Trong một căn nhà hai gian lụp xụp ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), Tao Lan đang giúp em trai làm bài tập về nhà. Len qua những khoảng trống, gió thốc vào nhà từng cơn. Bên ngoài, Tao Lan trồng rau. Hàng ngày, hai chị em cùng hái rau chế biến thành món ăn.
Căn nhà vắng bóng người lớn. Cha mẹ của hai em sống và làm việc cách đó hơn 1.000 km. Mỗi năm, họ chỉ về thăm hai đứa trẻ một lần.
“Nếu trải qua một ngày tồi tệ ở trường, chúng cháu cũng không dám kể với cha mẹ. Họ làm việc vô cùng vất vả, cháu không muốn bố mẹ phải lo lắng thêm”, cô bé nói với BBC.
Nhiều cha mẹ để con lại quê nhà vì lo trẻ không được hưởng phúc lợi xã hội khi đi cùng đến thành phố mới. |
Tao Lan và em trai chỉ là 2 trong số hơn 60 triệu trẻ em bị cha mẹ “bỏ lại” quê nhà trong khi đi xa kiếm sống, chiếm 21,88% trẻ em Trung Quốc.
Theo CNN, trong số những đứa trẻ bị bỏ lại, 38% ở độ tuổi 0-6, 48% từ 6-14 tuổi, chỉ 13% trong độ tuổi 15-17. Bên cạnh đó, 53% sống cùng cha hoặc mẹ, 33% sống cùng ông bà, 11% sống với người khác và 3% phải ở một mình.
60% trẻ bị bỏ lại không biết nghề nghiệp của cha mẹ. 30% chỉ có thể gặp cha mẹ 1-2 lần trong năm, 15% không thể gặp cha mẹ mỗi năm một lần. Gần 25% nhận liên lạc từ bố mẹ ít hơn 4 lần trong một năm.
Thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Tháng 6/2015, 2 trẻ thiệt mạng do bị đầu độc. Thủ phạm là một cô gái có cha mẹ đi làm xa, không nhận được sự quan tâm, giáo dục đầy đủ.
Trước đó, năm 2013, ba đứa trẻ ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây chết đuối trong một hồ bơi. Thời điểm đó, cha mẹ của các em đang làm việc ở nơi xa.
Nhiều đứa trẻ vì thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ nên có những suy nghĩ tiêu cực. Giới truyền thông ghi nhận nhiều vụ tự tử thương tâm. Tháng 1/2014, một cậu bé tìm đến cái chết sau khi nghe mẹ nói rằng bà không thể về nhà với cậu vào Tết Nguyên đán.
Tháng 6/2015, 4 anh chị em ruột (tuổi từ 5-14) ở Tất Tết, tỉnh Quý Châu, đã uống thuốc sâu tự tử. Theo China Youth Daily, mẹ của những đứa trẻ bỏ nhà đi đầu năm 2014 do mâu thuẫn với chồng. Sau đó, tháng 3/2015, chồng chị rời làng đi làm ăn xa.
Bên cạnh thi thể của con trai cả 14 tuổi là một bức thư với nội dung: "Tôi thề rằng sẽ không sống quá tuổi 15. Hiện tại, tôi 14 tuổi. Tôi mơ về cái chết và giấc mơ đó chưa bao giờ trở thành hiện thực. Hôm nay, nó phải trở thành sự thật".
Thực tế, lao động di cư chủ yếu là những người có thu nhập thấp. Để tiết kiệm, mỗi năm, họ chỉ về thăm nhà 2-3 lần. Với họ, đưa con theo không phải lựa chọn tốt. Nguyên nhân đến từ hệ thống đăng ký hộ khẩu.
Theo đó, những đứa trẻ chuyển khỏi địa phương để đến sống cùng bố mẹ ở nơi khác khó có thể hưởng phúc lợi xã hội đầy đủ, kể cả việc tiếp cận giáo dục cũng như chăm sóc sức khỏe.
