bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm với biểu hiện bị ảo thanh. Tức là luôn có tiếng nói ở trong đầu, tiếng nói đó có thể là mắng chửi, cũng có thể là xui khiến người bệnh làm bất cứ điều gì.
“Một bệnh nhân bị ảo thanh do mắc bệnh trầm cảm và bị “xui khiến” đi ăn trộm gà, sau đó bị chủ nhà phát hiện, họ tiếp tục bị ảo thanh xui khiến và kết quả là dùng dao đâm chết chủ nhà”, BS Phương nhớ lại.
Theo bác sĩ Phương, những câu chuyện như trên không hiếm và cái kết đau lòng là, người bệnh thì đưa vào viện điều trị với biểu hiện rất nặng và chống đối kịch liệt. Còn phía người bị hại thì đau đớn vì mất đi người thân và cũng chỉ biết than thân trách phận vì người gây án mắc bệnh tâm thần.
Tóm lại, BS Phương nhận định, những người mắc chứng trầm cảm nặng nói chung và phụ nữ bị chứng trầm cảm nặng nói riêng họ rất dễ bị ảo thanh, hoang tưởng.
“Khi phụ nữ bị điên thì trăm cái khổ, nhiều trường hợp người thân đành bó tay, nuốt nước mắt để họ "phá cũi sổ lồng" đi như ma ám ngoài mưa gió, lều quê quán chợ, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường.
Đó chính là sự đau khổ về cả mặt thể xác lẫn tinh thần, mà không chỉ riêng họ đau khổ, những người thân của họ cũng đau đớn không kém phần. Chắc hẳn chẳng có căn bệnh nào phải chịu những nỗi đau như vậy”, TS Phương cho hay.
Mời quý độc giả xem video về bệnh ung thư (nguồn Youtube):