"Tôi rất lo lắng vì không thể bên cạnh con. Nếu không có rào cản pháp lý, chúng tôi sẽ đưa con đi cùng", Liu Ting, một công nhân làm trong nhà máy dệt ở thành phố Thành Đô, chia sẻ.
Lên thành phố làm việc, người phụ nữ này và chồng gửi con cho bà chăm. Tuy chỉ cách quê vài tiếng đi xe, gần nửa năm, họ chưa về thăm đứa trẻ.
Cuối năm 2015, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ cấp tình trạng cư trú cho một số lao động di cư. Điều này có nghĩa con của họ cũng có thể sử dụng những dịch vụ công như y tế và giáo dục nếu chuyển đến cùng bố mẹ.
Để được cấp tình trạng cư trú, lao động di cư phải chứng minh có việc làm và chỗ ở ổn định tại thành phố trong 6 tháng. Tuy nhiên, trường học vẫn là nỗi lo của các bậc phụ huynh, đặc biệt người có con ở độ tuổi mẫu giáo.
Phần lớn gửi con vào các trường mầm non tư nhân đặc biệt dành cho lao động di cư. Các cuộc điều tra cho thấy những ngôi trường này thường gặp nhiều vấn đề và chất lượng không đảm bảo, nhất là về giáo viên.
Cô nuôi dạy trẻ làm việc trong các trường mầm non tư kém chất lượng thường là những người không có chứng chỉ giảng dạy hoặc bằng cấp chuyên môn về giáo dục mầm non. Họ ít có cơ hội được đào tạo hay trao đổi kỹ năng với đồng nghiệp ở những nhà trẻ khác.
Hầu hết giáo viên ở độ tuổi 20-25 và chưa lập gia đình. 70% có kinh nghiệm giảng dạy dưới 3 năm. Bên cạnh đó, lương giáo viên mầm non ít ỏi khiến nhiều cô nuôi dạy trẻ rơi vào khủng hoảng.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn trong các trường mẫu giáo dành riêng cho con của lao động di cư, những người chỉ có mức lương 2.000-3.000 nhân dân tệ/tháng. Nhiều phụ huynh thậm chí không có bảo hiểm xã hội hoặc y tế. Thu nhập của họ chỉ đủ trang trải cuộc sống nơi đô thị.
Nhiều người cho rằng lương thấp là lý do cơ bản khiến các vụ bạo hành trẻ em liên tục diễn ra.
Điển hình, hồi đầu tháng 11, đoạn video ghi cảnh giáo viên mầm non dùng bạo lực với trẻ nhỏ khiến dư luận dậy sóng. Theo đó, ngày 1-3/11, giáo viên của một trường mầm non tại thành phố Thượng Hải đã giật ba lô của bé gái và ném nó ra xa. Sau đó, cô giáo này đẩy đứa trẻ ngã xuống đất.
Những cảnh khác cho thấy người phụ nữ đút mù tạt vào miệng của mấy đứa trẻ mới biết đi và mặc kệ chúng khóc. Trước đó, phụ huynh từng hỏi các cô về những vết bầm tím trên cơ thể trẻ.
The Diplomat cho biết tại Bắc Kinh, nhiều phụ huynh phản ánh họ phát hiện vết kim tiêm trên người con. Một số trẻ nói rằng chúng bị tiêm một chất không xác định và được các cô cho uống loại thuốc gì đó sau mỗi bữa ăn hàng ngày.
Theo báo cáo phát triển giáo dục mầm non cho con của lao động di cư ở Trung Quốc của Đại học Sư phạm Thượng Hải, trẻ di cư theo cha mẹ cũng khó hòa nhập với cộng đồng bởi ở trong môi trường gần như cô lập với văn hóa bên ngoài. Phần lớn giáo viên dạy trẻ cũng là lao động di cư.
Báo cáo này tiến hành khảo sát trong 2 năm với hơn 300 giáo viên và hơn 1.800 phụ huynh ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Trùng Khánh, Quảng Châu và Thâm Quyến.